Không phải sếp, 5 người này sẽ quyết định tốc độ thăng tiến, giúp bạn chạm đến “đỉnh cao” sự nghiệp
Xây dựng mối quan hệ tốt với những đồng nghiệp này là “thượng sách” để phát triển sự nghiệp của bạn.
Để thăng tiến trong sự nghiệp, làm tốt công việc của mình thôi chưa đủ. Bạn cũng cần học cách xây dựng các mối quan hệ với đồng nghiệp. Bởi lẽ, những đồng nghiệp có sức ảnh hưởng có thể giúp bạn thực hiện hoặc phá vỡ ý tưởng của bạn. Họ có thể nói giúp với sếp để tán thành các ý kiến của bạn, họ cũng có thể cản trở thậm chí cản trở, khiến bạn không thể lên lịch gặp được cấp trên.
Có ảnh hưởng tốt cũng có ảnh hưởng xấu nên điều quan trọng là phải xác định tất cả các kiểu người có thể là đồng minh tiềm năng, hoặc kẻ thù khi bạn gia nhập một tổ chức mới.
Chuyên gia cố vấn nghề nghiệp của Đại học Harvard - Gorick Ng, tác giả của cuốn Quy tắc bất thành văn: “Bí mật để bắt đầu sự nghiệp của bạn ngay lập tức” cho biết: “Tương đối dễ dàng để tìm ra cấp độ quyền hạn của ai đó trong một tổ chức, bạn chỉ cần nhìn vào chức danh công việc của họ. Mặt khác, việc tìm ra mức độ ảnh hưởng của ai đó trong một tổ chức không dễ dàng như vậy. Không ai đi quanh văn phòng với bảng tên ghi: 'Xin chào! Tôi là trợ lý. Nói chuyện với tôi”.
Theo các chuyên gia, ngoài sếp, những người nắm giữ quyền lực thể chế rõ ràng, đây là một số những người có ảnh hưởng nhất mà bạn nên kết bạn ở nơi làm việc.
1. Nhân viên có thâm niên
Đây là những người làm việc lâu năm qua những đợt cải cách, lúc thăng trầm và sa thải của công ty. Họ giống như những "nhà sử học" nắm giữ kiến thức quan trọng về quá trình hình thành của doanh nghiệp. Chuyên môn của họ rất vững vàng, là vô giá đặc biệt với những người mới trong tổ chức như bạn.
Gorick Ng đã mô tả các nhân viên có thâm niên là “những người đã làm việc trong tổ chức lâu nhất và là người có thể giúp bạn học cách làm việc hiệu quả dựa trên những điều mà công ty đã làm trước kia”.
Lawrese Brown, người sáng lập công ty giáo dục tại nơi làm việc C-Track Training khẳng định rằng các nhân viên có thâm niên rất có giá trị vì họ đã làm việc tại công ty đủ lâu để hiểu lãnh đạo quan tâm đến điều gì.
2. Người quảng giao
Những đồng nghiệp quảng giao là đồng nghiệp dường như biết tất cả mọi người trong công ty. Gorick Ng mô tả đồng nghiệp quảng giao là “người được biết đến và tôn trọng trong tổ chức và những người này có thể giới thiệu bạn với những người phù hợp và định hình nhận thức của người khác về bạn”.
Hãy nhớ rằng người quảng giao luôn muốn mọi người hòa thuận với nhau, vì vậy đừng mong đợi họ sẽ đối đầu với ai đó vì bạn, Lawrese Brown nói.
"Sức ảnh hưởng của họ khiến người khác giải quyết hộ những trở ngại, để họ có thể giữ được danh tiếng của mình. Họ sẽ rất giỏi trong việc chỉ cho bạn cách hoàn thành công việc mà không cần giải quyết trực tiếp, ví dụ như: Chà, nếu bạn nói chuyện với người này, họ sẽ đề cập theo cách này. Nếu bạn nói quan điểm này với người kia, họ sẽ đưa ra cuộc họp", Brown nói thêm.
Lauren Appio, nhà tâm lý học kiêm cố vấn và huấn luyện viên quản lý cho biết những người được yêu thích tại nơi làm việc có sức hút xã hội. Ngay cả khi họ không ở vị trí lãnh đạo, mọi người sẽ xuất hiện tại các sự kiện của họ và quan tâm đến các quyết định quan trọng của họ. Họ thường được ưu tiên hàng đầu về các cơ hội nghề nghiệp bên trong và bên ngoài tổ chức.
Bạn nên làm bạn với đồng nghiệp quảng giao để có thể học hỏi khả năng kết nối của họ. Những đồng nghiệp này thường mạnh dạn và sáng tạo hơn trong cách làm việc/ Việc làm chung dự án với đồng nghiệp quảng giao cũng giúp chúng ta học được sự quảng giao, khả năng làm việc sáng tạo của họ.
3. Trợ lý
Gorick Ng cho biết trợ lý là “những người làm việc chặt chẽ với các nhà lãnh đạo cấp cao, người có thể ảnh hưởng đến việc bạn có gặp lãnh đạo hay không và cách lãnh đạo nhìn nhận về bạn”.
Trợ lý có thể giúp bạn có tên trong lịch của lãnh đạo cấp cao ngay lập tức hoặc họ có thể khiến bạn phải đợi hàng tuần. Vì vậy, việc xây dựng mối quan hệ với các trợ lý cũng là điều quan trọng. Brown nói: "Họ biết các yếu tố sẽ giúp bạn được chấp thuận và giúp bạn có được chữ ký của lãnh đạo trong các công việc quan trọng".
4. Người “chính trị”
Các chính trị gia nơi công sở hiểu rằng nếu chỉ đơn thuần hoàn thành công việc không thôi chưa đủ để thăng tiến trong công ty. Họ là chuyên gia trong việc điều hướng các mối quan hệ quyền lực ở văn phòng. Là những chiến lược gia tự tin, họ sẵn sàng lên tiếng để cấp trên nhìn thấy thành tích của họ. Brown cho biết, những đồng nghiệp như vậy xem quyền lực là điều thúc đẩy họ, họ luôn cố gắng để có được quyền lực trong công ty.
Nếu bạn muốn thăng chức, bạn có thể học hỏi từ các chính trị gia chốn công sở. Theo đó, họ biết rõ cách để thăng tiến và mở lối cho bước tiến tiếp theo trong sự nghiệp.
Brown cho biết, nếu muốn kết bạn với đồng nghiệp “chính trị gia”, bạn hãy chia sẻ thẳng thắn họ sẽ nhận được lợi ích như thế nào từ mối quan hệ hoặc sự hợp tác của bạn. Những người này thường không có xu hướng duy trì các mối quan hệ lâu dài trừ khi đối phương vượt trội hơn họ rất nhiều.
5. Người dàn xếp giỏi
Người dàn xếp giỏi có năng khiếu giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Thông thường, các đồng nghiệp cấp cao tìm đến người hòa giải khi gặp bế tắc vì họ biết rằng họ sẽ nhận được một thứ hiếm có ở một nơi làm việc phức tạp, đó là: sự công bằng.
Brown cho biết những người giỏi dàn xếp được đồng nghiệp tin tưởng để chia sẻ cũng như đưa ra quan điểm khách quan về sự việc.
Những đồng nghiệp dàn xếp giỏi thường rất nguyên tắc. Họ sẽ không chỉ nói với bạn những gì bạn muốn nghe mà thay vào đó, họ sẽ cho bạn biết điều gì sẽ được mọi người ủng hộ hay phản bác.
Làm sao để kết bạn với những người này?
Nếu muốn kết bạn với bất kỳ người nào trong số những người có ảnh hưởng này, điều quan trọng trước hết là chân thành.
Để tìm ra phương thức hình thành mối quan hệ với đồng nghiệp, chuyên gia Appio khuyên bạn hãy tự hỏi bản thân xem muốn làm quen với đồng nghiệp theo cách nào. Một số câu hỏi bạn có thể tham khảo như: Kết thân với từng người một hay theo nhóm? Trong bối cảnh trang trọng hay thoải mái? Bạn quan tâm điều gì khi làm quen với người mới? Bạn muốn biết gì về họ và có thể chia sẻ gì về bản thân với họ?
Khi đã xác định được những tiêu chí trên, tiếp đến bạn nên quan sát hoặc hỏi các đồng nghiệp khác về cách mở rộng các mối quan hệ trong công ty. Một số người cởi mở, thoải mái có thể chia sẻ với bạn khi bạn ghé qua bàn làm việc của họ nhưng những người cẩn thận, có phần khó tính hơn sẽ hẹn bạn vào một dịp phù hợp khác.
Theo Brown, ví dụ những trợ lý thường có xu hướng thích người được người quen giới thiệu hơn khi chọn người mà họ kết nối, bởi họ sẽ không giúp đỡ và dành sự ưu ái cho bất kỳ ai. “Họ không muốn mọi người biết rằng họ nắm giữ nhiều quyền lực như vậy,” Brown nói.
Việc kết bạn với những đồng nghiệp chưa bao giờ là quá khó nếu bạn thể hiện sự chân thành, tinh thần cầu thị và sự nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ. Ngoài ra, hãy tiếp cận họ đúng thời điểm. Nếu họ không quá bận rộn với công việc, họ sẽ sẵn sàng chia sẻ với bạn.