Kiên Giang tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 5 năm
Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2022 của tỉnh Kiên Giang cao nhất trong 5 năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thực hiện hơn 52.473 tỷ đồng, đạt 78,4% kế hoạch, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Kinh tế phục hồi tốt, nhiều ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng bằng và cao hơn bình quân cả nước.
Kinh tế trên đà phục hồi nhanh
9 tháng năm nay, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện tốt kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với 19/27 chỉ tiêu đạt trên 75% kế hoạch. Kinh tế trên đà phục hồi nhanh ở tất cả các lĩnh vực với một số chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ như: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 21,55%, khách du lịch tăng 162,9%, doanh thu từ du lịch tăng 219%...
Đặc biệt, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 25,5%, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành cả nước, chỉ sau Bắc Giang, Quảng Nam, Vĩnh Long, Đắk Lắk và thành phố Cần Thơ. Tỉnh có số doanh nghiệp thành lập mới tăng 45% về số lượng, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, các lĩnh vực như: xây dựng nông thôn mới, thu hút vốn đầu tư, thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu, vốn đầu tư toàn xã hội, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc và gia cầm… đạt khá so với kế hoạch và tăng so cùng kỳ năm 2021.
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Hữu Toàn cho biết, tổng diện tích lúa gieo trồng của tỉnh gần 700.000 ha, đạt 99,3% kế hoạch; trong đó, lúa chất lượng cao chiếm trên 95% diện tích, đã thu hoạch hơn 86% diện tích gieo trồng, sản lượng 3,92 triệu tấn, đạt gần 90% kế hoạch. Sản lượng nuôi trồng thủy sản khoảng 230.000 tấn, tăng gần 10% so cùng kỳ; trong đó, tôm nuôi các loại 101.800 tấn, đạt 93,8% kế hoạch, tăng 21,7% so với cùng kỳ.
Trên đà kinh tế tỉnh phục hồi nhanh và phát triển, lĩnh vực công nghiệp nổi lên là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội Kiên Giang. Theo Sở Công Thương Kiên Giang, giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng ước hơn 41.634 tỷ đồng, tăng 25,5% so cùng kỳ, đạt 81,4% kế hoạch; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính hơn 39.491 tỷ đồng, tăng 26,22%. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều có sản lượng tăng như: giày da, bao bì, tôm đông, gạch các loại, gỗ MDF, thủy sản đông lạnh, quần áo may sẵn…
Tiếp đến, kim ngạch xuất khẩu hơn 621 triệu USD, đạt 79,6% kế hoạch năm, tăng 19,2% so với cùng kỳ, với các sản phẩm hàng hóa chủ lực xuất khẩu, gồm: gạo, rau quả, hải sản, giày da và những mặt hàng khác.
Cùng với đó, thương mại biên giới với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và Cửa khẩu quốc gia Giang Thành đạt trên 146 triệu USD; trong đó, xuất khẩu gần 91 triệu USD, tăng 74,27% so cùng kỳ.
Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Nguyễn Văn Hoàng nhấn mạnh, tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh gắn với đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Các doanh nghiệp đã đưa ra giải pháp kinh doanh phù hợp, thích nghi với diễn biến của dịch bệnh. Một số chính sách, chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục đi vào cuộc sống giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn và phục hồi sản xuất. Thị trường tiêu thụ dần ổn định, các doanh nghiệp có nhiều đơn hàng mới, nhất là trong lĩnh vực chế biến thủy sản, sản xuất giày da, may mặc…
Trong bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng của tỉnh, ngành du lịch đã vượt kế hoạch năm 2022 nhờ thực hiện nhiều biện pháp ứng phó với dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn cho du khách và người lao động, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả giải pháp kích cầu du lịch gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch và thu hút khách du lịch trong trạng thái bình thường mới. Ngành du lịch cũng tăng cường hoạt động kết nối các tỉnh, thành trong cả nước, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đẩy mạnh hoạt động du lịch, nhất là tại các địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh.
Nhờ vậy, 9 tháng năm nay, tỉnh đón hơn 6,1 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch, tăng 163% so cùng kỳ, vượt 9,2% kế hoạch năm; tổng doanh thu từ du lịch đạt 7.738 tỷ đồng, tăng 219% so cùng kỳ, đạt 99,9% kế hoạch năm. Thành phố Phú Quốc là điểm thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến với trên 4 triệu lượt du khách, tăng 154% so cùng kỳ, vượt 7,6% kế hoạch năm; trong đó khách du lịch quốc tế 123.125 lượt du khách. Tổng doanh thu từ du lịch của đảo ngọc này đạt 5.136 tỷ đồng, tăng 161,8% so cùng kỳ, đạt 76% kế hoạch năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành nhấn mạnh, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng khá so với cùng kỳ, một số chính sách, chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội từng bước đi vào cuộc sống giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, phục hồi sản xuất. Sản xuất nông nghiệp duy trì khá ổn định và hiệu quả, không để phát sinh dịch bệnh nghiêm trọng gây hại cây trồng, vật nuôi...
Tăng tốc, bứt phá
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho hay, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng cuối năm, tăng tốc hơn nữa và tranh thủ thời cơ để “bứt phá” ở một số ngành, lĩnh vực có điều kiện thuận lợi, nhằm đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2022. Tỉnh quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, bền vững, hiệu quả.
Theo đó, các ngành chức năng liên quan phối hợp với huyện, thành phố tiếp tục tập trung nhiều giải pháp, thường xuyên nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh mạnh mẽ hơn, phấn đấu trong quý IV, giá trị sản xuất công nghiệp đạt từ 9.500 tỷ đồng trở lên; trong đó, chú trọng hỗ trợ về nguyên liệu, công nhân lao động, vốn vay ngân hàng, thị trường… tăng cường thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Nguyễn Văn Hoàng cho biết, tỉnh cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa trong dịp cuối năm. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong quý IV đạt từ 26.900 tỷ đồng trở lên, xuất khẩu đạt hơn 159 triệu USD.
Cùng với đó, du lịch Kiên Giang đẩy mạnh các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch. Tranh thủ cơ hội từ việc nối các đường bay quốc tế đến Phú Quốc để tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, mở rộng thị trường và thu hút khách quốc tế đến Kiên Giang, chuẩn bị đón khách du lịch dịp cuối năm và đầu năm mới 2023.
- Kiên Giang phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
- Kiên Giang phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản ven biển đảo
Kiên Giang phấn đấu năm 2022 đón hơn 7,4 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch, đạt trên 132% kế hoạch, tăng 137,7% so với năm 2021; tổng doanh thu từ du lịch 9.717 tỷ đồng, đạt 125,5% kế hoạch, tăng 203,7% so với năm 2021.
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, đơn vị có liên quan phối hợp huyện, thành phố tiếp tục tăng cường các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), kiên quyết không để xảy ra tàu cá vi phạm IUU. Tỉnh chuẩn bị chu đáo việc đón tiếp, làm việc với Đoàn kiểm tra về công tác chống khai thác IUU của Uỷ ban châu Âu.
Ngoài ra, tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, đơn vị có liên quan phối hợp huyện, thành phố tiếp tục tăng cường các giải pháp phòng chống thiên tai; hoạt động tài chính – ngân hàng, thu, chi ngân sách; chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, xây dựng nông thôn mới, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 100% kế hoạch…
Lê Huy Hải/TTXVN