Khó hiểu về chuẩn mực đạo đức ở Oscar: Tẩy chay Harvey nhưng tôn vinh một kẻ quấy rối khác
(Thethaovanhoa.vn) – Lễ trao giải Oscar năm nay, diễn ra vào tối Chủ nhật này (sáng thứ Hai theo giờ Việt Nam), đặc biệt bởi làn sóng tẩy chay nạn quấy rối tình dục ở Hollywood. Thế nhưng, thật ngạc nhiên khi một trong những “tội đồ” đó lại nhận được đề cử.
- Lễ trao giải Oscar 2018: Ngày, giờ và kênh trực tiếp
- Lý do Oscar năm nay chắc chắn sẽ không có sự cố ‘nhầm giải’!
- VIDEO: Những món ăn dát vàng tại bữa tiệc Oscar
Phụ nữ trong ngành công nghiệp điện ảnh đang rất giận dữ và có lẽ sẽ tiếp tục MeToo, chiến dịch phản đối nạn quấy rối tình dục. Rất nhiều ông lớn trong giới Hollywood đã bị lật đổ vì những cáo buộc quấy rối, lạm dụng tình dục hay cưỡng hiếp.
Vụ Harvey Weinstein bị khui ra đã làm bùng lên cơn giận dữ, nhấn chìm hàng loạt cái tên như Russell Simmons, Jeffrey Tambor, Kevin Spacey, James Toback, Brett Ratner, Dustin Hoffman, James Franco hay Louis C.K.
Tuy vậy, chính Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ, đơn vị đứng sau giải Oscar, lại có có những khó hiểu về chuẩn mực đạo đức.
Ví dụ, các thành viên Viện Hàn lâm tỏ vẻ khinh rẻ James Franco trong The Disaster Artist sau khi anh bị 5 phụ nữ cáo buộc có những hành vi không đứng đắn hồi tháng Một, dù anh phủ nhận. Năm 2016, họ lảng tránh nhà làm phim Nate Parker và bộ phim rất được khen ngợi của anh là Birth of a Nation, phim không được nhận được dù một đề cử Oscar sau khi chi tiết về vụ án hiếp dâm năm 2001 bị phanh phui, dù Parker sau đó đã trắng án.
Nhưng năm nay, họ ca ngợi cựu ngôi sao bóng rổ Lakers Kobe Bryant, người bị buộc tội hiếp dâm năm 2003. Vụ này gợi nhớ tới một khoảnh khắc đáng hổ thẹn của Oscar: trao giải Đạo diễn xuất sắc cho tội phạm tình dục Roman Polanski.
Năm 1977, Polanski, người vẫn là thành viên Viện Hàn lâm, bị buộc tội hiếp dâm, kê dâm và cung cấp thuốc phiện cho trẻ vị thành niên. Vị đạo diễn này đã nhận tội quan hệ tình dục với một cô bé 13 tuổi và đã ngồi tù 42 ngày để được đánh giá tâm thần. Khi nhận ra mình có thể sẽ phải nhận án tù, ông đã bỏ trốn khỏi nước Mỹ và không bao giờ trở lại. Hai mươi năm sau, ông thắng giải Oscar cho phim The Pianist và nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt.
Quay lại với Bryant: bị buộc tội hiếp dâm một thư ký khách sạn 19 tuổi ở Hạt Eagle, Colorado cùng năm Polanski thắng giải Oscar. Cựu sao bóng rổ này dự kiến sẽ có mặt tại nhà hát Dolby vào Chủ nhật này vì được đề cử Oscar. Cuộc chia tay thi ca của Bryant, Dear Basketball, đã được chuyển thành phim hoạt hình ngắn do Glen Keane đạo diễn, John Williams làm nhạc.
Lý do chính khiến vụ cưỡng hiếp này bị bỏ qua là bởi người cáo buộc Bryant từ chối làm chứng chống lại. Ai có thể trách được cô?
Cô đã bị bôi nhọ sau khi tên của mình bị công khai ba lần trên trang chính thức của hạt Eagle do một sự nhầm lẫn. Một thư ký tòa đã vô tình gửi thư điện tử về cuộc điều tra kín liên quan tới vụ tấn công tình dục cô cho 7 tổ chức, những đơn vị sau đó đã kiện đòi quyền công khai chúng và đã thắng. Ngoài ra, có 3 người đàn ông dọa sẽ giết cô.
Như một phần của thỏa thuận giảm án, Bryant đã công khai xin lỗi nạn nhân. Bryant nói rằng nghĩ đó là quan hệ đồng thuận nhưng rồi nhận ra người kia không nghĩ thế. Họ cuối cùng được giải quyết như một vụ dân sự với khoản tiền bồi thường được giấu kín.
Kể từ khi vụ việc đầu tiên bị phanh phui vào tháng Mười năm ngoái, dòng thác phụ nữ cáo buộc những ông lớn tội về tình dục chưa có dấu hiệu chững lại.
Mới trong tuần này, cựu stylist cho Ryan Seacrest đã cáo buộc ngôi sao tấn công tình dục cô suốt sáu năm qua. Nhưng không giống như những người bị kỳ thị vì cáo buộc tương tự (bao gồm cả Nam diễn viên xuất sắc năm ngoái, Casey Affleck, người cho biết sẽ không tham dự lễ trao giải Oscar năm nay), có vẻ là Seacrest, người bác bỏ cáo buộc của Hardy, vẫn sẽ tới với Oscar.
Tại tiệc trưa Oscar, theo báo cáo, Bryant là một trong những nhân vật được săn đón nhất. Những ngôi sao hạng A, trong đó có cả Allison Janney, đã ôm và chụp ảnh với cựu ngôi sao này.
Tại sao hành vi tình dục sai trái của người này thì được tha thứ, người kia thì bị lên án? Quả là một ca khó hiểu của Viện Hàn lâm.
Giả Bình (Theo LA Times)