Khi trọng tài V-League không chịu xin lỗi
Mới hôm qua, cơ quan trọng tài Premier League (PGMOL) thừa nhận rằng trọng tài đã mắc sai lầm rất nghiêm trọng trong trận Brighton thua Tottenham vào cuối tuần trước.
1. Cụ thể thì khi tỉ số đang là 1-1, Kaoru Mitoma của Brighton bị phạm lỗi trong vòng cấm, và đoạn băng quay chậm sau đó cho thấy đây là một quả penalty rõ ràng. Tuy nhiên, trọng tài chính Stuart Attwell và cả tổ VAR đã không cho Brighton hưởng phạt đền. Đây là quyết định mang tính then chốt đối với kết quả trận đấu: Thời điểm ấy, trận đấu đã đi được 3/4 quãng đường, và một bàn thắng nhiều khả năng sẽ định đoạt kết cục. 7 phút sau tình huống gây tranh cãi, Harry Kane ghi bàn giành ba điểm về cho Tottenham.
Tất nhiên là kết quả không thể sửa đổi được, và cơ quan quản lý trọng tài của Premier League chỉ còn biết xin lỗi. Đáng chú ý, đấy là lần thứ ba họ phải cáo lỗi với Brighton vì sai lầm của các trọng tài. Hai lần trước diễn ra vào tháng Hai, trận gặp Crystal Palace, và cuối năm ngoái, gặp Aston Villa.
Dù có VAR đi chăng nữa, sai lầm của các trọng tài ở Premier League, giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh lúc này, là chuyện... cơm bữa. Cứ dăm ba ngày lại có một trận đấu mà dư luận phải thở dài vì Vua áo đen, dù họ nhận được sự trợ giúp tích cực từ VAR.
Tháng Hai vừa qua, PGMOL quyết định chấm dứt hợp tác với Lee Mason, một người có kinh nghiệm 15 năm cầm còi ở Premier League, với 500 trận bắt chính. Các sai sót liên tiếp của ông mùa giải này là giọt nước tràn ly.
Nhưng trừng phạt trọng tài cũng là đặc quyền của phía tổ chức Premier League: Những ai động vào trọng tài đều phải trả giá. Mới đây, các cầu thủ MU bị phạt 65 ngàn bảng vì bao vây trọng tài trong trận gặp Fulham ở FA Cup. Vào giữa tháng Ba, ông Erik ten Hag đã bị "cảnh cáo" vì tuyên bố trận hòa Southampton không bàn thắng "bị ảnh hưởng bởi các trọng tài". Các HLV vĩ đại nhất thế giới từng làm việc ở đây, từ Jose Mourinho, Arsene Wenger đến Alex Ferguson, đều từng phải nhận án phạt vì chỉ trích trọng tài.
2. Điều gì đã dẫn đến cách cư xử như thế ở giải đấu số một hành tinh với vấn đề trọng tài, với độ tranh cãi và mật độ sai lầm tương đương V-League?
Cuốn "Giải mật Ngoại hạng Anh" kể về một chi tiết nhỏ: Khi ông Arsene Wenger đặt chân đến Arsenal, điều đầu tiên ông muốn thay đổi là cái... toilet. Đơn giản vì nó có sạch sẽ thơm tho thì khán giả mới đến sân trải nghiệm tốt được.
Đấy là tinh thần cốt lõi đã đưa Premier League thành một sản phẩm đại chúng thành công bậc nhất: Luôn luôn tôn trọng các khán giả, và chính mình. Bóng đá là một môn thể thao bất toàn và trọng tài đầy khiếm khuyết, không thể tránh khỏi sai lầm.
Nhưng tôn trọng các khán giả là công khai thừa nhận các sai lầm, phạt các trọng tài mắc quá nhiều sai lầm, đồng thời phạt những ai chỉ trích trọng tài không đúng thẩm quyền, có thể làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của giải đấu.
3. Hãy nhìn cách ban tổ chức V-League đối diện với sai lầm lộ liễu của trọng tài trong trận Nam Định gặp Khánh Hòa ở vòng 5 vừa qua: Ban trọng tài khăng khăng tuyên bố rằng trọng tài đã xử lý chính xác, dù băng hình đã khẳng định đấy là một sai lầm.
Một ngày sau, khi CLB TP.HCM thua Hà Nội ngay trên sân nhà, HLV Vũ Tiến Thành ngay lập tức đổ cho... trọng tài, chỉ trích cựu Chủ tịch CLB Hà Nội và tuyên bố rằng cứ gặp đội Hà Nội là thua vì lý do này. Ban tổ chức giải đến giờ vẫn im lặng.
Bạn hãy đặt mình vào tư cách một khán giả V-League đã được xem lại tình huống trong trận Nam Định gặp Khánh Hòa, và rồi đọc bản báo cáo ráo hoảnh của Ban trọng tài. Bạn hẳn cảm thấy mình không được tôn trọng.
Bạn hãy đặt mình vào vị trí các HLV và cầu thủ khác, sau khi nghe những cáo buộc rất nặng nề nhắm vào trọng tài lẫn ban điều hành giải của ông Thành, người có lẽ sẽ không bị phạt: Bạn không còn tôn trọng giải đấu nữa.
Có lẽ vì khác biệt tư duy: Giải Ngoại hạng Anh là một cỗ máy in tiền và nó cần giải quyết các sai sót như một tập đoàn giải quyết chế độ hậu mãi. Người tiêu dùng sẽ được xin lỗi, đổi trả sản phẩm, và đôi khi được bồi thường. Các nhà bán lẻ trên nền tảng, như những đội bóng và các cá nhân xoay quanh nó, thì lại phải chịu những ràng buộc rất ngặt nghèo. V-League thì cho đến giờ, vẫn chưa thể tự kinh doanh có lãi, nên có lẽ ban tổ chức và các bên liên quan không có nhiều nhu cầu tôn trọng khán giả, cũng như chính mình nữa.