Khoảng trống nơi ghế HLV
Huyền thoại của bóng đá nữ, HLV Mai Đức Chung, sắp có trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp cầm quân của mình. Đến thời điểm này, ông Chung đã làm quá nhiều so với những gì mà bóng đá Việt Nam cần ở ông.
Việc ông Chung không được nghỉ ngơi sớm cũng chính là 1 trong những vấn đề không nhỏ của bóng đá Việt Nam, liên quan đến khoảng trống nơi ghế HLV vốn ít được quan tâm so với sự thiếu hụt nguồn cầu thủ.
Giải pháp đơn giản nhất của các CLB V-League hiện nay là thuê HLV ngoại. Nhưng như đã thấy tại 2 đội bóng giàu tham vọng nhất hiện nay là Hà Nội FC và CAHN, thì họ đang thực sự đau đầu với chiếc ghế HLV.
Đến mức, chúng ta có thể gọi đó là cuộc khủng hoảng có tính bản lề tại Hà Nội FC. Số HLV mà họ thay đổi trong 2 mùa bóng vừa qua bằng tổng số lần thay đổi của họ suốt kể từ khi lên đá V-League. Vấn đề là chẳng có thay đổi nào đem đến những tín hiệu mạnh mẽ về sự thay đổi trong lối chơi mà Hà Nội FC muốn hướng đến.
Trong khi đó, CAHN có vẻ được định hướng từ đầu sẽ có một nhà cầm quân tên tuổi nhằm phù hợp với dàn ngôi sao mà họ không tiếc tiền để mua. Nói thẳng ra, chính sách của CAHN là một kiểu Galacticos - Dải thiên hà - nên hết Park Hang Seo, đến Mano Polking đều được tiến hành đàm phán, và cuối cùng là HLV Gong Oh Kyun của U23.
Tất nhiên là V-League không thiếu HLV. Lứa cầu thủ thế hệ vàng của năm 1995 hiện đều đang ở độ tuổi đẹp nhất của nghề cầm quân, và họ rất đông đảo.
Nhưng phải đến cuộc khủng hoảng ở Hà Nội FC cũng như cuộc chia tay bị trì hoãn của HLV Mai Đức Chung thì vấn đề mới thực sự rõ ràng: Để nâng tầm của bóng đá Việt Nam thì không dễ tìm người. Một chiến lược tầm cở như thuê nhà vô địch World Cup ở môn futsal thì bóng đá sân cỏ khó mà thực hiện do vấn đề kinh phí. Còn tìm HLV vừa túi tiền thì rất căng thẳng ở công tác lựa chọn. Chọn sai, thì sẽ phải chọn lại, lòng vòng một hồi có thể sẽ từ cái sai này đến cái sai khác, không thoát ra được…
Để nhìn rõ hơn về cái gọi là khoảng trống ghế HLV, cứ lấy trường hợp của đội tuyển Việt Nam. HLV Philippe Troussier có đẳng cấp và tài năng đã được chứng minh quá rõ ràng, nhưng việc ông ấy tạo ra sự đổi thay ở đội tuyển vẫn không hề dễ dàng. Không chỉ khó khăn trong việc triển khai tư tưởng của mình cho cầu thủ, mà ông Troussier cũng còn phải đối diện với áp lực từ dư luận.
Điều này có nghĩa, muốn nâng tầm đẳng cấp một đội tuyển, một CLB, thực sự là rất nan giải. HLV giỏi chưa chắc đã thành công, còn phải cho ông ta thực quyền cũng như sự tín nhiệm lớn đến mức nào thì mới phù hợp.
Rất tiếc là dàn HLV nội của bóng đá Việt Nam không có nhiều người để sẵn sàng nhận các nhiệm vụ lớn lao ấy. Những HLV trưởng thành từ thế hệ vàng 1995 cũng có danh hiệu V-League nhưng dấu ấn về chuyên môn theo một cách đặc biệt nào đó, thì lại không có.
Ví dụ như ông Nguyễn Đức Thắng, người có công với Sài Gòn FC và Bình Định thời mà các đội này còn ở hạng Nhất. Nhưng khi lên V-League, đối diện với tham vọng rất cao từ CLB, thì công việc không đem lại thành công đáng kể nào. Hoặc như Lê Huỳnh Đức, sau đỉnh cao ở SHB Đà Nẵng thì giờ phải "làm lại từ đầu" với các nhiệm vụ chống xuống hạng hơn là nhận lãnh thách thức vươn tầm.
Long Khang