Kinh nghiệm tránh mua phải ô tô 'dính' thủy kích
(Thethaovanhoa.vn) - Mua ô tô cũ nhiều khách hàng đã "ôm quả đắng" khi rước phải xe từng bị "thủy kích" (ngập nước), khiến số tiền sửa chữa bỏ ra tăng gấp nhiều lần so với lúc mua. Khi tư vấn mua xe cũ, các chuyên gia luôn nhấn mạnh khách hàng hãy tránh xa những xe từng có "tiền sử" ngập nước - thủy kích, bởi hậu quả của hiện tượng này gây ra cho xe thường lớn và rất khó khắc phục. Thậm chí mua về, một thời gian xe gặp trục trặc số tiền bỏ ra sửa chữa là rất lớn.
- Thanh niên 17 tuổi điều khiển ô tô gây tai nạn lật nghiêng trên đường
- TP HCM thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công
1. Đầu tiên kiểm tra không gian nội thất của xe, nếu có mùi ẩm mốc bốc ra thì chắc chắn chiếc xe từng “dính” thủy kích. Thông thường xe bị thủy kích, thợ sửa xe của gara thường phải phun rất nhiều nước hoa để át mùi ẩm mốc.
Cách kiểm tra đơn giản nhất là đóng cửa xe lại và tắt điều hòa đi, nếu mùi nước hoa quá nồng, hoặc mùi ẩm mốc thể hiện rõ thì không mua.
2. Bộ phận kiểm tra tiếp theo là dây đai an toàn của xe. Nếu thấy phần cuối dây an toàn bị mốc, ố màu, có màu khác lạ so với phần còn lại hoặc có ngấn thì nhiều khả năng xe đã từng bị ngập nước.
3. Kiểm tra ngoại thất của xe, đặc biệt là chú ý tới bộ phận cụm đèn pha của xe. Trong trường hợp thấy đèn có dấu hiệu bị cậy ra để lau chùi, hoặc mờ thì chứng tỏ nó đã bị vào nước.
Một trong những bộ phận khác, chi tiết khác của xe cũng nói lên tất cả. Kiểm tra ở cốp xe, các con ốc vít ở những vị trí kín. Nếu thấy có dấu hiệu han rỉ thì nhiều khả năng xe đã từng bị ngập nước. Sờ thử và lật thảm trải sàn lên xem có bùn không.
4. Nhấc lốp dự phòng ra kiểm tra xem có bùn bẩn, hoặc nước đọng lại, vì những vị trí đó thợ sửa xe thường ít để ý đến trong lúc làm việc.
Bên cạnh đó, nên yêu cầu chủ xe cho xe lên cầu để kiểm tra gầm xe xem có dấu hiệu bị ăn mòn không? Kiểm tra các vị trí tiếp giáp giữa cao su và vỏ xe, lật cao su ra xem, nếu có dấu hiệu bong tróc nhỏ thì nhiều khả năng xe đã bị ngập nước.
5. Khởi động máy để kiểm tra, đặc biệt nên chú ý tới những điểm sau: Âm thanh của máy có khác lạ? Có mùi lạ khi xe khởi động không? Kiểm tra đèn ở bảng điều khiển, đèn chiếu sáng, đèn xi nhan… Bật cần gạt nước mưa xem chúng có hoạt động bình thường không? Nghe thử đầu đĩa, đài phát thanh trên xe xem có hiện tượng rè, nhiễu?
6. Bước sau cùng cần đề nghị chạy thử xe, nhằm cảm nhận đầy đủ và có thể nhận ra những vấn đề phát sinh khi xe vận hành. Bạn nên khởi động nguội động cơ, nhờ người khác xem có khói từ ống xả hay không, nghe âm thanh từ tiếng nổ của động cơ có gì bất thường hay không.
Nên tăng tốc và cảm nhận về những yếu tố quan trọng như chân ga, hệ thống phanh, hệ thống lái, sự ổn định của thân xe khi vào cua tốc độ cao. Bên cạnh đó cũng không nên bỏ qua việc theo dõi mức tiêu hao nhiên liệu của xe...
Tác hại của hiện tượng thủy kích đối với ô tô Thủy kích là hiện tượng xe bị nước tràn vào đường hút gió của máy, làm xe chết máy đột ngột. Trong trường hợp này, nếu người lái khởi động lại xe nước sẽ bị hút sâu vào động cơ khiến các piston không thể di chuyển dọc xy lanh nhưng vẫn chịu lực đẩy của trục cam làm cong cần piston, các te và ổ đỡ trục khuỷu bị hư hỏng; nặng hơn khi tay biên cong quá sẽ bị gãy, đoạn gãy này sẽ chọc thủng thành động cơ... Hậu quả của hiện tượng thủy kích thường rất nặng nề do hư hỏng nằm ở động cơ - trái tim của xe. Chi phí sửa chữa trong trường hợp bị thủy kích rất lớn; việc khắc phục sẽ tỷ lệ thuận với mức độ sang trọng và cao cấp của xe bởi giá phụ tùng chính hãng hiện nay vẫn rất đắt. |
Theo Báo Nghệ An