Không chém lợn giữa sân đình tại lễ hội làng Ném Thượng
- Xem Lễ hội vịnh Xuân Đài qua góc nhìn của người chọn cảnh 'Hoa vàng cỏ xanh'
- Bộ VH,TT&DL không cấp phép tổ chức các lễ hội có yếu tố kích động bạo lực
- Các lễ hội đáng chú ý đầu Xuân Đinh Dậu
Lễ hội làng Ném Thượng diễn ra trong hai ngày mùng 5 – 6 tháng Giêng âm lịch, trong đó mùng 6 là chính hội. Mùng 4 tháng Giêng bắt đầu nghi lễ mở cửa đình. Mùng 5, diễn ra lễ khai mạc hội và tiến hành lễ nhập tịch, đón "ông ỉn" về nhập đình. Mùng 6, Ban tổ chức tiến hành nghi lễ rước kiệu. Đoàn rước gồm các đoàn thể chính trị, xã hội trong thôn, toàn thể nhân dân và du khách thập phương. Đi đầu đoàn rước là các cháu thiếu niên và nhi đồng cầm cờ, hoa, tiếp theo là đội mâm lễ, hội cựu chiến binh rước Quốc kỳ, ảnh Bác, đoàn trống nhạc, đoàn rước hai "ông ỉn"…
Tái hiện nghi lễ ông tướng làm lễ phất cờ
Đoàn rước đi vòng quanh làng đến 11 giờ trưa trở về sân đình, nghi lễ ông tướng phất cờ được diễn ra trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân. Sau đó, hai "ông ỉn" được đưa vào khu vực riêng được quây bạt kín, hai thủ đao được dân làng chọn từ những gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, khỏe mạnh thực hiện nghi lễ giết lợn. Phần thịt để tế là “khoanh năm” của 2 con lợn. Số thịt còn lại gọi là “thịt lộc” được chia đều theo suất đinh của 5 tổ đồng niên trong làng.
Nhiều năm lễ hội Ném Thượng gây tranh luận gay gắt vì nghi thức chém lợn ngay giữa sân đình bị xem là phản cảm
Bên cạnh nghi lễ truyền thống, phần hội còn diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ độc đáo, hát Quan họ dưới thuyền, thể dục thể thao, trò chơi dân gian như trò đánh đu, đấu vật, kéo co, chọi gà… Lễ hội làng Ném Thượng có lịch sử hơn 800 năm, do ảnh hưởng từ chiến tranh nên lễ hội đã bị mai một.
Từ năm 1999, lễ hội được khôi phục và tổ chức đều đặn hàng năm vào mùng 5 và 6 tháng Giêng âm lịch. Nghi lễ chém lợn được mô phỏng lại hành động chém lợn rừng khao quân của một vị tướng Lý Đoàn Thượng dưới triều Lý nhằm tôn vinh công lao của Thành hoàng Lý Đoàn Thượng, nhắc nhở con cháu về truyền thống anh dũng của các bậc tiền bối có công bảo vệ đất nước. Thông qua lễ hội góp phần tăng cường tình đoàn kết dân tộc và cầu mong cho năm mới được no ấm, đầy đủ, mùa màng bội thu...
Những năm trước, lễ hội làng Ném Thượng vẫn tổ chức nghi lễ chém lợn giữa sân đình trước sự chứng kiến của nhiều người gây phản cảm, kích động bạo lực. Từ năm 2016, để chấm dứt tình trạng trên và đảm bảo yếu tố truyền thống, các cấp chính quyền vận động nhân dân làng Ném Thượng điều chỉnh tục chém lợn giữa sân đình vào một khu vực dành riêng để giết thịt và làm cỗ ngọc tế thánh. Việc này đã khẳng định vai trò chỉ đạo, quản lý của chính quyền và tính chủ động, sáng tạo của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn.
Theo TTXVN/ Thanh Hương