Kỳ họp số 7, Quốc hội khóa XV: Xem xét tính đồng bộ giữa Quy hoạch Thủ đô với các quy hoạch khác
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 20/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô
Thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao tại nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lập Đồ án điều chỉnh và Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội đồng thẩm định vào tháng 4/2024. Đồ án này đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội báo cáo Đảng đoàn Quốc hội và Thành ủy Hà Nội đã báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 5/2024. Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, tiếp thu và đã có báo cáo, Bộ Xây dựng đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình trình Quốc hội để xin ý kiến.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011 tại Quyết định 1259/QĐ-TTg, qua một thời gian thực hiện đã phát huy được hiệu quả và cũng như đóng góp tích cực vào sự phát triển Thủ đô, tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã nảy sinh những bất cập. Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô, cần thiết phải điều chỉnh Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.
"Lần này chúng ta xác định giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn là tới năm 2045 và có tầm nhìn đến năm 2065. Với tầm nhìn quy hoạch đến năm 2065, thành phố Hà Nội là thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại và trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước và có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới", Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, việc điều chỉnh Đồ án này có một số nội dung mới cần nhấn mạnh. Thứ nhất là định hướng phát triển, Đồ án lần này được lập cùng với Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, do đó tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và cũng phù hợp với các quy hoạch cấp trên theo hệ thống quy hoạch thực hiện theo Luật Quy hoạch năm 2017.
Bên cạnh đó, Đồ án được điều chỉnh gắn với các chiến lược phát triển như hợp tác liên kết, phát triển văn hóa di sản, phát triển xanh, xác lập môi trường đáng sống, đô thị thông minh và bền vững, xác lập các cơ chế năng động, đặc thù cho Thủ đô; đồng thời kế thừa và điều chỉnh quy mô cấu trúc đô thị, theo hướng cấu trúc đô thị là chùm đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 vùng đô thị (vùng đô thị trung tâm, vùng đô thị phía Đông, vùng đô thị phía Bắc, vùng đô thị phía Tây, vùng đô thị phía Nam). Hệ thống các đô thị này phân cách bằng các hành lang xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, giao thông hướng tâm.
Đồ án lần này cũng đặt vấn đề về kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn, xây dựng hình thái quy hoạch kiến trúc đặc trưng cho Thủ đô Hà Nội tại khu vực đô thị, nông thôn, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch về chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực, đặc biệt là khu vực nội đô. Việc lựa chọn các chỉ tiêu sử dụng đất, sử dụng không gian, hạ tầng kỹ thuật và yêu cầu phát triển trong khu vực chức năng đặc thù cũng được làm rõ trong Đồ án lần này.
Tiếp thu kinh nghiệm từ quốc tế
Thay mặt cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định Quy hoạch Thủ đô, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội để tiếp thu, giải trình các vấn đề các đại biểu quan tâm, để có được Quy hoạch Thủ đô đạt được chất lượng tốt nhất và tính khả thi cao nhất.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch được tổ chức lập và thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về quy hoạch, với định hướng đưa Thủ đô Hà Nội trở thành động lực phát triển, có vai trò dẫn dắt quan trọng về kinh tế cho vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc cũng như cả nước. Quy hoạch đã có nhiều điểm khác biệt so với một số quy hoạch khác, như việc đã chú trọng đến các vấn đề về văn hóa, di sản, thể hiện Thủ đô là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước, là trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo và phát huy được tiềm năng con người, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, quy hoạch cũng thể hiện được định hướng phát triển Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm với Thủ đô của các nước phát triển trong khu vực và thế giới về mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng thể hiện được hướng tiếp cận với các xu hướng mới về phát triển xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nhất là tiếp thu những kinh nghiệm tốt nhất của quốc tế về phát triển cơ sở hạ tầng mới tại các khu đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh, đặc biệt là những cơ sở hạ tầng hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, qua đó thể hiện sự phát triển đô thị theo mô hình điều chỉnh cấu trúc không gian, hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông công cộng...
Để Quy hoạch thật sự có ý nghĩa và có tính khả thi cao, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị rà soát để xem xét tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch.
"Rất may là chúng ta trình 2 quy hoạch đồng thời, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch điều chỉnh chung của Thủ đô, đấy là điều kiện tốt để chúng ta có dịp rà soát tính đồng bộ, tính thống nhất. Thứ hai, phải đồng bộ với cả các quy hoạch chung của cả nước, Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, quy hoạch các ngành quốc gia, Quy hoạch của các địa phương xung quanh. Việc này rất quan trọng, nếu không sau này xảy ra xung đột, mâu thuẫn, chúng ta phải trả giá hoặc phải điều chỉnh sẽ rất bất cập", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh; đồng thời cho rằng cần lưu ý vấn đề tổ chức thực hiện quy hoạch, xác định rõ cơ chế nào, nguồn lực, cách thức tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu.