Khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh trở nên tồi tệ hơn do Brexit
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của Anh đang trở nên tồi tệ hơn do Brexit (chỉ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) làm hạn chế tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế nước này và khiến tiền lương của người lao động bị giảm trung bình 470 bảng Anh/năm.
Báo cáo được soạn thảo bởi Phó Giáo sư Swati Dhingra của Trường Kinh tế London (LSE) - người sẽ tham gia Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vào tháng Tám tới và các nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Resolution Foundation cho hay, Anh đang trở thành một nền kinh tế “khép kín” hơn do Brexit, với những tác động lâu dài gây tổn hại đến sản lượng kinh tế và tiền lương.
Đại dịch COVID-19, xảy ra ngay sau khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu vào tháng 1/2020, đã làm phức tạp thêm việc phân tích tác động của Brexit. Các nhà nghiên cứu cho biết, các quy tắc thương mại mới hậu Brexit có hiệu lực vào tháng 1/2021 đã không dẫn đến sự sụt giảm liên tục trong thương mại của Anh với EU so với phần còn lại của thế giới, trái ngược với dự đoán trước đó của nhiều nhà phân tích.
Thay vào đó, nhà kinh tế Sophie Hale của Resolution Foundation cho biết, Brexit có tác động lan tỏa hơn do nó làm giảm khả năng cạnh tranh và cơ hội mở cửa thương mại của Anh với nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này sẽ dẫn tới sự sụt giảm sản lượng kinh tế và mức lương thực tế của người lao động.
Chính phủ Anh cho biết đang nghiên cứu luật mới để thúc đẩy tăng trưởng và thương mại với EU, hiện đã vượt quá mức trước đại dịch. Brexit giúp Anh nắm bắt các cơ hội mới để cải thiện quy định cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua các kế hoạch tăng cường cạnh tranh và khai thác công nghệ mới. Nước Anh không phải đối mặt với thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu sang EU, nhưng có các rào cản pháp lý lớn hơn. Tác động của những điều này sẽ khiến năng suất của nền kinh tế giảm 1,3% vào năm 2030, tức là mức lương thực tế giảm 1,8% theo giá trị thực hàng năm, tương đương 470 bảng/người lao động/năm.
Những số liệu này không bao gồm bất kỳ đánh giá nào về tác động của các quy tắc di cư đã thay đổi. Tác động đối với một số lĩnh vực sẽ rõ ràng hơn nhiều. Báo cáo cho biết, ngành đánh bắt cá của Anh có khả năng giảm 30% do khó xuất khẩu thủy hải sản đánh bắt tươi sống sang các khách hàng EU.
Ngược lại, mặc dù các dịch vụ chuyên nghiệp và được quản lý chặt chẽ như tài chính, bảo hiểm và luật của Anh sẽ khó phục vụ khách hàng EU hơn, nhưng tỷ trọng của những ngành này trong nền kinh tế Anh có khả năng giảm 0,3 điểm phần trăm, xuống 20,2%.
Các số liệu chính thức công bố vào ngày 22/6 cho thấy tỷ lệ lạm phát của Anh tiếp tục tăng từ mức 9% trong tháng 4/2022 lên 9,1% vào tháng trước, do giá xăng dầu tăng cao và chi phí mua sắm tăng vọt gây áp lực lên các gia đình đang gặp khó khăn. BoE đã cảnh báo tỷ lệ lạm phát của nước này có thể lên tới 11% vào tháng 10/2022.
- Nhiều gia đình trung lưu ở Anh có thể rơi vào cảnh nghèo
- Mức lương các CEO hàng đầu ở Anh trở lại mức trước đại dịch Covid-19
Cựu chính trị gia Đảng Bảo thủ Ken Clarke cho biết, nước Anh đang ở trong “vòng kiềm tỏa” của cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1979, và nguy cơ rơi vào suy thoái gần như không thể tránh khỏi.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi người lao động không nên yêu cầu tăng lương cao hơn để ngăn chặn “vòng xoáy tiền lương - giá cả” theo kiểu những năm 1970 khiến lạm phát tăng cao hơn. Điều này trái ngược hẳn với phát biểu của ông được đưa ra tháng 10 năm ngoái, khi cho rằng Brexit có thể giúp tạo ra mức lương cao hơn cho người lao động và một nền kinh tế năng suất hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, báo cáo từ Resolution Foundation và LSE cho biết, Brexit sẽ ảnh hưởng nặng nề đến mức tăng trưởng sản lượng kinh tế Anh trong những năm tới cho đến năm 2030, đồng thời cho thấy chi phí nhập khẩu cao hơn đang gây thêm khó khăn cho tài chính của các hộ gia đình. Nghiên cứu ước tính, năng suất lao động - thước đo chính của sản lượng kinh tế trên mỗi giờ làm việc - sẽ giảm 1,3% vào năm 2030 do sự khép kín của nền kinh tế Anh hậu Brexit, tương đương với việc mất đi một 1/4 sản lượng kinh tế đạt được trong thời kỳ trước Brexit.
Minh Trang (Theo Reuters, The Guardian)