Kinh ngạc vùng đất có giá nhà đắt nhất Mỹ
Theo các con số mới được tạp chí Forbes công bố, thị trấn Atherton nằm ở Thung lũng Silicon giờ là nơi có giá bất động sản đắt nhất Mỹ.
Thị trấn buồn tẻ nhưng ai cũng muốn tới sống
Ngôi nhà đắt nhất ở đây đang được chào bán với mức giá 30 triệu USD. Trong khi đó, căn rẻ nhất có 2 phòng ngủ được bán với giá 1,5 triệu USD. Giám đốc điều hành (CEO) Google Eric Schmidt, Chủ tịch Hewlett Packard Meg Whitman và Sheryl Sandberg, Giám đốc hoạt động Facebook, đều có nhà ở Atherton.
Năm ngoái, Paul Allen, sáng lập viên Microsoft với tài sản ước tính 16 tỷ USD, đã bỏ ra 27 triệu USD để mua một tư dinh 8 phòng ngủ ở Atherton Trong khi đó, ngôi sao Shirley Temple đã sống tại Atherton suốt một thời gian dài, tới tận thời điểm bà qua đời hồi đầu năm nay.
Atherton, một thị trấn tĩnh lặng thậm chí là buồn tẻ với 7.000 cư dân, trông không hề giống một chốn mà người ta khao khát tìm tới sống. Nơi này không nằm gần bãi biển cát trắng, không có quang cảnh hùng vĩ lay động lòng người, không sở hữu các nhà hàng được xếp hạng Michelin hay có các khu mua sắm cao cấp.
Thị trấn cũng chỉ có một tòa thị chính và một thư viện, do quy định của chính quyền địa phương cấm việc phát triển các công trình mang mục đích thương mại.
Tuy nhiên trong 12 tháng qua, giá bất động sản ở đây vẫn tăng tới 40%. Năm ngoái, giá trung bình 1 ngôi nhà ở đây “chỉ” 6,7 triệu USD. Giờ người ta phải bỏ ra trung bình hơn 9 triệu USD.
Điểm mạnh duy nhất của thị trấn là nó nằm ngay gần Thung lũng Sillicon. Cụ thể, thị trấn nằm kế bên Đại học Stanford và chỉ cách Palo Alto (đại bản doanh Facebook) cùng Mountain View (đại bản doanh Google) chỉ một quãng ngắn. Nó cũng nằm gần một số công ty đầu tư thuộc loại lớn nhất hành tinh.
“Có thể nói chúng ta đang ở trong kinh đô công nghệ sáng tạo của thế giới” - Eugene Korsunsky, một “cò đất” thuộc công ty địa ốc Intempus Realty cho biết – “Có nhiều cộng đồng dành riêng cho người thượng lưu ở khu Bay Area, nhưng Atherton vẫn là nơi người ta thèm khát nhất.
Không chỉ người Mỹ mới mê Atherton
“Cơn sốt vàng” thời hiện đại ở California, thể hiện qua việc nhiều công ty tại Thung lũng Silicon thu về 400 tỷ USD trong mấy năm qua, đã đổ một lượng lớn tiền vào thị trường nhà đất địa phương, gồm Atherton. Cò” Ken DeLeon tới từ công ty DeLeon Realty, nơi đã bán số bất động sản ở Atherton trị giá 500 triệu USD trong 12 tháng qua, nói rằng ông đơn giản là không thể đáp ứng nổi nhu cầu của khách hàng.
“Không nghi ngờ gì về việc đây là thị trường tuyệt nhất ở Mỹ, thậm chí còn trên cả Manhattan” – ông nói – “Gần đây chúng tôi mới rao bán một căn nhà và trong 24 giờ đã nhận được 10 đề nghị mua. Trong số đó, có tới 4-5 người tới từ Google”.
Các cuộc chiến đấu giá thường diễn ra xung quanh mỗi ngôi nhà Atherton được bán ra. Trong một cuộc đấu giá gần đây, một ngôi nhà rất khiêm tốn thuộc về một gia đình lao động bình thường, đã được bán vượt mức đề nghị tới 500.000 USD, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi nó được rao.
