Không thể không say ở Samara
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà máy bia ấy khá lớn, với những viên gạch đỏ và kiến trúc khá cổ được xây lên từ năm 1881 bởi một doanh nhân người Áo bên dòng Volga. Ông không thể biết được rằng, nhiều năm sau khi ông mất, bia Zhigulevskoye mà ông tạo ra lại nổi tiếng và được yêu mến đến thế, trở thành một hiện tượng của nước Nga.
- Moskva không nhiều nước mắt
- Cổ động viên Việt Nam khuấy đảo Fanzone
- Bán kết World Cup 2018: Cúp vàng sẽ quyết định Quả bóng Vàng?
Những ngày World Cup này, cửa hàng bán bia cạnh nhà máy chật cứng người Nga và các cổ động viên. Họ sẵn sàng chờ cả tiếng đồng hồ để đến lượt mình, đứng trước một trong ba cửa sổ không lớn như kiểu mậu dịch quốc doanh, chờ một người nhân viên mặt mày cau có lồng cái ống vào chai một lít, bơm đầy cái không gian ấy thứ nước màu vàng đậm đầy bọt đam mê. Nhưng thế chưa đủ, người ta lại xếp hàng ngay bên cửa sổ cạnh đó nữa để mua các loại cá muối đánh được từ sông Volga. Chao ôi, uống bia hảo hạng với mấy thứ ấy mới tuyệt làm sao!
Tôi cũng xếp hàng cả tiếng để mua một lít, không quên làm ít cá muối, và ngồi nhậu một mình, bung biêng hết cả. Thế nhưng, lượng bia tươi ấy không là gì so với đám thanh niên đến đây mua. Họ mua đến cả chục chai, cho vào túi nylon xách đi và rồi cùng đám bạn ra bên sông Volga hoặc tụ tập trên phố để cùng uống. Thế rồi dăm người ngã vật ra phố. Lúc sau, xe cấp cứu đến, và họ "nhập kho". Một người bạn đã nói cho tôi biết chỗ họ sẽ được đưa tới, và tôi tới đó, ngỡ ngàng nhận ra rằng, ở Samara này, chúng ta được thấy những gì không thể thấy ở các thành phố lớn như Moskva. Vùng đất này nghèo hơn Moskva, bộc lộ những bộ mặt mà ta không thể thấy ở các vùng đô thị giàu sang, mà tình trạng nghiện rượu bia ở đây là một vấn đề nghiêm trọng ở Samara.
Đến mức, dù những trung tâm chăm sóc người say rượu ở Nga đã bị huỷ bỏ vào năm 2011, nhưng từ ba năm trước, các trung tâm này lần lượt được mở trở lại, bắt đầu từ Samara và thành phố Toglyati láng giềng. Trại này nhìn không khác gì một nhà trọ rẻ tiền, thường là ít khi vắng người. Nhiệm vụ duy nhất của trại này là giúp cho những người say có một chỗ trú đêm, giúp họ tỉnh rượu, và sau đó, trở về nhà. Không ai bị phạt vì được đưa vào đây, nhưng nhân viên trại sẽ gọi điện cho cảnh sát đến lập biên bản và khi ấy, người say sẽ bị phạt, bị đưa đến đồn cảnh sát và có thể sẽ phải ra tòa. Có những bà vợ không chịu nổi chồng nghiện rượu cũng gọi điện đến cho trại say, báo họ đưa xe cấp cứu đến và tống vào trại. Thống kê cho thấy, năm 2016, hơn 2 nghìn người say được đưa vào các trung tâm say xỉn ở Samara và quanh vùng này.
Người ta tin rằng, World Cup này sẽ có nhiều người say rượu và bia hơn, nên Samara thậm chí đã tạo ra cả một cơ sở để tiếp nhận những cổ động viên say xỉn trong dịp World Cup, dù quyết định này không được đa số người dân tán thành. Phải chăng đây là một cách để thừa nhận rằng tình trạng nghiện rượu là không thể nào xử lí được ở thành phố công nghiệp này? Đúng thế, nhưng đây là vấn đề của quá khứ, khi từ thời Xô Viết, người say đông hơn, uống nhiều hơn, và những năm 1990, cũng có tới hơn 1 nghìn trại say trên toàn quốc. World Cup này, người ta "truy quét" người ăn xin và say xỉn ở các thành phố lớn nhất đăng cai các trận đấu, nhưng không làm chặt ở những thành phố nhỏ và xa Moskva như Rostov trên sông Don hay Samara mà tôi đã tới. Và vì ai cũng vui, cũng sảng khoái, nên việc uống có vẻ thoải mái hơn nhiều, nên say cũng nhiều, kể cả say bia.
Người ta chưa công bố những ngày World Cup này, có bao nhiêu người, trong đó có cổ động viên, nhất là Anh, nổi tiếng vì tửu lượng, được đưa vào trại này mỗi đêm, nhưng một nhân viên ở trại nháy mắt và bảo một câu gọn lỏn "nhiều".
A.N (từ Samara, Nga)