Kiên Giang: Phòng ngừa, ứng phó với thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những tháng cuối năm nay, có từ 8 – 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó từ 3 – 5 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta, không loại trừ tỉnh Kiên Giang.
Vì vậy, tỉnh chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường nhằm giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.
Theo đó, ngành chức năng tỉnh phối hợp với các địa phương tập trung rà soát, đánh giá an toàn hệ thống đê biển, đê sông, kịp thời gia cố đoạn đê xung yếu, nguy cơ sạt lở và vỡ đê cao để bảo vệ an toàn sản xuất, nhất là hồ, ao, đầm nuôi thủy sản. Đơn vị chức năng kiểm tra hệ thống các công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ nhằm phát hiện những nguy cơ gây mất an toàn công trình để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục; chủ động vận hành đóng, mở các cống trên địa bàn tỉnh để điều tiết nước, chống ngập úng tại những khu vực trũng thấp. Các thành phố, huyện và xã đảo đặc biệt chú ý các hồ chứa nước ngọt trên các đảo, đảm bảo an toàn.
Các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp với địa phương sẵn sàng huy động lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện thường trực để thực hiện sơ tán, di dời và ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu. Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tổ chức trực các trạm, chốt cứu nạn, cứu hộ, sẵn sàng phối hợp với các đơn vị liên quan làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn; tăng cường công tác kiểm tra an toàn trên biển, bắn pháo hiệu báo bão khi cần thiết, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.
Tỉnh triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và kiểm soát an toàn giao thông ở các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố thiên tai trên địa bàn. Lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm tại các bến cảng, bến phà, phương tiện thủy hoạt động trên các tuyến vận tải từ bờ ra đảo và ngược lại theo đúng quy định, phù hợp tình hình thời tiết.
Mặt khác, tỉnh yêu cầu Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến thời tiết, phối hợp với cơ quan khí tượng thủy văn Trung ương để nhanh chóng phát các bản tin về mưa, lũ, bão, áp thấp nhiệt đới… phục vụ công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh và để người dân biết, chủ động ứng phó kịp thời.
Các huyện, thành phố trong tỉnh tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, các khu vực có nguy cơ cao về sự cố thiên tai, phương án ứng phó thiên tai sát với tình hình thực tế. Các địa phương triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai có thể xảy ra, không chủ quan, lơ là.
Từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã làm 5 người chết, 4 người bị thương; 98 căn nhà đổ sập, 357 căn bị tốc mái; 15 phương tiện đánh bắt thủy sản bị chìm... Tổng thiệt hại ước khoảng 10 tỷ đồng.
Lê Huy Hải/TTXVN