'Kinh gốm' của cha con Lê Thiết Cương: 'Hiện trên mặt gốm kinh và thơ'
(Thethaovanhoa.vn) - Có lẽ từ sau sự thành công của triển lãm Thơ gốm (2017) và sự thành kính trong dự án sáng tạo 10 bình gốm cỡ lớn trên đó có ghi những câu thơ chọn lọc từ thơ nôm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng những minh họa tối giản theo phong cách Lê Thiết Cương, anh lại bước thêm một bước chậm rãi, trầm tĩnh đến với dự án mang tên Kinh gốm.
1. Cuộc triển lãm và ra mắt cuốn sách cùng tên Kinh gốm sẽ diễn ra từ ngày 2/10 đến 12/10 tại Gallery 39A Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Triển lãm trưng bày 40 lọ gốm và 13 bức bột màu/vải màn, còn cuốn sách là do nhiếp ảnh Lê Nguyên Nhật (NHAT LE) sáng tạo nội dung, lên ý tưởng, chụp ảnh và dàn dựng thiết kế.
Kinh gốm có thể coi là phần tiếp nối của Thơ gốm. Thông qua triển lãm này, hoạ sĩ muốn đưa tinh thần Phật giáo đến gần với đời sống thường nhật hơn.
Kinh thì gồm những câu kinh điển nhà Phật, ví dụ như Thực tướng vô tướng, Phiền não tức bồ đề… và những câu thơ Thiền Việt Nam thời Lý - Trần, ví dụ như câu thơ của Trần Nhân Tông: Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền (nghĩa là: Ở trong nhà mình đã có của quý rồi còn phải tìm đâu nữa - Trước cảnh mà tâm mình là “không” thì khỏi cần hỏi Thiền là gì?). Còn gốm là Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), Hương Canh (Vĩnh Phúc) và Thanh Hà (Hội An- Quảng Nam).
2. Sở dĩ có Kinh gốm vì Lê Thiết Cương vừa mê kinh Phật, thích Thiền Tông, lại vừa mê gốm hơn mê người tình. Đưa ra đời “kinh gốm”, Lê Thiết Cương không chỉ để thỏa mãn lòng yêu của mình với kinh Phật và gốm mà còn muốn góp phần bảo tồn truyền thống bằng cách “hiện đại hóa gốm”, “là nó mà lại là nó khác, đẹp và hiện đại. Gốm phải sống được trong đời sống hiện đại” như lời tự bạch của chàng họa sĩ tối giản này về Kinh gốm. Và để cho Kinh gốm nổi bật như một giai điệu chủ đạo, Lê Thiết Cương còn chơi thêm vào triển lãm một hòa điệu là những bức tranh vẽ thơ Thiền Lý - Trần trên chất liệu bột màu/ vải màn, mộc mạc và giản dị như chính chất “Thiền”. Đây là chất liệu gắn với tên tuổi của anh và cũng là chất liệu chủ đạo anh vẽ trong 10 năm (1991-2001).
Để giới thiệu cùng đông đảo những người mến mộ, Lê Thiết Cương còn ấn hành một tập sách mang tên Kinh gốm mà trong đó, phần độc đáo là phần bình chú, chú giải và những nét minh họa cho những câu thơ Thiền và những câu kinh điển của nhà Phật trên tinh thần “tối giản” của mình.
Lâu nay, Lê Thiết Cương đã từng làm bìa, thiết kế, minh họa nhiều tập thơ của phụ thân là nhà thơ Lê Nguyên - tác giả bài thơ Hà Nội - Huế - Sài Gòn nổi tiếng qua việc phổ nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân. Lần này, với triển lãm Kinh gốm, lần đầu tiên có sự tham gia mỹ thuật vào ấn phẩm của nhà nhiếp ảnh trẻ Lê Nguyên Nhật (NHAT LE) - Trưởng nam của họa sĩ. Ngẫm mà thấy câu “cha truyền, con nối” thật đúng với chuyện này.
- Triển lãm 'Chuyện ghế': Vẻ đẹp 'tối giản' của Lê Thiết Cương
- Lê Thiết Cương tuyển chọn 50 tranh cho triển lãm 'Hà Nội/Hà Nội'
- Hoạ sỹ Lê Thiết Cương: 'Người lớn nào thì cũng từng là trẻ con'
- ‘Gốm và Người’ qua tuyển lựa của Lê Thiết Cương
Lê Nguyên Nhật học nhiếp ảnh tại Paris nhiều năm. Ở Kinh gốm, sự hiện đại của cha cộng hưởng với chất hiện đại của con có thể khiến người thưởng ngoạn ấn phẩm cảm thấy “mãn nhãn” bất ngờ. Một hòa điệu như gốm được tạo ra bởi đất - nước - lửa. Một hòa điệu thần diệu.
3. Suốt nhiều tháng qua, trong khi cả thế giới tạo ra một thế chiến chống đại dịch Covid 19 quyết liệt, Lê Thiết Cương âm thầm, lặng lẽ chìm đắm trong Kinh gốm của mình đến mức chênh vênh có thể “tẩu hỏa nhập ma”. Đấy là phẩm chất Lê Thiết Cương. Đã không làm thì thôi. Đã làm là làm tới cùng, làm tới mức hoàn thiện, hoàn mỹ. Bởi thế, khi triển lãm Kinh gốm mở cửa tại tư gia 39A Lý Quốc Sư- Hà Nội, đón người thưởng thức tới chiêm ngưỡng vào tuần đầu tháng 10.2020, nhằm vào dịp Trung thu, cũng là ngày sinh nhật lịch ta của chính Lê Thiết Cương và trưởng nam Lê Nguyên Nhật, hẳn mọi người sẽ nhận ở đấy đầy ắp vẻ đẹp của sự chia sẻ, của niềm đắm say. Nó vừa là “không”, lại vừa là “một”. Ẩn và hiện nhiệm mầu. Đó chính là “thực tướng vô tướng”.
Hiện trên mặt gốm
kinh và thơ
*
ẩn trong thớ gốm
tình và mơ
*
quá vãng vàng son mỉm cười một nụ sương mờ
chậm bước vào hiện tại
*
không đấy mà một đấy
mà đầy
Nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha