Kịch 'Sài Gòn có một ngã tư': Tình người đẹp tới rơi nước mắt
(Thethaovanhoa.vn) - Dường như tạo ra tiếng cười rồi lấy đi nước mắt đã trở thành nghề của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Và câu chuyện ấy lại được lặp lại ở Sài Gòn có một ngã tư (kịch bản: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: NSƯT Thành Hội), vở diễn ra mắt từ 28/1.
Cảm tác từ truyện ngắn Ừ đi!... Ừ! của nhà văn Trần Kim Trắc, Sài Gòn có một ngã tư bày ra trước mắt người xem một ngã tư quốc tế có thật giữa lòng trung tâm Sài Gòn đô hội với những câu chuyện tình, chuyện đời thấm đẫm nước mắt và tình người.
Tình yêu hóa giải mặc cảm
Vẫn kể về lớp người bình dân dưới đáy xã hội, vẫn là nói về những kiếp người hẩm hiu nhưng sự cuốn hút của vở kịch làm khán giả phải cười đó rồi khóc đó không ngớt. Kịch mở màn với cảnh tượng những người bình dân xóm nghèo mưu sinh ngay tại ngã tư quốc tế giữa trung tâm quận 1, Sài Gòn. Đó là Thanh hốt rác, Nhành đấm bóp giác hơi, Tám Nở bán cà phê, Thông ba gác, Thời hớt tóc, Lựu xu xa, Nữ bán xôi, Sáu mù đàn dạo…
Tất cả họ không được nêu họ tên đầy đủ mà chỉ có cái tên thường gọi gắn với nghề mình họ chọn để kiếm sống qua ngày. Họ là đại diện của kiếp người cùng khổ ngay giữa nơi tưởng xa hoa bậc nhất. Khổ như Thanh khóc trong đám giỗ ba mình: “Con xin lỗi ba vì mỗi lần nói chuyện với ba như vầy con chưa bao giờ thơm tho hết”.
Ngay trong kiếp cùng khổ, ấy tình yêu vẫn hiện lên giữa Thanh (Hoàng Vân Anh thủ vai) và Nhành (Đoàn Thanh Tài). Họ là cặp đôi được bà con nơi xóm ngã tư quốc tế ủng hộ hết sức. Tuy nhiên, tình yêu ấy bị cha của Nhành là ông Thông ba gác (Thành Hội) kì thị và cấm đoán bởi quá khứ làm gái bán dâm của Thanh.
Tình huống trớ trêu của vở kịch bắt đầu khi ông Thông mất đi chú chó cưng tên là Lý Lệ Hoa. Ông luôn nghi ngờ cho Nhành và Thanh bán mất, đến mức ngày nào ông cũng uống say từ sáng và ra ngã tư này gây chuyện với hai người.
Khi biết được người bán và mua chú chó, vì quá yêu Nhành nên Thanh đã “bán mình chuộc chó”. Cao trào của câu chuyện là lúc việc ấy vỡ lở ra. Từ tổn thương nặng nề, Nhành yêu Thanh hơn, từ chì chiết đớn đau, Thông thương Thanh hơn cả con ruột.
Đến đây, ông Thông mới nói ra sự thật vì sao mình kì thị nghề làm gái của Thanh. Sự kì thị ấy bắt nguồn từ mặc cảm vợ ông đã bỏ ông mà đi vào nhà chứa. Lúc đó cả xóm nghèo mới vỡ lẽ và cảm thông cho ông nhiều hơn.
Đám rước dâu “không thể nghèo hơn” đột ngột ngay trên bãi rác mà Thanh sinh sống là cái kết đẹp đến thương tâm được vẽ lên trên những giằng co giữa tình yêu và mặc cảm tự ti, giữa tình người và kiếp người. Đám rước ấy cũng là phép hóa giải cho tâm hồn cao đẹp của những người cần lao.
Vở diễn đáng xem mùa Tết
Vở diễn cuốn hút nhưng không làm khó người xem bởi các tình tiết kịch khá chặt chẽ, đơn tuyến và hợp lý. Thêm vào đó, việc định hình sẵn kiểu tâm tính thuần nhất ở các nhân vật trong suốt vở diễn làm cho khán giả có thể nhập cuộc nhanh chóng trong việc tiếp cận nội dung.
Dài ba tiếng và có gần mười diễn viên phụ xuất hiện liên tục, vở không gây cảm giác rối, bởi sự hợp lý của họ. Những vai phụ này không phải hiện ra cho có, mà mỗi người là một thành tố không thể thiếu của bức tranh sinh động mang tên ngã tư quốc tế. Và cũng chính họ làm hiện lên đầy đủ một Sài Gòn hào sảng, hiệp nghĩa, chất phác và chánh trực.
Cái đẹp từ những điều bình dị hiện lên xuyên suốt câu chuyện. Ở đó, những “chiếc lá rách” biết tự cưu mang nhau như cách Thanh giúp đỡ ông Sáu mù, bà Tám Nở từng kéo Thanh ra khỏi nhà chứa của mình, hoặc cách cả xóm nghèo ấy cóp nhặt từng đồng bạc góp cho đám cưới của cặp đôi… hoàn cảnh.
Có câu “sự đô như hý” (chuyện đời như kịch), thì vở này cũng có thể nói ngược lại: kịch như chuyện đời. Nhìn những giọt nước mắt của diễn viên Hoàng Vân Anh sau khi vở hạ màn khán giả hẳn sẽ có cảm giác mình vừa chứng kiến một chuyện đời thường.
Một kịch bản kín kẽ và chỉn chu cộng với dàn diễn vững nghề, Sài Gòn có một ngã tư xứng đáng là một vở diễn đáng xem trong dịp Tết Mậu Tuất này. Ngày 3/2, Kịch Hoàng Thái Thanh sẽ cho ra mắt vở diễn Tết thứ hai mang tên Giấc mộng vàng son (đạo diễn: Quang Thảo - Ngọc Duyên).
Văn Đồng