Khu trục hạm đắt nhất của Hải quân Mỹ chỉ để hù dọa đối thủ?
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày thứ Hai tuần này, con tàu USS Zumwalt của Hải quân Mỹ đã tiến ra biển để bắt đầu thử nghiệm. Đây sẽ là khu trục hạm hiện đại nhất, lớn nhất từng được chế tạo cho Hải quân Mỹ.
USS Zumwalt đã rời xưởng đóng tàu Bath Iron Works ở Maine, đi dọc theo sông Kennebec, trước khi ra biển, dưới sự tháp tùng của nhiều tàu kéo.
Con tàu hiện đại với hỏa lực cực mạnh
Hàng trăm thợ đóng tàu, thủy thủ và cư dân địa phương đã có mặt để chứng kiến khoảnh khắc con tàu có hình dáng như tới từ tương lai, dài 180 mét với lượng giãn nước gần 15.000 tấn này lướt qua Fort Popham.
"Trong mấy ngày tới đây, Hải quân sẽ thử nghiệm nhiều hệ thống và công nghệ quan trọng của tàu" - Đại úy Thurraya Kent, một phát ngôn viên của Hải quân, cho biết - "Hải quân và các thợ đóng tàu đang triển khai một chương trình thử nghiệm gắt gao lớp tàu này và cuộc chạy thử trên biển này sẽ giúp xác định sớm nhiều vấn đề nảy sinh."
Các chuyên gia nói rằng USS Zumwalt là sản phẩm tích hợp nhiều yếu tố hiện đại. Điểm mạnh lớn nhất của nó là khả năng giảm tối đa việc phản xạ tín hiệu rađa và trở nên "tàng hình" trong rađa của đối phương. Hải quân Mỹ nói rằng dù là khu trục hạm lớn nhất, con tàu lại chỉ phản xạ tín hiệu ra đa bằng với một tàu cá.
Để làm được điều đó, con tàu có thiết kế góc cạnh. Phần siêu cấu trúc của nó cũng rất đặc biệt, khi bao phủ toàn bộ hệ thống rađa và ăng ten trong một cái vỏ làm từ vât liệu sợi carbon. Con tàu cũng có khả năng di chuyển nhanh nhẹn trên biển, với tốc độ lên tới 30 hải lý/giờ (hơn 50 km/h).
USS Zumwalt làm được điều này vì trang bị 2 động cơ turbin khí Rolls-Royce Marine Trent-30, cung cấp năng lượng cho 2 máy phát điện. Các máy này sẽ tạo ra một lượng điện khổng lồ, lên tới 78 MW điện, đủ để cấp năng lượng cho 2 động cơ điện của tàu và các hệ thống vũ khí sử dụng nhiều điện trong tương lại.
Tàu cũng được trang bị nhiều hệ thống điều khiển hiện đại, được tự động hóa cao, khiến nó có thể hoạt động tốt dù chỉ có thủy thủ đoàn khá nhỏ, gồm 148 người. Tuy nhiên, sự giảm đi trong số lượng thủy thủ đoàn không đồng nghĩa với việc con tàu cũng bị giảm sức mạnh.
Trên sàn tàu hiện được gắn 2 khẩu pháo 155 mm có thể bắn các đầu đạn với khả năng tự dẫn đường, bay qua khoảng cách gần 100 km tới mục tiêu. Con tàu có thể mang theo hơn 900 viên đạn pháo, để trong các khoang chứa khác nhau. Trong tương lai, người Mỹ còn muốn gắn pháo điện từ lên trên tàu, dĩ nhiên sau khi khẩu pháo lừng danh này đã hoàn tất quá trình nghiên cứu và phát triển.
Ngoài ra, tàu USS Zumwalt còn được trang bị hệ thống phóng tên lửa MK 57, với 80 ống phóng tên lửa. Mỗi ống này có thể chứa tên lửa đối không RIM-162 Evolved Sea Sparrow (ESSM), tên lửa hành trình chiến thuật Tomahawk (1 quả mỗi ống) hoặc rocket chống tàu ngầm (ASROC). Cuối cùng, tàu còn có 2 pháo Mk 110 57 mm. Khoang chứa của nó có thể mang theo 2 trực thăng MH-60 Seahawk hoặc 1 chiếc MH-60 và 3 máy bay không người lái.
Chỉ dùng để răn đe và phô diễn công nghệ
Những con tàu Zumwalt là loại đa nhiệm, được thiết kế để có thể tấn công cả các mục tiêu trên bộ, trên biển, chống máy bay hoặc tàu ngầm. Tuy nhiên các hệ thống vũ khí giúp tàu có thể chống lại đầy đủ những mối đe dọa nêu trên sẽ chỉ được lắp đặt về sau này.
Các nhà quan sát ở cả trong lẫn ngoài Hải quân Mỹ sẽ theo dõi rất kỹ cuộc thử nghiệm trên biển lần này. Họ muốn biết rằng thiết kế thân tàu theo kiểu hẹp dần về phía trên (tumblehome) sẽ hoạt động ra sao khi ở trên biển.
Thân tàu kiểu này đã bị loại bỏ trong hoạt động thiết kế tàu lớn từ cách nay nhiều thập kỷ, bởi những quan ngại liên quan tới sự ổn định của con tàu trong điều kiện thời tiết xấu. Tuy nhiên Hải quân Mỹ vẫn bày tỏ tin tưởng rằng tàu Zumwalt có thể hoạt động ổn định trên biển.
Tàu lớp Zumwalt được thiết kế để thay thế đội tàu khu trục lớp Arleigh-Burke hiện đang nằm trong trang bị của Hải quân Mỹ. Ban đầu Mỹ muốn chế tạo hơn 30 chiếc tàu loại này. Nhưng chi phí vượt dự kiến và các trì hoãn trong chương trình phát triển đã khiến Hải quân giảm số tàu muốn sắm xuống còn 3 chiếc.
Được biết chi phí chế tạo 3 chiếc tàu thuộc lớp Zumwalt sẽ lên tới 12,3 tỷ USD, tăng hơn 37% so với mức dự kiến ban đầu của chương trình là 8,9 tỷ USD. Và đó mới chỉ là chi phí chế tạo. Tính cả phí nghiên cứu, chương trình có giá 22 tỷ USD.
Các nhà chỉ trích đã chất vấn về việc liệu con tàu có phải là vũ khí phù hợp cho môi trường chiến tranh tương lai. Họ chỉ vào mức giá khổng lồ của tàu, cho rằng đó là điểm khó chấp nhận. Cá nhân Peter Singer, đồng tác giả cuốn Ghost Fleet: A Novel of the Next World War (Hạm đội ma: Một cuốn tiểu thuyết về cuộc chiến tranh thế giới tiếp theo), lại có đánh giá khác.
"Con tàu này có cả nhược điểm, nhưng cũng có đột phá. Nó bằng kích cỡ một chiến hạm trong thời Thế chiến thứ nhất, vốn được thiết kế để bắn pháo vào bờ, vai trò mà có lẽ chúng ta không còn cần tới nữa. Nhưng con tàu vẫn mang tính cách mạng, theo những góc độ nào đó" - ông nói.
Theo Singer, các tàu lớp Zumwalt có lẽ không được dùng cho hoạt động chiến đấu thông thường, mà chủ yếu là để răn đe những nước đang lên như Trung Quốc. Ngoài ra, số lượng nhỏ của lớp tàu này khiến nó cũng có vai trò thử nghiệm công nghệ, giúp Mỹ thu được kiến thức quý giá hơn, nhằm phát triển các tàu chiến khác mạnh hơn trong tương lai.
Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa