Không dám về quê vì áp lực ở thành phố phải giàu hơn, thành công hơn người ở nhà
Trong mắt nhiều người, thành phố là một nơi rất tuyệt vời và những ai ở đó đều giàu có, thành công. Chính suy nghĩ này đã khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy áp lực. Thậm chí, nhiều người còn không dám về quê chỉ vì sợ bị phán xét.
Thành phố vốn là nơi có cuộc sống phát triển, công việc cũng đa dạng hơn. Chính vì vậy, không ít người đã chấp nhận xa quê, ở lại thành phố với hy vọng tương lai ổn định hơn. Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với việc ở thành phố sẽ giàu hơn, thành công hơn so với ở quê.
Gạt nước mắt bám trụ thành phố
Không ít bạn trẻ hiện nay sau khi ra trường đã lựa chọn ở lại thành phố, tiếp tục tìm kiếm công việc với mong muốn phát triển bản thân trong tương lai. Thế nhưng, cuộc sống ở thành phố không màu hồng như chúng ta vẫn nghĩ. Những ngày tháng bấp bênh sau khi ra trường, xin việc ở công ty này, công ty nọ. Rồi những buổi tan việc, bon chen trên những con đường tắc cứng, từng xe chen chúc nhau để mau chóng về nhà.
Xa quê cũng đồng nghĩa với việc phải tự lập, không ở cùng bố mẹ, từng bữa ăn, giấc ngủ đều phải tự lo. Có những ngày ốm, chẳng biết nhờ ai. Thậm chí, đôi khi các bạn trẻ còn khóc vì tủi thân. Vậy mới thấy ai cũng nghĩ người trẻ nhiều niềm vui, ở đâu cũng được nhưng chẳng hề dễ dàng như người ta vẫn tưởng. Đọc đến đây hẳn nhiều người sẽ nói rằng: “Vậy thì sao không về quê?”.
Thế nhưng, về quê rồi thì đi đâu, làm gì? Không phải ngành nghề nào cũng có thể phát triển tốt ở quê. Đặc biệt với những ngành đặc thù như Marketing, IT…, không phải địa phương nào cũng có nhu cầu cần tuyển những ngành đó. Chính vì vậy, dù mệt mỏi, vất vả, nhiều bạn trẻ vẫn phải gạt nước mắt bám trụ thành phố.
Không dám về quê vì chưa đạt được thành công
Không chỉ bám trụ lại thành phố, nhiều bạn trẻ còn không dám về quê vì định kiến ở thành phố phải giàu có, thành công hơn. Mỗi lần về quê, hầu như ai cũng nhận được những câu hỏi như: “Lương tháng bao nhiêu?”, “Ở thành phố chắc kiếm được nhiều lắm nhỉ?”... Nếu như đưa ra một mức thu nhập thấp, hẳn nhiều người sẽ nhận được những ánh mắt nghi ngờ, dò xét, những câu nói như “Làm thành phố mà lại thua nhà quê à”, “Lương thấp vậy thì về quê mà làm, ham hố gì cái mác thành phố”... Những câu nói đó khiến nhiều người ám ảnh, mệt mỏi, dần dần nảy sinh cảm giác sợ về quê, không dám đối diện với những người xung quanh.
Thành phố trong mắt nhiều người vẫn là một nơi hào nhoáng, xa hoa. Ở đó có ánh sáng của sự thành công, hiện đại. Có lẽ vì vậy mà trong mắt nhiều người thế hệ trước, thành phố vẫn là nơi tuyệt vời để gửi gắm ước mơ và những người chốn đô thị phồn hoa đó đều là những tinh hoa. Với tâm lý đó, không ít người không dám về quê vì sợ bị đánh giá, dò xét. Một độc giả của YAN tâm sự: “Không dưới 10 lần mình phân vân giữa ở lại thành phố và về quê. Quê mình lại chưa phát triển, cơ hội làm việc vẫn chưa có. Hơn nữa, nhiều người vẫn luôn mặc định ở thành phố là giỏi giang, thành công. Giờ về mà không xin được việc thì mình không biết đối diện với mọi người ra sao”.
Ở lại thành phố - về quê vẫn luôn là câu hỏi mở đối với nhiều người trẻ. Nhưng ở lại thành phố mà không đạt được thành công như kỳ vọng của mọi người ở quê thì còn mệt hơn nhiều. Thế nhưng, chúng ta nên sống cho bản thân, đừng để sự dò xét của người khác làm ảnh hưởng tới quyết định của bản thân. Ở đâu cũng có thể thành công và thất bại, quan trọng nhất là bản thân ta phù hợp với lối đi nào hơn thôi. Hãy cứ tự tin đi theo con đường mình chọn, dù khởi đầu có gian nan nhưng chắc chắn sẽ thành công.