Kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý - Trần dưới ánh sáng khảo cổ học
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 24/2, tại tọa đàm khoa học quốc tế “Nhận diện kiến trúc Việt Nam thời Lý - Trần qua tư liệu khảo cổ và sử liệu”, các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tập trung thảo luận về kiến trúc cung điện, hành cung Việt Nam thời Lý - Trần dưới ánh sáng khảo cổ học.
Cung điện thời Lý
Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Minh Trí - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh thành cho biết, trong lịch sử cổ trung đại, kiến trúc cung điện thường có quy mô lớn, được xây dựng kiên cố, công phu, trang trí cầu kỳ và nguy nga lộng lẫy.
Kiến trúc cung điện Việt Nam có nhiều đặc điểm tương đồng cơ bản với kiến trúc cung điện của những nước có nền văn minh chữ Hán ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chủ yếu được xây dựng bằng gỗ kết hợp với gạch, ngói và đá, chia thành 3 phần trên, giữa và dưới.
Vì làm bằng gỗ nên khó bảo tồn nguyên vẹn theo thời gian, các công trình kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý - Trần về cơ bản đã bị hủy hoại và chôn vùi dưới lòng đất. Những khám phá khảo cổ học từ năm 2002 đến nay cho thấy dấu tích những kiến trúc cung điện, lầu gác có quy mô to nhỏ khác nhau. Những phản chiếu trong nghệ thuật trang trí mái cung điện qua hệ thống vật liệu kiến trúc thấy rằng từ thời Lý, một nền nghệ thuật đổi mới và mãnh liệt đã ra đời.
Kết quả nghiên cứu so sánh trong nhiều năm qua cũng đã chứng minh thuyết phục rằng, kiến trúc cung điện thời Lý là thành tựu đỉnh cao trong lịch sử phát triển của kinh thành Thăng Long, phản ánh xác thực về sự phát triển của xã hội thời Lý, về trình độ và kỹ thuật xây dựng rất cao của vương triều Lý.
Nghiên cứu đánh giá từ phương diện phương vị, bố cục không gian và thiết kế kiến trúc có thể nhận thấy, kiến trúc thời Lý đã phát triển mạnh mẽ, tạo dựng một phong cách thời đại mới, là kiến trúc cung điện nổi bật nhất của nền văn minh Đại Việt, có sắc thái độc đáo, riêng biệt nhất trong hệ thống kiến trúc cung điện trong khu vực châu Á.
Nếu nhìn tổng thể về quy hoạch, kiến trúc thời Lý có nhiều nét rất đặc biệt bởi nó không tuân thủ nghiêm ngặt về bố cục không gian theo tính chất đăng đối qua trục trung tâm như trong quy hoạch đô thị mang tính chuẩn mực của quy chế xây dựng cổ đại ở Trung Quốc, mà sự đăng đối trong bố cục của kiến trúc thời Lý chủ yếu mang tính tương đối, thể hiện tính linh hoạt, năng động và mang bản sắc riêng.
Dựa vào bằng chứng từ những chiếc “đấu”, “củng” gỗ khai quật được, đặc biệt là dựa vào kết quả nghiên cứu so sánh từ các mô hình kiến trúc thời Trần trong giai đoạn 2011-2015, kiến trúc thời Lý có hệ thống khung giá đỡ là hệ “đấu củng” giống như kiến trúc gỗ tại các cung điện của Trung Quốc hay Nhật Bản, Hàn Quốc.
Các chuyên gia kiến trúc và khảo cổ học Nhật Bản cũng đồng quan điểm, tuy nhiên hệ đấu củng của kiến trúc gỗ Việt Nam thời Lý đơn giản, không phức tạp như kiến trúc cung điện của các quốc gia này.
Đáng lưu ý, tư liệu từ một số mô hình cho thấy, đấu củng thời Lý, Trần còn có sự kết hợp với điêu khắc tượng linh thú. Kiến trúc cung điện Việt Nam thường phổ biến sử dụng tàu mái che rui. Đây là nét đặc trưng rất riêng biệt của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý.
