Kính tiễn biệt nhà biên kịch Lê Phương: 'Nơi gặp gỡ của tình yêu'
Nhà biên kịch - nhà văn Lê Phương đã gửi lại cõi tạm 89 năm để phiêu du miền mây trắng vào lúc 20h44 ngày 14/5/2022 tại nhà riêng (ở Hà Nội). “Ông Lê Phương là người bạn thân thiết, làm việc ăn ý với tôi trong công việc. Khi đọc kịch bản của ông, tôi thẳng thắn chia sẻ cảm nghĩ, ông Phương đều lắng nghe. Trong cuộc sống, ông ít nói, trầm ngâm, nhưng nói ra câu nào cũng đều thâm thúy, đáng suy ngẫm” - đạo diễn Long Vân, phim Biệt động Sài Gòn, do Lê Phương và Nguyễn Thanh biên kịch, chia sẻ như vậy.
Lê Phương tên khai sinh là Nguyễn Văn Tiến, sinh ngày 28/1/1933 tại xứ Kinh Bắc xưa, nay thuộc làng Thiết Úng (làng Ống), xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội... Ông sinh ra và lớn lên trong cảnh mẹ góa, con côi. Cha mất từ lúc ông còn nằm trong bụng mẹ 2 tháng. Mẹ ông đi bước nữa khi ông mới 3 tuổi. Dù lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của đại gia đình, dòng tộc, nỗi buồn vẫn luôn thường trực canh cánh. Sống trong gia cảnh đặc biệt éo le, ngay từ nhỏ, ông đã có ý thức tự lập, giàu nội lực vươn lên.
Trong kháng chiến chống Pháp, khi mới 16 tuổi, đang học bậc Thành chung, ông đã tình nguyện tham gia Trung đoàn Bắc Bắc (đơn vị bộ đội địa phương của tỉnh Bắc Ninh) cho đến năm 1953 chuyển sang biên chế bộ đội chính quy. Được phân công nhiệm vụ địch vận, Nguyễn Văn Tiến đã mưu trí thâm nhập sâu vào mối quan hệ giữa vùng tự do và vùng tề. Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1953, ông có mặt trong đơn vị khảo sát các tuyến đường lên Điện Biên.
Theo yêu cầu của tổ chức, Lê Phương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong vai một doanh nhân trẻ, chủ một công ty xuất nhập khẩu hàng nông thổ sản với đội tàu biển vận chuyển hàng hóa hai chiều từ Hải Phòng đi Ma Cao, Hong Kong… Nhiệm vụ đòi hỏi sự thông minh, khôn khéo. Nhờ vào vai diễn nhuần nhuyễn và thành công, ông đã thu thập được nhiều thông tin quan trọng, chuyển cho tổ chức của ta về các hoạt động của các tổ chức bí mật dưới cái vỏ là những tổ hợp kinh tế tư nhân.
Hoàn thành nhiệm vụ ở Cục Bảo vệ chính trị, năm 1955, Lê Phương trở về Hà Nội nhận công tác tại Nhà xuất bản Lao động Tổng Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và từ năm 1977 chuyển sang Hãng phim truyện Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.
Viết rất có duyên ở nhiều lĩnh vực
Lê Phương bước vào nghiệp viết khá sớm. Đến với văn chương nghệ thuật, ông có các bút danh Mai Quân, Nghĩa Lê, Nhị Lê, Lê Phương, trong đó Lê Phương là bí danh khi làm nhiệm vụ tại Cục Bảo vệ chính trị đã trở thành bút danh quen thuộc, gắn với ông trong suốt cuộc đời.
Chính hiện thực sinh động đã thôi thúc ông viết. Truyện ký Thử lửa được in trên báo Cứu quốc quân là tác phẩm ghi dấu ấn đầu tiên đến văn chương với bút danh Lê Phương. Nội dung tác phẩm ngồn ngộn chất hiện thực, tươi mới cảm xúc. Ông viết về chính công việc mình chỉ huy cùng thanh niên xung phong khai phá, mở những con đường vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược... lên Điện Biên. Nếu không nếm trải hiện thực sinh động đó thì khó có thể có được những trang viết chân thực, xúc động đến như vậy.
Sau tác phẩm đầu tay Thử lửa, ông đã trở thành nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp, với các tiểu thuyết như Bất khuất (2 tập, 1963, 1964), Người sông Gianh (1965), Pháo đài 44 (1965), Thung lũng Cô Tan (1973), Bạch đàn (1975), Bông mai mùa lạnh (1979), Ngã ba thời gian (1980)…
Ông luôn có ý thức tích lũy tri thức từ nhiều nguồn như sách báo, học hỏi, trải nghiệm những chuyến đi thực tế mà ông gọi là “những cuộc đi tìm bạn”. Những tác phẩm của ông thể hiện vốn sống, sự trải nghiệm ở nhiều lĩnh vực liên quan. Ông tâm huyết, trách nhiệm với ngòi bút của mình. Cái gì hiểu sâu sắc mới viết. Còn cái gì chỉ hiểu chàng màng, khơi khơi thì cần có thời gian tìm hiểu kỹ mới viết.
