Không có thu nhập, người phụ nữ quyết định bước chân vào ngành công nghiệp mang thai hộ: Khi giá trị nhân đạo bị đánh đổi bằng tiền, cơ thể cũng chỉ là dụng cụ cho mượn
Bất chấp rủi ro sức khoẻ và các điều lệ mà luật pháp đã đề ra, nhiều người phụ nữ vẫn coi mang thai hộ là một nghề nghiệp giúp họ đổi đời. Thậm chí, các bà mẹ này còn được chính chồng của mình ủng hộ.
Những người phụ nữ đổi đời nhờ mang thai hộ
Dilara đã ở thủ đô Tbilisi (Georgia) nhiều tháng qua, cô làm đủ công việc từ thợ làm tóc, đóng giầy đến bồi bàn song công việc cô muốn làm nhất là mang thai hộ.
Năm ngoái, góa phụ 34 tuổi để lại 4 đứa con cho ông bà ở quê nhà Uzbekistan với hy vọng tìm được việc làm trong ngành công nghiệp mang thai hộ tại Georgia. Dilara cho biết cô còn nợ ngân hàng và đàn con cần chăm sóc trong khi thu nhập của cô rất khó chi trả việc ăn học của chúng.
Dilara bị hấp dẫn ngay lập tức khi một đồng nghiệp làm cùng tổng đài giới thiệu "Nếu muốn mang thai hộ, họ sẽ cho bạn rất nhiều tiền". Dù vậy, trong nhiều trường hợp, người mang thai hộ chỉ nhận được chưa tới 1/4 trong hàng chục nghìn USD mà các cặp đôi trả cho trung tâm. "Bác sỹ lấy 50.000 đến 60.000 USD từ các bậc cha mẹ và trích 12.000 đến 20.000 USD cho người mang thai hộ", Dilara chia sẻ sau khoảng 2 tháng tìm kiếm thông tin về công việc.
Nhìn chung, Dilara chỉ là một trong nhiều phụ nữ tìm đến mang thai hộ thương mại để kiếm tiền trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh trên toàn thế giới.
Chẳng hạn như Gita Parmal (35 tuổi, Ấn Độ) sẽ sinh em bé vào tháng 10 năm nay. Có con là một sự kiện đầy xúc động với cả cô và cặp vợ chồng mơ ước có con trong nhiều năm. Bởi Parmal sẽ được trả một khoản tiền "thay đổi cuộc đời" là 600.000 rupee (hơn 180 triệu đồng). Số tiền này chi trả cho việc học của hai con và ngôi nhà mới.
Người phụ nữ ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ, nói: "Những phụ nữ như tôi không bao giờ có thể kiếm được số tiền cần thiết để xây một ngôi nhà nhỏ. Cả cuộc đời cũng không thể".
Mang thai hộ là thủ tục trong đó phôi thai tạo ra từ trứng của một phụ nữ được thụ tinh bởi tinh trùng trong phòng thí nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của một phụ nữ khác để mang thai và sinh ra em bé.
Mang thai hộ vì mục đích thương mại là một dạng hợp đồng kinh tế, trong đó người phụ nữ được trả phí (thường là rất cao) để sinh con cho người khác. Nó khác với mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, khi một phụ nữ không cần khoản tiền nào, trừ chi phí y tế. Thông thường, người mang thai hộ thương mại sẽ không có liên kết sinh học nào với đứa trẻ bởi họ chỉ "cho thuê cơ thể".
Mỗi nước lại quy định khác nhau về việc mang thai hộ. Tại Mỹ, việc này bị cấm tại một số bang nhưng lại hợp pháp tại bang khác. Tại Canada và Anh chỉ có mang thai hộ nhân đạo được cho phép. Trong khi đó, tại Georgia, Nga và Ukraine, cả hai hình thức đều không bị pháp luật ngăn cấm.
Vào khoảng năm 2010, ngành công nghiệp mang thai hộ của Ấn Độ đã rất thành công khi nhu cầu về thủ tục này gia tăng trên toàn thế giới. Một phương tiện truyền thông thậm chí đã gọi quốc gia này là "công xưởng sản xuất trẻ sơ sinh của thế giới" do giá cả phải chăng. Ở một đất nước mà gia đình được coi là điều quan trọng nhất trong cuộc đời, nhiều người Ấn Độ chật vật với việc thụ thai cũng đã chuyển sang mang thai hộ để thực hiện mong muốn có con. Thủ tục này dần được chấp nhận rộng rãi, ngay cả những người nổi tiếng của Bollywood như Shah Rukh Khan, Aamir Khan, Shilpa Shetty và Karan Johar cũng trở thành cha mẹ thông qua mang thai hộ.
Đến năm 2021, Đạo luật mang thai hộ được thông qua. Pháp luật Ấn Độ chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, khi họ hàng mang thai hộ cho những cặp vợ chồng không thể sinh con.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Global Market Insights, ngành công nghiệp mang thai hộ thương mại ước tính trị giá 14 tỷ USD năm 2022, dù con số thực thế khó xác minh do tính chất riêng tư của nhiều vụ dàn xếp.