Một bằng chứng thú vị là trên các đấu và củng đều có vết tô son đỏ. Nhiều song cửa hình con tiện và những mẩu gỗ của cấu kiện kiến trúc tìm được tại di tích Hoàng thành Thăng Long cũng thấy còn tươi nguyên màu đỏ của các lớp sơn, phản ánh bộ khung của kiến trúc gỗ cung điện thời Lý xưa chắc chắn được sơn son và có vẻ đẹp lộng lẫy. Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là những kết quả nghiên cứu ban đầu, cần tiếp tục nghiên cứu lâu dài. Tiến sĩ Bùi Minh Trí chia sẻ.
Hành cung thời Trần
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Chi, Viện Sử học, hành cung là nơi để vua nghỉ ngơi mỗi khi rời Kinh đô Thăng Long đi tuần du ở các địa phương. Thời Lý, Trần, triều đình đã cho xây dựng khá nhiều hành cung, trong đó nổi tiếng được ghi nhiều trong quốc sử như hành cung Ứng Phong, Lỵ Nhân thời Lý, Thiên Trường, Vũ Lâm thời Trần.
Thời Lý, hành cung Ứng Phong nay thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định được vua ngự nhiều nhất, để xem xét việc cày ruộng, gặt và được Quốc sử chép đến nhiều hơn cả. Một hành cung đã được khai quật khảo cổ học là Lỗ Giang, và những kết quả khai quật mở rộng hành cung này trong năm 2016 sẽ cung cấp nhiều tư liệu quý về di tích quan trọng này.
Năm 2014 - 2015, các nhà khảo cổ đã khai quật tại khu vực hành cung Lỗ Giang (Thái Bình), nay là di tích đền Trần - Thái Lăng có phạm vi khá rộng lớn. Ông Lê Đình Ngọc, Trung tâm nghiên cứu Kinh thành cho biết, loại mặt bằng hình chữ “công” khá độc đáo cũng gặp ở thời Trần nhưng khá ít và cấu trúc cũng hơi khác là kiến trúc lớn ở phía sau và kiến trúc nhỏ ở phía trước.
Một đặc điểm đặc biệt nhất về kỹ thuật xây dựng kiến trúc tại hành cung Lỗ Giang qua kết quả khai quật là sự độc đáo trong kỹ thuật xây dựng móng trụ. Móng trụ ở đây theo dạng trụ kép đôi và kép ba. Kỹ thuật xây dựng móng trụ kép đôi đã gặp nhiều tại di tích Hoàng thành Thăng Long dưới thời Lý nhưng nó chỉ xảy ra trong các mặt bằng kiến trúc nhỏ, tính chất kém quan trọng hơn. Móng trụ kép ba thì lần đầu tiên được tìm thấy.
Một điểm đáng chú ý khác là kỹ thuật xây dựng bó nền, về cơ bản vẫn được xếp bằng gạch chữ nhật nhưng các đoạn gạch không liên tục mà tách rời thành từng đoạn có chiều dài bằng nhau, đều nhau. Các đoạn đứt được gia cố bằng cọc gỗ hoặc các trụ đá dựng đứng làm cho nền kiến trúc được đẩy cao và chắc chắn hơn.
Các loại ngói mũi sen lợp mái tìm thấy có kích thước khá tương đồng, tuy nhiên có một số ít các viên ngói cùng kích thước, nhưng hình dáng và chất liệu cũng kỹ thuật sản xuất khác nhau như ngói mũi sen kép giả, mũi sen đầu tròn cho thấy có sự tu sửa ít nhất là phần mái ngói của công trình vào các giai đoạn trong thời Trần.
Hành cung Lỗ Giang gắn liền với sự nghiệp của vua Trần Hiến Tông (thế kỷ 13-14). Vị hoàng đế trẻ tuổi này mất tại đây năm 1341 khi mới 23 tuổi. Di tích hiện tại đã trở thành đền thờ các vị vua Trần, có bài vị của vua Trần Anh Tông và Trần Minh Tông.
TTXVN/Minh Nguyệt