Không chỉ là chuyện của gạch ngói và thời gian
Trong các tác phẩm mới do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức bản thảo, thì cuốn Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội (NXB Mỹ thuật, 2022) là một điểm nhấn. Nó nối kết các công trình kiến trúc thời Đông Dương với lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của cả thành phố.
Tác phẩm Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội với tư liệu hình ảnh phong phú, có thể đóng góp cho việc xác định giá trị lịch sử văn hóa, cũng như bảo tồn các kiến trúc Pháp - Đông Dương. Nhất là trong thời điểm việc bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp cổ ở Hà Nội đang là vấn đề thời sự.
Kiến trúc Đông Dương - một phần di sản
Kiến trúc Đông Dương, cái tên âm vang gợi nhắc về một phong cách đã từng hiện hữu mà hôm nay trở thành một huyền thoại. Thử hình dung, tình cờ có lữ khách đi qua phố, bỗng ngẩn ngơ vì một công trình kiến trúc xưa vẫn còn hiện diện như thách thức với thời gian.
Trong Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội, các công trình kiến trúc thời Đông Dương lần nữa sống dậytrên giấy. Nhưng không phải như một vựng tập chứa đựng những bức hình xưa cũ, mà sâu hơn dưới bề mặt con chữ, những bản vẽ thiết kế, ký họa… là cái đẹp của thời gian. Một khoảng thời gian đủ thách thức để thấy công trình từ gạch ngói này đã vượt qua nhiều biến thiên của thời đại như thế nào.
Một điểm thú vị nữa, tác giả Phúc Tiến, chủ biên tác phẩm này, là một người Sài Gòn, mà như bộc bạch của ông: Chỉ làm quen Hà Nội từ năm 1984, mang tâm thế của khách lữ hành say mê lịch sử và ngoại đạo với kiến trúc.
Những công trình của tuổi đời hàng trăm năm được xây trên nền một thành phố ngàn năm. Như dinh Toàn quyền Đông Dương được xây trên nền Hoàng thành Thăng Long ngày trước. Thẩm mỹ mới tìm được sự thích nghi với vùng đất cũ bằng cách mang những giá trị thẩm mỹ cổ điển vào công trình, như trong dinh Toàn quyền có những mẫu đèn chùm và đèn vách theo phong cách thời vua Louis XIVvà thời Phục Hưng.
Theo nhận định của Hữu Ngọc và Lady Borton: “Những kiến trúc phổ biến của Pháp đã ảnh hưởng tới công việc sáng tạo của các kiến trúc sư Pháp mà những người này đã cố gắng làm cho những kiểu kiến trúc đó thích ứng với môi trường nhiệt đới của Việt Nam. Kết quả là một sự trang nhã vô song: Thành kiểu kiến trúc Đông Dương. Các tòa nhà được xây dựng bởi các kiến trúc sư Pháp và kiến trúc sư Việt Nam đã phát triển hơn nữa kiểu kiến trúc ấy, tạo nên một phần di sản của kiến trúc và văn hóa Hà Nội, đặc biệt làm tăng thêm sự phong phú của khu phố Pháp tại thủ đô”.
Phục vụ công tác bảo tồn
Một điểm đáng quý ở Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội chính là bảo lưu được những bản thiết kế, phục vụ rất nhiều cho công tác bảo tồn sau này. Một điểm nữa, chính là việc nhấn mạnh vào tính chất Pháp - Đông Dương, chỉ là nét làm nên sự độc đáo của cái thuở phương Tây va chạm vào phương Đông. Thông qua các hình ảnh, bản vẽ, người xem có thể thấy những nét tương đồng giữa dinh Toàn quyền ở Việt Nam với một kiến trúc đồng dạng ở Pháp là tòa Thị chính Marseille.
Thêm nữa, dù các công trình kiến trúc Pháp - Đông Dương có chung phong cách, nhưng ở mỗi công trình lại có nét riêng, mỗi tòa mỗi vẻ, đã hình thành nên diện mạo đô thị Việt Nam hiện đại. Ngày nay, chúng trở thành một phần ký ức của thành phố.
Các công trình kiến trúc không chỉ là chuyện của gạch ngói và thời gian, mà còn là lịch sử, là văn hóa, là thẩm mỹ, là biểu tượng của thành phố. Nói như Philippe Le Failler: “Là trung tâm quyền lực thuộc địa, thành phố này nhất định phải thể hiện sức mạnh của nó. Vậy nên, các công trình công mang hai chức năng, ngoài việc phục vụ công việc (tòa án, bưu điện trung tâm, các tòa nhà của phủ Thống sứ Bắc Kỳ hoặc nhà tù), chúng còn có chức năng làm chuẩn mực, tạo uy thế và thể hiện một sự trang trọng nào đó. Chúng phải tạo dấu ấn trong lòng người, phô bày sự vĩ đại và thẩm mỹ cũng như thể hiện sự khéo léo được khuếch trương nhờ sử dụng các kỹ thuật xây dựng hiện đại và những vật liệu mới”.
- Kiến trúc Pháp cổ ở Việt Nam chia năm sẻ bảy
- Bỏ chỉ đạo 'không xây nhà nhái kiến trúc Pháp cổ' do lỗi... in ấn
Nhưng “các kỹ thuật xây dựng hiện đại và những vật liệu mới” đã tìm được sự hài hòa trong lòng kinh đô cũ, tạo thành một diện mạo đô thị Á Đông trong buổi đầu tiếp thu văn hóa từ thế giới bên ngoài.
Còn theo Arnauld Le Brusq thì: “Đối với du khách phương Tây, khu trung tâm (Hà Nội) phô bày dáng vẻ của nghệ thuật trang trí hỗn hợp, nơi những đại lộ thẳng tắp, hai bên trồng cây cùng với các tòa biệt thự kiểu Âu đổ về các khu dạo chơi quanh hồ; nơi khu phố cổ châu Á đẹp như tranh nằm sát các dinh thự mộc mạc, cổ điển của chính quyền thuộc địa; nơi những ngôi đền đứng ngay cạnh các tòa nhà hành chính được xây dựng theo mô hình của các nước anh em. Những nét tương phản ấy, chiều cao khiêm tốn của các công trình, sự hiện diện khắp chốn của cỏ cây, sông nước, tất cả đã tạo nên vẻ duyên dáng của thành phố”.
Huỳnh Trọng Khang