Khi VFF 'xóa sổ' V-League 2021
(Thethaovanhoa.vn) - “Số phận” của V-League 2021 đã được định đoạt nhưng câu chuyện có nên trao ngôi vương cho HAGL hay xuất xuống hạng phân định thế nào, xem ra còn nhiều tranh cãi.
100% thành viên Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã “giơ tay” đồng ý với quyết định hủy luôn giải đấu chứ không tạm hoãn đến tháng 2/2022 như phương án trước đó. Như vậy, sau rất nhiều lần “nâng lên đặt xuống” giữa VPF cùng các CLB, cuộc họp BCH VFF đã đi đến cái kết được xem như hợp lý nhất, làm hài lòng đa số.
Quyết định của VFF đã nhận được sự ủng hộ, đặc biệt từ các đội bóng Tuy nhiên, vẫn sẽ có những phát sinh để VPF cùng các CLB phải đi đến thống nhất trong việc triển khai quyết định này.
Có nên trao chức vô địch cho HAGL, xuất lên xuống hạng thế nào cùng với phương án tổ chức V-League năm đến ra sao, ai sẽ đại diện Việt Nam đá các giải châu lục như AFC Champions League và AFC Cup. Tất cả sẽ được “phán quyết” khi VPF cùng các CLB ngồi lại với nhau, dự kiến vào đầu tuần tới trong cuộc họp trực tuyến.
Chưa hết tranh cãi…
Nên trao chức vô địch cho HAGL, vì họ xứng đáng. Nhiều ý kiến đưa ra như vậy khi V-League 2021 bị hủy. Khách quan nhìn nhận, HAGL mùa này với một Kiatisuk “mát tay” đã chơi tưng bừng, đọng lại nhiều cảm xúc. “Gỗ” có những chiến thắng thuyết phục trước các đối thủ cạnh tranh Hà Nội FC, Viettel ở giai đoạn thứ nhất. Phong độ cao trước khi V-League tạm dừng, lại gác đội đứng sau Viettel 3 điểm. Ngược lại, không ít người cho rằng, giải đấu mới đi được nửa chặng đường, không ai đi trao cúp vội vàng đến thế. Nếu V-League vẫn đá, còn đến 6 lượt trận để nhóm đua vô địch thi thố kia mà.
Bầu Đức cũng đăng đàn phát biểu: “Chuyện công nhận đội vô địch hay không là của VFF, tôi không quan tâm vấn đề này. HAGL không cần thiết bằng mọi giá phải vô địch. HAGL cũng đã từng vô địch rồi. Trong bóng đá, vô địch không phải là điều trên hết đâu. Cho nên, HAGL cũng không quan tâm đến chức vô địch”. Ngay cả bầu Đức cũng cảm thấy gượng gạo nếu được nhận Cúp kiểu “thắng cố” như thế thì chuyện ai có ai vô địch hay không, cũng dễ giải quyết.
Vấn đề nan giải ở chỗ, liệu có đội bóng nào phải xuống hạng hay không. Nếu quyết định SLNA (đội đang đứng cuối bảng) phải xuống chơi hạng Nhất mùa sau thì họ không phục. Bởi giải đấu đã hủy, coi như “xóa cờ” thì không thể “ấn” đội bóng xứ Nghệ rớt hạng được.
Thêm nữa, V-League không có đội nào xuống hạng, vậy giải hạng Nhất có được xuất thăng hạng nào không, để quyền lợi của họ được đảm bảo. Đã có đề xuất, cả giải hạng Nhất cũng không ai rớt hạng nhưng phải “đôn” 2 CLB đang dẫn đầu sau 7 vòng đã đấu lên chơi V-League 2022. Nếu thế, V-League 2002 sẽ có 16 CLB tham dự còn hạng Nhất rút xuống 12 đội bóng. Hãy thử hình dung về V-League năm sau khi 16 đội bóng tranh tài và có đến 2.5 vé xuống hạng, sẽ khốc liệt vô cùng. Điều này tốt cho giải đấu chuyên nghiệp nước nhà bởi tính cạnh tranh cao đồng nghĩa với chất lượng chuyên môn cũng sẽ tăng lên.
Không có đội vô địch, không có ai xuống hạng nhưng cũng phải xác định đội bóng nào đại diện bóng đá nước nhà dự các giải đấu các giải đấu AFC Champions League và AFC Cup năm sau. Điều này cũng cần được VFF, VPF giải quyết rốt ráo cho câu chuyện “hậu” V-League năm nay.
Nếu trước đây đề xuất kéo giải đầu đến tháng 2 năm sau được nhiều CLB kêu ca vì ảnh hưởng tài chính thì V-League bị hủy sẽ khiến không ít cầu thủ lao đao từ nay đến cuối năm. Hợp đồng còn lại giải quyết ra sao, chuyện lương hướng, chế độ thế nào khi các đội bóng “xả trại” thêm vài tháng nữa. Những thiệt thòi đối với cầu thủ là có thật. Thậm chí, không loại trừ chuyện tranh cãi, kiện tụng giữa cầu thủ và CLB nếu không có được thỏa thuận hài hòa cùng nhau.
Hủy V-League thì dễ, chỉ sau một cuộc họp, một tờ A4 hay một chữ ký là xong. Giải quyết những phát sinh “hậu” V-League mới nan giải, sẽ còn nhiều rắc rối chứ không êm xuôi.
Trần Tuấn