Khó có tiêu chuẩn kép cho Công Phượng
Sự thật là Công Phượng đã không thi đấu đỉnh cao trong một thời gian dài ở Nhật Bản. Điều này là rất không có lợi, dù theo quan sát, vẻ như các nhóm cơ của Phượng vẫn phát triển đều và tiền đạo này dường như không gặp vấn đề về sức khỏe, ngược lại còn rất háo hức khi được HLV Philippe Troussier triệu tập trở lại ĐTQG.
Nhưng, cho đến khi gút danh sách 28 cầu thủ cuối cùng chuẩn bị cho 2 trận đấu với Indonesia tới đây, thì Công Phượng đã bị loại.
Công Phượng cũng giống như Văn Hậu khi ở Hà Lan hay Quang Hải lúc qua Pháp, đều đã không giữ được vị trí và tầm ảnh hưởng trên đội tuyển ở cuối thời HLV Park Hang Seo và giai đoạn đầu của HLV Troussier. Hơi tiếc, song điều này cũng là rất bình thường. Cầu thủ cần phải thi đấu liên tục mới mong phát triển hay ít nhất giữ được phong độ và đẳng cấp đã xác lập trước đó.
Kể từ sau khi kế nhiệm HLV Park Hang Seo, ông Troussier đã xác định tiêu chí rất rõ ràng: Chơi tấn công và tạo ra các cơ hội mở. Đây là sự phát triển có logic, sau 5 năm các ĐTQG dưới thời ông Park chủ yếu tập trung chiến thuật cho hệ thống phòng ngự, chơi thủ/phản và kỳ vọng vào tốc độ, sự chính xác trong chuyển đổi trạng thái, cũng như các màn đấu... penalty phân thắng bại.
VCK U23 châu Á 2018, ASIAD 18 và Asian Cup 2019, 3/4 giải đấu lớn của các ĐTQG, HLV Park Hang Seo đều đã rất thành công với triết lý huấn luyện ấy. Cho đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, với thể thức thi đấu vòng tròn 2 lượt tính điểm trước các đối thủ mạnh, chiến thuật này không còn hiệu quả. Đó cũng được xem là giới hạn của HLV Park Hang Seo, giới hạn và là kịch trần của nền bóng đá.
HLV Troussier muốn thay đổi tư duy ấy và thực tế ông đang cố gắng làm điều đó. Song, vấn đề nằm ở con người. Thế hệ cầu thủ Việt Nam lúc này và kể cả lứa 2018, ít ai đáp ứng được các tiêu chuẩn kép trong phòng ngự và tấn công.
Công Phượng có lối đi bóng lắt léo, khó chịu với đối thủ, nhưng anh thậm chí chưa phải là cầu thủ tấn công giỏi, bởi bàn thắng là tiêu chí quan trọng đầu tiên với một tiền đạo. Ở khía cạnh phòng ngự và tổ chức bóng, Phượng xếp sau rất nhiều cái tên như Văn Toàn, Hoàng Đức, Quang Hải và cả Tuấn Hải... những người chơi vị trí số 10 hoặc 8.
HLV Troussier cần những cầu thủ đa năng hơn và đó là lý do, ngay cả Duy Mạnh, Tiến Dũng... các mẫu trung vệ chuyên phòng ngự, đều không được đánh giá cao bằng Việt Anh hay Thành Chung, Ngọc Hải, thậm chí Thanh Bình.
Tấn Tài đã trở lại và nếu có thêm Văn Hậu nữa là hoàn hảo cho sơ đồ 3 trung vệ giăng ngang, bởi Tài và Hậu đều là những hậuvệ cánh công thủ toàn diện.
Tất cả các bàn thắng mà chúng ta có được ở Asian Cup 2023, đều trực tiếp hay gián tiếp đến từ các pha bóng cố định (cũng là một thể loại chiến thuật), chứ hoàn toàn không phải kết quả của đánh giãn biên hay các đường lên bóngtrực diện.
Trong khi đó, 8 bàn thua đều rất "ối giời ôi", cầu thủ tấn công của đối phương không hẳn xuất sắc, mà chủ yếu chúng ta tự thua, phạm lỗi và mắc lỗi vị trí. Làm chiến thuật cho hệ thống phòng ngự khó hơn nhiều so với chiến thuật cho hàng công. Đây là điều chắc chắn.
Bình tâm mà luận, với mặt bằng cầu thủ Việt Nam, rất khó để đảm bảo các tiêu chuẩn kép để phục vụ các thể loại chiến thuật bóng đá hiện đại. Đó là lý do HLV Troussier thấtbại ở SEA Games Campuchia, thua toàn tập tại Asian Cup Qatar và đang có phần yếu thế trước Indonesia. Biết người, biết ta rất quan trọng.