Lê Phương viết rất có duyên ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Viết về các chiến sĩ pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng, ông viết Pháo đài 44. Viết về công nhân mỏ, ông viết tiểu thuyết Bất khuất. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về vùng mỏ. Trải nghiệm với thực tiễn ở vùng mỏ Quảng Ninh, ông đã xây dựng các nhân vật là các chiến sĩ cách mạng hoạt động trong phong trào công nhân. Hình tượng giai cấp công nhân Việt Nam đã được thể hiện chân thực, sinh động, hấp dẫn, giàu chất điện ảnh với những tình huống kịch chặt chẽ, đầy kịch tính.
Ở lĩnh vực địa chất, ông viết tiểu thuyết Thung lũng Cô Tan như một kỹ sư địa chất thực thụ với ngôn từ mang tính chuyên ngành với “bùn dậy thì”, “tầng đá mẹ”, “mây tích”, “mây ti”... Ở lĩnh vực lâm nghiệp, ông viết tiểu thuyết Bạch đàn. Trong Ngã ba thời gian (1978), ông viết về lĩnh vực thủy lợi. Còn Bông mai mùa lạnh là tiểu thuyết viết về những kỹ sư trẻ từ miền Bắc vào tiếp quản và xử lý các sự cố của thủy điện Đa Nhim ngay sau 1975. Truyện ký Con chim đầu đàn viết về tổ đá nhỏ ca A của Nhà máy Xi măng Hải Phòng...
Cơ duyên điện ảnh
Sau hơn 20 năm gắn bó với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1955-1977), cơ duyên điện ảnh đã đưa ông đến Hãng phim truyện Việt Nam và đến Tổng biên tập Xưởng phim III với vai trò làm biên kịch điện ảnh.
Lê Phương hiểu điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp. Kiến thức văn học đầy đặn là yếu tố quan trọng đưa ông đến với điện ảnh với vai trò người xây viên gạch móng đầu tiên chăm chút cho những đứa con tinh thần của mình trước khi đưa vào sản xuất. Là một nhà văn, ông có nhiều thuận lợi khi bắt tay viết kịch bản điện ảnh. 15 kịch bản do ông viết đã được làm phim nhựa như Biệt động Sài Gòn (4 tập), Đêm hội Long Trì, Tráng sĩ Bồ Đề, Cơn lốc biển, Nơi gặp của tình yêu, Câu lạc bộ không tên...
Ông là một trong số ít nhà biên kịch miền Bắc tiên phong “hành phương Nam”, tự tin tiến vào thị trường phim TP.HCM với những kịch bản phim như Tình sử Cô-ti-lưa, Địa ngục khoái lạc… Có những kịch bản ông chuyển thể từ tiểu thuyết của mình, như Cơn lốc biển chuyển thể từ tiểu thuyết Bất khuất, Nơi gặp gỡ của tình yêu (2 tập, 1980) chuyển thể từ tiểu thuyết Bông mai mùa lạnh...
Từ 1990, phim truyền hình lên ngôi, Lê Phương là tác giả của hơn 200 kịch bản phim truyền hình dài tập đã phát sóng. Ông thường gọi thể loại phim này là “tiểu thuyết truyền hình”. Có thể kể đến như Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ, Sống mãi với Thủ đô, Ngã ba thời gian...
Ông cùng vợ - nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã - viết chung nhiều kịch bản phim dài tập như Ngã ba thời gian, Con nhện xanh, Mã số thần kỳ, Nước mắt đàn bà, Tổ ấm, Chiều không nhạt nắng...
- NSƯT Thanh Loan: Mãi là 'Ni cô Huyền Trang' của 'Biệt động Sài Gòn'
- Tiễn biệt NSƯT Quang Thái - 'ông trùm' trong phim 'Biệt động Sài Gòn'
- Phim 'Biệt động Sài Gòn': Chiến thắng lớn nhất là tìm được sự hòa hợp
Không chỉ viết kịch bản “siêu”, Lê Phương còn là người thầy hướng dẫn có trách nhiệm cho nhiều nhà biên kịch có tên tuổi như Hoàng Nhuận Cầm, Trịnh Thanh Nhã…
“Nhà văn chỉ thực sự là nhà văn đang sáng tác và chỉ nên để độc giả biết về mình qua tác phẩm. Cái khó của nhà văn là làm sao để có đủ bản lĩnh biết dừng lại khi đã cạn duyên văn” - Lê Phương từng chia sẻ.
Tôi lặng buồn trước hai chữ “Anh ơi!” của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, chị viết trên trang FB cá nhân ngay sau khi người bạn đời rời cõi tạm... Tôi ám ảnh với hình ảnh nhà văn Lê Phương ngồi trên chiếc xe lăn do người bạn đời tri kỷ Trịnh Thanh Nhã đưa đến dự Đại hội Nhà văn Việt Nam khối cơ quan Trung ương và Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa 10, hồi tháng 11/2020.
Bên tai tôi bỗng văng vẳng giai điệu ca từ trong phim Nơi gặp gỡ của tình yêu, nhạc của Hoàng Hiệp: “… Nơi em gặp anh nắng xua tan mù sương/ Gió thôi mang mùi đạn bom/ Vết thương đã lành trên thân mình.../ Em mang tình anh sẽ như cuộc đời trẻ mãi/ Em mang tình anh đến trọn đời”.
Nhà văn Lê Thị Bích Hồng