Không cần tiêm chủng diện rộng phòng bệnh đậu mùa khỉ
Các chuyên gia dịch bệnh Nam Phi cho rằng không cần phải thực hiện các chiến dịch tiêm phòng diện rộng để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ và cũng không tin bệnh có thể bùng phát như dịch COVID-19.
Tính đến ngày 25/5, Nam Phi chưa ghi nhận ca mắc hay nghi mắc nào gần đây. Tuy nhiên, giới chức y tế nước này vẫn cảnh giác sau khi hơn 200 ca mắc và nghi mắc đã được phát hiện tại 19 quốc gia trên thế giới, chủ yếu ở châu Âu, từ đầu tháng 5 đến nay. Biến thể virus gây bệnh đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát này gây tỷ lệ tử vong khoảng 1%, tuy nhiên đợt bùng phát mới chưa ghi nhận ca tử vong nào.
Ngày 25/5, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu các dịch bệnh truyền nhiễm (NICD) của Nam Phi Adrian Puren khẳng định đến nay việc tiêm đại trà vaccine phòng bệnh là không cần thiết. Chiến dịch tiêm phòng nên ưu tiên cho những bệnh truyền nhiễm khác, có nguy cơ lây lan và tử vong cao hơn. Tuy nhiên, ông lưu ý giới chức y tế cần duy trì cảnh giác trước đợt bùng phát này.
Trong khi đó, chuyên gia Jacqueline Weyer, cũng từ NICD, đánh giá đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay không có gì khác thường ngoài địa điểm bùng phát. Bà cho biết các kết quả phân tích chuỗi gene của virus gây bệnh trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay không có thay đổi gì so với virus từng gây bệnh ở Nigeria trong những năm gần đây. Điều khác duy nhất ở đợt bùng phát này chỉ là bệnh xuất hiện ở địa điểm khác, không phải các vùng Tây và Trung Phi như trước đây. Bà Weyer tin rằng virus gây bệnh đậu mùa khỉ không lây lan nhanh như virus gây bệnh COVID-19 và đợt bùng phát hiện nay có thể kiểm soát nhanh chóng hơn thông qua xét nghiệm, truy dấu tiếp xúc, theo dõi và cách ly thay vì tiêm phòng.
Trong khi đó, phát biểu tại một hội thảo riêng rẽ, Giáo sư Moritz Kraemer, từ Đại học Oxford, cho biết hiện còn quá sớm để xây dựng các mô hình dự báo về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lần này. Các vấn đề cần tìm hiểu thêm để có thể thực hiện mô hình dự đoán diễn biến dịch là khi nào thì con người lây truyền virus gây bệnh, liệu bệnh có lây lan trước khi người bệnh xuất hiện triệu chứng hay không, tỷ lệ lây nhiễm trong những người tiếp xúc gần và thời gian ủ bệnh.
- Chuyên gia y tế trấn an về bệnh đậu mùa khỉ
- Bệnh đậu mùa khỉ: Pháp thông báo chiến lược tiêm chủng, Mỹ ban hành cảnh báo mới
- Bệnh đậu mùa khỉ: Đức khuyến cáo cách ly F1 và F0 ít nhất 21 ngày
Cũng trong ngày 25/5, Cơ quan y tế Bồ Đào Nha (DGS) đã xác nhận thêm 10 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, nâng tổng số ca đã được ghi nhận ở nước này lên là 49 ca, tương đương với nước láng giềng Tây Ban Nha. Hai nước này hiện nằm trong số những điểm nóng của đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu trong thời gian gần đây. Trước đó, bệnh đậu mùa khỉ chỉ xuất hiện ở các vùng ở Tây và Trung Phi.
DGS xác nhận các ca mắc mới đều là nam giới, hầu hết dưới 40 tuổi. Tất cả các ca bệnh đều đang trong tình trạng ổn định và không có người nào phải nhập viện. Tây Ban Nha cũng xác nhận thêm 1 ca mắc mới trong ngày 25/5. Vùng Madrid, nơi phát hiện hầu hết các ca bệnh tại Tây Ban Nha và đều liên quan một cơ sở xông hơi cho người lớn, sẽ cập nhật số ca mắc mới trong ngày 25/5.
Hầu hết các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận trên toàn thế giới trong đợt bùng phát này đều không có triệu chứng nặng, trong đó đa số là nam giới. Biểu hiện của bệnh là sốt và phát ban.
Lê Ánh/TTXVN