Khiêu vũ thể thao: Chỉ lo săn Vàng SEA Games, không sợ bị phạt
(Thethaovanhoa.vn) - Nghị định 46/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao còn đang gây tranh cãi với cái khái niệm "thể thao khiêu dâm" thì thật trùng hợp, tại TP.HCM, giải khiêu vũ thể thao toàn quốc 2019 được tổ chức. Là môn thể thao được xếp vào hàng “nhạy cảm” nhất, nhưng với những người trong cuộc, đó không phải là mối bận tâm hàng đầu...
Mục tiêu Vàng SEA Games 30
Phát biểu bên thềm giải khiêu vũ thể thao VĐQG 2019 vừa khép lại tại TP.HCM vào tối 11/8, bà Nguyễn Kim Lan, Phó Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 Tổng cục TDTT, Phó Chủ tịch kiêm TTK Liên đoàn thể dục Việt Nam, cho biết: “Năm nay là năm quan trọng với khiêu vũ thể thao (dancesport) Việt Nam bởi chúng ta sẽ tham dự SEA Games 30 tại Philippines. Do đó giải VĐQG nhằm đánh giá, tuyển chọn những VĐV xuất sắc nhất tham gia đội tuyển. Hơn 500 VĐV tham gia thi đấu cũng nói lên được tầm vóc của giải”.
“Lực lượng VĐV hiện tại của chúng ta phát triển mạnh mẽ và đông đảo. Từ chỗ những nội dung như 5 điệu Latin hay Standards vài năm trước chỉ có vài ba đôi những năm gần đây lên con số hàng trăm. Chúng tôi đánh giá rất cao sự phát triển của khiêu vũ thể thao tại Việt Nam những năm qua. Đấy là điều rất vui, nó phản ánh sự phát triển của môn này về chuyên môn, năng lực và trình độ phát triển của VĐV chúng ta rất lớn”, bà Kim Lan nói thêm.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, những cái tên được kỳ vọng nhất của khiêu vũ thể thao Việt Nam sắp tới là 2 cặp VĐV Phan Hiển – Nhã Khanh (5 điệu toàn năng Latinh) và Đức Hoà – Hải Yến (5 điệu Standard). Những cái tên này cũng đã tập luyện ăn ý với nhau nhiều năm qua và mục tiêu của họ cũng rất lớn ở SEA Games 30.
VĐV Phan Hiển cho biết: “Tôi đã tập cùng Nhã Khanh từ hơn 2 năm nay, thời gian chuẩn bị cho SEA Games 30 khi nhận được tin báo nữa thì lúc này đã khoảng 3 năm. Với dancesport thì 3 năm không phải là thời gian dài với một đôi nhảy.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng cải thiện, tự học hỏi để hoàn thiện mình bằng cách tham dự những giải đấu ở các nước. Tôi nghĩ rằng so với những quốc gia trong khu vực mà mình cạnh tranh thì khiêu vũ thể thao Việt Nam đã có trình độ cao hơn, và giải VĐQG lần này chất lượng cũng cao hơn hẳn”.
Bà Kim Lan nói thêm: “SEA Games năm nay tổ chức Philippines cũng là khó khăn, bởi đương nhiên họ tổ chức môn này thì họ đã có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng để giành nhiều thành tích tốt nhất. Thái Lan, Indonesia cũng là những quốc gia mạnh về dancesport.
Tôi còn có thông tin một số nước trong khu vực đã cho VĐV nhập tịch để thi môn này. Khó khăn là rất lớn nhưng hy vọng VĐV Việt Nam sẽ nỗ lực để giành thành tích cao nhất”.
Không lo về Nghị định 46
Nói về quan điểm bản thân xung quanh Nghị định 46 và khiêu vũ thể thao, bộ môn khiến dư luận “suy nghĩ” có nhiều liên quan, bà Kim Lan cho biết: “Đúng là vừa rồi đã dấy lên nhiều ý kiến nói về Nghị định 46, nhưng theo tôi môn thể thao nào cũng có tính đặc trưng, và có quy định theo điều lệ quốc tế.
Không chỉ có khiêu vũ thể thao mà tất cả các môn thể thao khác của chúng ta hiện nay đều phải thi đấu, thực hiện theo điều lệ quốc tế và những cái gì theo luật quốc tế thì Việt Nam mình cứ thực hiện như các nước trên thế giới thôi. Chiếu theo điều này thì chắc chắn không thể vi phạm gì về Nghị định 46”.
“Tôi cũng cho rằng cơ quan làm luật mỗi khi đưa ra vấn đề thì cần phải có sự tìm hiểu kỹ để tránh dư luận không hay”, bà Kim Lan nêu quan điểm. Điều khá “đau đầu” là ngoài sự “săm soi” từ dư luận, bộ môn khiêu vũ thể thao Việt Nam đặt mục tiêu lớn cho giải đấu quan trọng cuối năm ở Philippines. Do đó, đội tuyển cần nhận được sự ủng hộ thay vì những chỉ trích không đáng có.
Một VĐV dancesport cho biết: “Quy định xử phạt vừa có dường như chỉ nói chung chung, nó cảnh báo những môn thể thao có tính chất vi phạm thuần phong mỹ tục đang manh nha chứ không nói rõ môn nào. Khiêu vũ thể thao thì tôi nghĩ không hề có chuyện khiêu dâm hay phản cảm bởi lẽ nó được cả thế giới thừa nhận là môn thể thao đầy sức khoẻ, nghệ thuật.
Người chơi được môn thể thao này vừa khéo, khoẻ, đẹp từ thể chất đến trình diễn. Bạn cứ đến sàn diễn sẽ thấy hết những vẻ đẹp của nó mang lại cho người chứng kiến cũng như áp lực, căng thẳng trong những bài thi đấu.
Lớp phấn son trang điểm kỳ công cũng sẽ phai nhạt bởi mồ hôi đổ ra trên sàn đấu. Những ai hiểu và yêu thể thao thực sự sẽ khó thấy được sự phản cảm của dancesport khi nhìn sự khổ luyện và mồ hôi, đam mê của các VĐV. Và đó cũng là lý do thế giới liên tục tổ chức các cuộc thi cho khiêu vũ thể thao”.
Việt Hà