Với việc Thung lũng Silicon trở thành địa chỉ đầu tư an toàn, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã bắt đầu chú ý tới Atherton. Korsunsky nói rằng nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc muốn có nhà gần Đại học Stanford, để tiện phục vụ con cái họ sau này. Họ tỏ ra rất “thoáng” và sẵn sàng mua nhà ở Atherton mà không cần xem trước.
Hoạt động kinh doanh tốt tới mức đầu năm nay, DeLeon đã mua một chiếc máy bay Cirrus GTS để khách tiện tham quan Atherton. “Người Trung Quốc thích những thứ hoành tráng, họ thích được mua vui và muốn thể hiện mình khi mua nhà (ở Atherton)” – DeLeon nói – “Trong khi đó các khách hàng tới từ giới công nghệ Mỹ thì ngược lại. Họ muốn có một ngôi nhà đẹp, thân thiện với gia đình, nhưng không gây chú ý. Với họ, sự riêng tư là trên hết”.
Dân địa phương ngán ngẩm trước cơn sốt đất
Theo giới kinh doanh địa ốc, Atherton còn đặc biệt hấp dẫn ở chỗ nó có luật xây sửa nhà khá thoải mái, thậm chí là lỏng lẻo. Chủ nhà hoàn toàn có quyền xây nhà cao hơn và to hơn so với các thành phố khác ở New York và Los Angeles. Kết quả là Atherton giờ trở thành một thị trấn bùng nổ xây dựng. Gần như mọi ngôi nhà trên đại lộ chính của thị trấn đều đã căng bạt che chắn, với công nhân liên tục làm việc ở bên trong.
Tuy nhiên khoảng cách thu nhập giữa những người mua nhà lắm tiền và các cư dân lâu năm của thị trấn đã bắt đầu gây ra xung đột. Nhiều thông điệp lên án những người siêu giàu đã xuất hiện trên hàng rào của các công trình xây dựng trong thị trấn
Marion Oster, Chủ tịch Hiệp hội di sản Atherton còn lo ngại những người giàu có sẽ làm thay đổi đặc điểm truyền thống của thị trấn. “Chúng tôi thất vọng khi nhiều ngôi nhà cổ giờ đã bị phá, bị thay thế bởi các ngôi nhà lớn hơn” – bà nói – “Không ít ngôi nhà mang đặc trưng trang trại đang bị những ngôi nhà hai tầng có tầng hầm nuốt chửng”.
Một câu hỏi đặt ra lúc này là liệu cơn sốt ở Atherton có kéo dài? “Tôi nghĩ chúng tôi vẫn còn vài năm tăng trưởng nữa. Đây là một cơn sốt bất động sản thực sự, chứ không phải hiện tượng bong bóng” – “cò” DeLeon lạc quan. Tuy nhiên một cư dân lâu năm ở thị trấn thì không nghĩ thế: “Đây là lời nguyền của Thung lũng Silicon. Tôi đang cầu nguyện rằng họ sẽ sớm cuốn xéo đi nơi khác”. Các cư dân giàu nhất của Atherton:
Paul Allen, đồng sáng lập Microsoft, 16 tỷ USD
Eric Schmidt, CEO Google, 9,3 tỷ USD
Charles Schwab, sáng lập viên ngân hàng Charles Schwab, 5,8 tỷ USD
George Roberts, đồng sáng lập viên công ty chứng khoán KKR, 5 tỷ USD
Meg Whitman, Chủ tịch Hewlett Packard, 2 tỷ USD
Mark Stevens, nhà đầu tư mạo hiểm ở công ty Sequoia Capital, 1,5 tỷ USD
Sheryl Sandberg, Giám đốc hoạt động Facebook, 1,05 tỷ USD
Tim Draper, nhà đầu tư mạo hiểm, 1 tỷ USD
Tường Linh (Theo Telegraph)
Thể thao & Văn hóa