Khi trẻ tự kỷ 'vui vô cùng' bằng triển lãm
(Thethaovanhoa.vn) - Vui ∞ (Vui vô cùng) là cái tên rất đẹp của một cuộc triển lãm đang diễn ra tại số 8 Đỗ Quang (Hà Nội), với tác giả là những “nghệ sĩ” nhỏ tuổi mắc chứng tự kỷ.
Gần 50 tác phẩm được trưng bày là những tác phẩm cắt dán, tranh vẽ, mô hình giấy của 7 bạn nhỏ, dưới sự dẫn dắt và đồng hành của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thu Hà và cô Nguyễn Thu Hằng - điều phối viên của dự án Tòhe Fun.
Lan tỏa triết lý “hồn nhiên”…
Kéo dài đến 30.4, triển lãm được sắp đặt trong không gian trưng bày mở, nhằm có sự tương tác và liên kết với người xem với hi vọng giúp mọi người hiểu hơn về thế giới khác biệt của trẻ tự kỷ, cũng như về nguồn “năng lượng tích cực” vô cùng trong sáng của các bé.
Đó là tác phẩm Áo giáp của Hoàng Phúc Đạt trông có vẻ… chưa “ra dáng” bộ áo giáp mà còn hơi ngược, cũng chẳng vững chãi gì mà được thiết kế hàng giờ tẩn mẩn với những đường kẻ tay thẳng tắp, chậm rãi và an bình.
Đó là Phạm Bình Minh với tác phầm “người đang bay” cùng các con số và những con vật có sừng, hay Lee Nguyễn Sahae với tác phẩm “cây bách quả” nhiều màu sắc…
Đó là thế giới của Đình Chí (Nem) - một “ma trận” của những siêu hình ảnh, của bất kỳ thứ gì mà bé lập tức thể hiện bằng hình vẽ khi tiếp nhận trong trí óc của mình.
Những tác phẩm ấy ra đời theo dự án của Tò he, một doanh nghiệp xã hội chuyên hỗ trợ những bạn mắc hội chứng tự kỷ. Như chia sẻ của những người tổ chức, việc tổ chức triển lãm Vui ∞ (Vui vô cùng) gắn với một thông điệp: “Ai cũng có những nỗi niềm riêng trong cuộc sống. Nhưng nếu suy nghĩ và hành động để truyền đi những “năng lượng tích cực”, chúng ta sẽ thấy cuộc sống vẫn có ý nghĩ rất nhiều”.
“Bên cạnh sự chia sẻ, tôi mong những khán giả tới đây sẽ xem thư giãn và trở về với bản chất hồn nhiên như những đứa trẻ muốn đi tìm niềm vui cho mình”, Nguyễn Thu Hà, giáo viên mỹ thuật và cũng là một nghệ sĩ thị giác của lớp vẽ Tò he, cho biết.
Hà kể, dạy trẻ tự kỷ sáng tác là một quá trình dò đường. Các em có rất nhiều trở ngại tâm lý với hành vi không kiểm soát, do đó giáo viên phải cân nhắc từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất đến tổng thể dự án để hiểu đặc điểm riêng của mỗi cá em. Trong quá trình dạy, cô chủ yếu dùng thế mạnh của mình là đọc và cảm nhận hình ảnh để dẫn dắt các em, giống như công việc của người “đãi cát tìm vàng”.
“Thế giới của mỗi bạn tự kỷ là những câu chuyện rất riêng, không giống ai hết. Nhưng một khi cảm và hiểu được thế giới ấy, ta như bước vào đa thế giới của siêu hình ảnh”, Hà nói.
Mở cánh cửa hi vọng
Sự thực, không phải bất cứ ai trong xã hội cũng có cái nhìn đúng về những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ. Hà kể, khi biết cô làm việc với nhóm trẻ tự kỷ, một người quen đã hỏi: “Dạy trẻ tự kỷ thì có dễ… lây và mắc chứng “tự kỷ ám thị” không ?”
“Tôi chỉ cười. Thời gian qua, bản thân tôi cũng gặp nhiều khó khăn về sức khoẻ, thời gian, chi phí cho cuộc sống và nhiều vấn đề khác. Khi bệnh vẫn gắng đến lớp, có người nói: giúp họ vậy thì ai giúp cô?” – Hà chia sẻ thêm – “Nhưng thật lòng, tôi muốn gần gũi các em. Là một người mẹ có con, cũng là một nghệ sĩ sáng tác, tôi cảm thấy đây là niềm vui của mình. Và có lẽ, chúng tôi cũng có duyên với nhau, nên dễ dàng “bắt sóng" khi làm việc.”
Như lời Hà, khi theo dự án này, một loạt câu hỏi luôn lơ lửng trong đầu cô: các trẻ em tự kỷ có tiềm năng nghệ thuật không? Và nếu có khả năng nghệ thuật, thì làm thế nào để giúp các bạn tìm ra hướng đi? Làm sao để trong tương lai, các em có thể trở thành những “nghệ sĩ” ở tuổi lớn hơn? Những câu hỏi ấy không dễ trả lời vì phụ thuộc rất nhiều yếu tố.
“Như nhận xét của tôi, trên thực tế, các bé đã sở hữu những khả năng rất riêng về cách cảm nhận, cũng như tiềm năng ngôn ngữ để biểu đạt bản thân. Những khả năng ấy của các em không bị trùng lặp với bất kỳ ai. Đó là điều mà bản thân một người được học nghệ thuật bài bản cũng còn phải đi kiếm tìm sau hết thảy những gì học được từ trường lớp”, Hà nói. “Tôi hy vọng, từ triển lãm này sẽ có nhiều nghệ sĩ quan tâm và yêu mến trẻ tự kỷ đến giúp đỡ, đồng hành và giúp các em mở thêm những cánh cửa cho tương lai”.
Hoài Thương