Không gian triển lãm 'Dân gian trong gen Z'
Đang diễn ra đến hết ngày 31/7, triển lãm tranh Dân gian trong gen Z (do Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp cùng doanh nghiệp sáng tạo TiredCity tổ chức) được kì vọng mang đến một góc nhìn mới mẻ và đầy sáng tạo về văn hóa dân gian Việt Nam.
Tại khu Trải nghiệm thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), triển lãm trưng bày 39 tác phẩm tranh minh họa sáng tạo của các họa sĩ thế hệ Z - những người trẻ sinh ra trong khoảng thời gian từ những năm 1997 - 2012. Như giới thiệu, đây không chỉ là một triển lãm nghệ thuật đơn thuần, mà còn là một minh chứng cho thấy sức sống của văn hóa dân gian Việt Nam trong thế hệ trẻ.
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Việt Nam, Giám đốc điều hành TiredCity - đơn vị đồng tổ chức triển lãm.
"Màu mới" từ khu Trải nghiệm
* Được biết TiredCity từng phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức nhiều dự án, triển lãm tranh khá thành công như "Vẽ con mèo" (2023), "Vẽ con rồng" (2024)… Tiếp đến với "Dân gian trong gen Z", lần cộng tác này giữa 2 đơn vị có gì đặc biệt, thưa anh?
- Qua nhiều năm cộng tác với Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chúng tôi đã tổ chức khá thành công các triển lãm tranh vào dịp đầu năm mới như Vẽ con mèo (2023), Vẽ con rồng (2024)… Sau nhiều thời gian trao đổi, 2 đơn vị đã thống nhất với nhau về một tầm nhìn. Đó là đưa Văn Miếu không chỉ là một di tích lịch sử, mà sẽ trở thành một trung tâm văn hóa sáng tạo và rất gần gũi với giới trẻ.
Tầm nhìn này sẽ mang đến những góc nhìn mới, "màu mới" cho Văn Miếu trên cơ sở tận dụng các nguồn lực sáng tạo văn hóa sẵn có ở 2 đơn vị. Văn Miếu thì có không gian, còn nguồn lực sáng tạo của TiredCity vốn có thế mạnh khai thác, đó là cộng đồng nghệ sĩ trẻ.
Từ tầm nhìn đã được xác định, chúng tôi ngồi lại với nhau và bàn bạc về việc cần phải có một không gian phù hợp cho các hoạt động sáng tạo văn hóa được tổ chức thường xuyên. Với đề xuất này, Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã quy hoạch khu vực trước đây là vườn ươm (nơi ươm cây trồng cho Văn Miếu) thành khu Trải nghiệm. Đây là khu vực không ảnh hưởng đến không gian chính của Văn Miếu mà vẫn dễ dàng tổ chức các hoạt động văn hóa một cách gần gũi, trẻ trung.
Và, triển lãm đầu tiên chúng tôi thực hiện ở không gian này chính là Dân gian trong gen Z với quy mô khá khiêm tốn là 39 tác phẩm tranh minh họa của 3 nghệ sĩ trẻ Vei Vei (2000), Pao (2002) và Meaptopia (1999).
* Anh có nhắc tới 3 nghệ sĩ tham dự triển lãm lần này đều ở độ tuổi còn rất trẻ. Chắc hẳn tác phẩm của họ trong triển lãm "Dân gian trong gen Z" sẽ có nhiều điều đặc biệt?
- Dễ thấy ở triển lãm này, các tác phẩm minh họa đặc sắc với ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại đã khéo léo truyền tải và tôn vinh nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam như tranh dân gian Đông Hồ, nghệ thuật hát bội và các câu vè đồng dao gắn liền với tuổi thơ nhiều thế hệ.
Cụ thể, đó là bộ tranh Đông mèo của Meaptopia lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ và tập trung vào hình tượng con mèo. Tranh dân gian Đông Hồ như chúng ta đều biết là sản phẩm được in và vẽ bằng ván khắc gỗ. Nhưng khi vẽ lại dòng tranh này, Meaptopia đã dùng một ngôn ngữ khác, đó là digital painting (tranh kỹ thuật số). Meaptopia còn dùng các màu sắc rất tươi mới, trẻ trung, thậm chí hơi chói so với tranh in khắc gỗ. Đó là một góc nhìn hoàn toàn mới về một tạo hình, một chủ đề truyền thống như tranh dân gian Đông Hồ.
Còn bộ tranh Bội ký của Vei Vei là những tìm hiểu sâu về các vở tuồng trong nghệ thuật hát bội, được diễn tả thông qua những tạo hình đầy hiện đại. Vei là một họa sĩ có sự nghiên cứu và đam mê hát bội. Lâu nay, hát bội truyền thống được hình dung với vẻ trang nghiêm, đôi khi xa cách với giới trẻ. Nhưng, Vei thì khác! Vei nhìn về hát bội với những tạo hình mang hơi hướng hoạt hình, màu sắc tươi sáng. Đó có thể coi là sự tận dụng thế giới quan, thể hiện cái nhìn của thế hệ gen Z đối với những loại hình, hình tượng truyền thống.
Các tác phẩm “Tắm”, “Sân khấu hát bội” và “Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng” tại triển lãm
Trong khi đó, vè nói ngược lại là chất liệu khó khai thác. Với bộ tranh tại triển lãm, họa sĩ Pao đã chọn bài vè Bao giờ cho đến tháng ba làm cảm hứng chủ đạo để vẽ nên những hình ảnh minh họa dí dỏm. Pao đã vẽ theo từng câu trong bài vè bằng sự tưởng tượng cá nhân để tạo ra một bộ tranh liên tiếp. Qua bộ tranh, những hiện tượng thú vị, "ngược đời" trong bài vè càng thêm phần tinh nghịch, ấn tượng.
"Luôn tin vào sáng tạo và văn hóa"
* Từ những thể hiện trong triển lãm lần này, theo anh, nghệ sĩ trẻ hôm nay đang tiếp cận và khai thác chất liệu dân gian, văn hóa truyền thống như thế nào?
- Khi thực hiện những dự án đầu tiên kết hợp với các nghệ sĩ trẻ để mang lại những góc nhìn mới, câu chuyện mới, cách thể hiện mới cho văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian, chúng tôi nhận thấy họ có vẻ hơi dè dặt. Bởi, khi khai thác các chất liệu truyền thống, các nghệ sĩ trẻ thường chịu áp lực từ các góc nhìn trong nghiên cứu nên họ cảm thấy lo lắng khi phải đảm bảo tính chính xác trong tạo hình.
Thế nhưng, ở các dự án gần đây, sự sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ bắt đầu cởi mở hơn, mạnh dạn hơn. Họ đầu tư nghiên cứu nhiều hơn về đối tượng khai thác. Những thể hiện, sáng tạo trong tác phẩm có nhiều khám phá mới về ngôn ngữ tạo hình, màu sắc, cùng với đó là dấu ấn cá nhân cũng được phát huy một cách tối đa.
“Các nghệ sĩ trẻ đang mạnh dạn, phóng khoáng hơn trong việc đưa câu chuyện mới, tinh thần mới vào các tác phẩm khai thác chất liệu dân gian, truyền thống - vốn từng được cho là đã hết cách thể hiện” - Nguyễn Việt Nam.
Đơn cử, với triển lãm Dân gian trong gen Z, có những tác phẩm khiến chúng tôi bất ngờ vì chưa bao giờ nghĩ các bạn trẻ lại có thể vẽ được mới lạ, sáng tạo như thế. Đặc biệt, có những nghệ sĩ trẻ dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu rất sâu về một loại hình nghệ thuật truyền thống. Như trường hợp của Vei Vei, với bộ tranh Bội ký, họa sĩ đã phải bỏ công sức nghiên cứu rất kĩ để có một bộ tranh ấn tượng với nhiều tác phẩm thể hiện góc nhìn mới, mang hơi thở đương đại về nghệ thuật hát bội.
Kể như vậy để thấy, các nghệ sĩ trẻ đang mạnh dạn, phóng khoáng hơn trong việc đưa câu chuyện mới, tinh thần mới vào các tác phẩm khai thác chất liệu dân gian, truyền thống - vốn từng được cho là đã hết cách thể hiện.
* Cuối cùng, theo anh, câu chuyện nghệ sĩ trẻ khai thác chất liệu văn hóa truyền thống có triển vọng như thế nào khi đặt trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa đang rất được quan tâm hiện nay?
- Chúng tôi luôn tin vào 2 thứ là sáng tạo và văn hóa. Bởi, Việt Nam là một đất nước có lịch sử lâu đời nên các câu chuyện trong văn hóa rất phong phú, đa dạng. Không chỉ là câu chuyện dân gian được khai thác ở triển lãm Dân gian trong gen Z, mà còn có những câu chuyện văn hóa khác về ẩm thực, kiến trúc,… Những câu chuyện này có nhiều tầng tầng, lớp lớp được hình thành qua nhiều thế hệ. Bởi thế, có thể nói nguồn lực về văn hóa ở Việt Nam rất sâu dày.
Còn về sáng tạo, nhìn từ triển lãm Dân gian trong gen Z, dễ thấy khả năng sáng tác, sự quan sát và tinh thần của các nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam không thua gì so với quốc tế. Cho nên, sự kết hợp giữa sáng tạo và văn hóa là một mảnh đất rất màu mỡ để có thể khai thác các hoạt động bao gồm cả thương mại và phi thương mại nhằm mang lại nhiều giá trị hưởng thụ hơn cho cộng đồng.
Cũng cần nói thêm, chúng tôi và phía Văn Miếu chỉ là những đơn vị mà mang tính chất kết nối. Chúng tôi không phát minh ra cái gì mới mà chỉ đơn giản là kết nối giữa nguồn lực này với nguồn lực kia. Nhưng với những gì đã làm được, chúng tôi đủ kỳ vọng vào tương lai của việc phát triển văn hóa ở Việt Nam từ những sáng tạo của người trẻ.
* Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Doanh nghiệp sáng tạoTiredCity được thành lập từ 2016, hiện đã cộng tác thương mại với hơn 300 nghệ sĩ, tạo ra hơn 100 ngàn sản phẩm thương mại gần gũi với khán giả trong nước và quốc tế.