Năm 2023, con số dự kiến tăng lên 129 tỷ USD do tình trạng vô sinh tăng và nhiều cặp vợ chồng đồng giới, người độc thân muốn có con. Nhu cầu cao chủ yếu xuất phát từ các cặp đôi sống tại những quốc gia phương Tây giàu có. Nhiều người muốn sử dụng dịch vụ mang thai hộ xuyên biên giới để tránh phải chờ đợi, chi phí cao tại quê nhà, hoặc đơn giản vì luật pháp cấm mang thai hộ. Các lệnh cấm di chuyển do Covid-19 được dỡ bỏ cũng góp phần đẩy nhu cầu mang thai hộ lên cao vào năm ngoái.
Thậm chí, để đón đầu xu hướng này, nhiều hội nhóm Facebook đã mọc lên cùng những lời hứa hẹn thu nhập hậu hĩnh cho người mang thai hộ.
Chi phí mang thai hộ thương mại tại Georgia vào khoảng 40.000 đến 50.000 USD, còn tại Mexico khoảng 60.000 đến 70.000 USD, thấp hơn mức trung bình 120.000 USD tại Mỹ.
Theo Ernesto Noriega, CEO kiêm nhà sáng lập công ty sinh sản Egg Donors Miracles, số thỏa thuận mang thai hộ tại Mexico tăng từ 20% đến 30% năm ngoái.
Rủi ro khó ngờ từ vấn nạn chọ mượn cơ thể
Ngoài mặt, những giao dịch mang thai hộ dường như là một đề xuất các bên cùng có lợi: phòng khám kiếm tiền, các cặp vợ chồng không con có cơ hội trở thành cha mẹ và những người đẻ thuê, thường là phụ nữ từ làng quê, có cơ hội thoát nghèo. Nhưng do thiếu cân bằng quyền lực và không phải bên nào cũng giữ nguyên thỏa thuận, có những người mang thai hộ không được trả số tiền như đã hứa, trong khi những người khác bị các cặp vợ chồng, người trung gian hoặc phòng khám lợi dụng.
Các trung tâm thanh minh rằng họ phải chịu chi phí y tế cao cũng như tiền thuê nhà, chăm sóc các bà bầu ở cuối thai kỳ. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận tham nhũng tại một số công ty khác.
Bên cạnh đó, còn có các vấn đề đạo đức liên quan đến mang thai hộ thương mại. Ngành công nghiệp bị chỉ trích vì lợi dụng những người phụ nữ yếu thế. Nhiều trung tâm yêu cầu người mang thai hộ phải là góa phụ, độc thân và đã sinh ít nhất một con để đáp ứng cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Ngoài ra, còn một số phụ nữ bị buộc phải ký hợp đồng mang thai hộ bởi chính chồng hoặc cha mẹ chồng. Do địa vị thấp trong một xã hội gia trưởng ở Ấn Độ, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm theo. Một phụ nữ ở New Delhi phải mang thai hộ vì chồng cần tiền để kinh doanh máy lọc nước. "Sau một năm kinh doanh thất bại, anh ấy muốn tôi mang thai hộ lần nữa để thử công việc kinh doanh khác. Cha mẹ chồng ủng hộ anh ấy và tôi không còn lựa chọn nào khác", người phụ nữ chia sẻ với một phương tiện truyền thông địa phương.
Bên cạnh vấn đề pháp lý, những rủi ro và biến chứng trong thai kỳ là những mặt trái tiềm ẩn mà những phụ nữ mang thai hộ đang phải chịu đựng. Còn những người mẹ cũng không dễ dàng gì để từ bỏ đứa con mình đã mang nặng đẻ đau suốt 9 tháng trời.
Teresa Ulloa Ziaurriz, giám đốc khu vực Liên minh chống Buôn phụ nữ và trẻ em Mỹ Latinh và Caribe, gọi đây là ngành công nghiệp "không tốt cho phụ nữ". Từ kinh nghiệm của mình, Ulloa Ziaurriz nhận thấy các trung tâm đặc biệt hướng đến những người đang gặp khó khăn tài chính.
Sau dịch Covid-19, nhiều phụ nữ mất việc làm. Trung tâm tìm kiếm phụ nữ độc thân đang sống với con, đặc biệt cần đến tiền. Ulloa Ziaurriz mô tả quy trình không khác gì một hình thức buôn người. Không dừng lại ở đây, việc thiếu các tiêu chuẩn quốc tế khiến cho nhiều người mang thai hộ bị ngược đãi.
Một số quốc gia đang muốn chấn chỉnh những tồn tại của ngành. Tại Anh, nhà chức trách tiến hành đánh giá để cải thiện hành vi mang thai hộ trong nước. Trong 3 quý đầu năm 2022, hơn 400 cặp đôi Anh đã đăng ký mang thai hộ. Theo Ủy ban Luật, số trẻ em sinh ra thông qua mang thai hộ có thể cao gấp 10 lần so với một thập kỷ trước.
Mang thai đôi nhưng chỉ sinh một bé, 1 năm sau bố mẹ đưa con gái đi khám mới phát hiện sự thật đáng sợ nằm trong não