Khi trẻ em hành hạ động vật: Biểu hiện tâm lý cần quan tâm nhưng đa phần bị phụ huynh bỏ qua
Việc trẻ nhỏ có những hành vi hành hạ, làm tổn hại đến động vật trong thời thơ ấu có thể là một dấu hiệu đáng báo động về tâm lý.
Bị làm phiền bởi tiếng kêu the thé, mẹ của cậu bé Christopher (3 tuổi) bước vào phòng khách và chứng kiến cậu bé đang tóm lấy đuôi chú mèo con mới của họ và nhấc lên trên không. Người trông trẻ của cậu bé John (5 tuổi) cũng từng chứng kiến cảnh cậu liên tục thổi một chiếc tù và lớn vào tai con chó của mình, sau đó cười nhạo trước sự đau khổ của con vật.
Những hành động này đều được coi là hành vi ngược đãi, hành hạ động vật dù cho người thực hiện nó là những đứa trẻ không ý thức được hậu họa của việc mình đang làm.
Bạo hành động vật ở trẻ em là hành vi đáng lo ngại (ảnh minh hoạ)
Kể từ những năm 1970, nhiều nghiên cứu đã liên tục báo cáo về hành vi tàn ác đối với động vật khi còn nhỏ là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên về tâm lý có thể dẫn đến những hành động tiêu cực của con người khi trưởng thành.
Trong bài phân tích của Psycho Today, những nhà nghiên cứu đã lý giải tại sao việc trẻ em ngược đãi động vật lại là một hành vi đáng quan ngại và cần nhận được sự chú đặc biệt của các phụ huynh.
Báo động về tâm lý
Nhiều đứa trẻ thể hiện khuynh hướng tàn bạo và dường như thích gây ra đau khổ. Thông thường những đứa trẻ này sẽ thể hiện những đặc điểm mang tính chất chống đối xã hội. Điều này bao gồm sự thiếu đồng cảm, không cảm thấy hối hận và cảm giác tội lỗi, từ đó trở thành "quả bom" dễ dàng gây ra các hành vi phạm pháp liên quan đến bạo lực chỉ với một "mồi lửa" từ xã hội khi trưởng thành.
Trẻ có hành vi bạo lực khi còn nhỏ dễ bị chẩn đoán mắc chứng ASPD khi trưởng thành (Ảnh minh họa)
Về mặt lý thuyết, hiếm người dưới 18 tuổi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD). Tuy nhiên, khi những đặc điểm này xuất hiện trong thời thơ ấu, đó là dấu hiệu cho thấy chúng nhiều khả năng sẽ được chẩn đoán mắc bệnh ASPD khi trưởng thành.
Những người bị ASPD cực đoan được coi là mắc chứng thái nhân cách. Trong khi một số sẽ hướng thành công nhờ các đặc điểm tính cách của họ vào những nghề nghiệp có thể mang lại lợi thế, chẳng hạn như các công việc yêu cầu tính đối kháng cao hoặc người lãnh đạo. Ngược lại, nhiều cá nhân khác mắc ASPD nhiều khả năng sẽ phát triển theo hướng hoàn toàn ngược lại và trở thành đối tượng dễ phạm tội liên quan đến bạo lực hay thậm chí là nghiêm trọng hơn.
Động cơ đằng sau hành vi ngược đãi động vật
Theo nghiên cứu về tâm lý, những đứa trẻ lạm dụng động vật được cho là đã từng chứng kiến hoặc tự mình trải qua hành vi ngược đãi. Ví dụ, số liệu thống kê cho thấy 30% trẻ em từng chứng kiến bạo lực gia đình cũng có hành vi bạo lực tương tự đối với vật nuôi của chúng.
Trên thực tế, mối liên hệ giữa lạm dụng động vật và bạo lực giữa các cá nhân nổi tiếng đến mức nhiều cộng đồng tại Hoa Kỳ hiện đã phát triển các dịch vụ xã hội về cách nhận biết các dấu hiệu lạm dụng động vật cũng như các dấu hiệu có thể có của các hành vi ngược đãi khác.
Việc là nạn nhân hoặc từng chứng khiến bạo lực nhiều khả năng là nguyên nhân gây ra hành vi này (Ảnh minh họa)
Mặc dù động cơ đối xử tiêu cực với động vật khi còn nhỏ hay ở tuổi thiếu niên chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng các cuộc điều tra cho thấy một số động cơ phổ biến của hành vi này xuất phát từ những vấn đề như sau:
Tò mò hoặc khám phá (tức là con vật bị thương hoặc bị giết trong quá trình khám nghiệm, thường là của trẻ nhỏ hoặc trẻ chậm phát triển).
Áp lực từ bạn bè (bạn bè có thể khuyến khích ngược đãi động vật hoặc yêu cầu hành vi đó như một phần của nghi thức).
Cải thiện tâm trạng (lạm dụng động vật được sử dụng để giảm bớt sự buồn chán hoặc trầm cảm ).
Lạm dụng cưỡng bức (nghĩa là đứa trẻ bị ép buộc hành hạ động vật bởi một cá nhân có quyền lực hơn).
Gắn bó với một con vật (đứa trẻ giết một con vật để ngăn chặn sự tra tấn của nó bởi một cá nhân khác).
Nỗi ám ảnh động vật (gây ra một cuộc tấn công phủ đầu vào một con vật đáng sợ).
Phản kháng lại người bạo lực mình (một đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực có thể cố lấy lại cảm giác kiểm soát bằng cách hành hạ một con vật có phần yếu thế hơn mình).
Bắt chước (nghĩa là sao chép hành vi ngược đãi động vật của cha mẹ hoặc người lớn khác).
Tự gây thương tích (nghĩa là dùng con vật để gây thương tích trên cơ thể của chính đứa trẻ).
Diễn tập bạo lực giữa các cá nhân ( thực hiện hành vi bạo lực đối với động vật hoặc thú cưng đi lạc trước khi thực hiện các hành vi bạo lực đối với người khác).
Phương tiện để lạm dụng tình cảm (làm bị thương thú cưng của anh chị em để khiến anh chị em sợ hãi) ".
Phụ huynh cần đặc biệt quan tâm và giáo dục trẻ nhỏ về cách đối xử với động vật (Ảnh minh họa)
Kết lại, mọi hành động bạo lực đối với động vật không hoàn toàn là dấu hiệu cho thấy một người sẽ trở thành một kẻ ưa bạo lực hay thậm chí là cuồng sát khi trưởng thành. Đặc biệt là khi những hành vi này xảy ra ở trẻ nhỏ, khi tính hiếu kỳ và tò mò tự nhiên của chúng đã vô tình dẫn đến một số hành vi không đáng có.
Khi nhận định được con, em mình có hành vi như vậy, các bậc phụ huynh nên có cái nhìn khách quan, đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự việc. Từ đó cha mẹ nên chú tâm vào việc giáo dục trẻ về cách đối xử nhân đạo với động vật và dần dần cải thiện hành vi của trẻ nhỏ với động vật xung quanh.
Tuy nhiên, nếu trẻ em có hành vi nhốt thú cưng trong một không gian kín, hành hung thú cưng một cách thô bạo sau khi gây rắc rối với cha mẹ hoặc thích thú khi nhìn thú cưng chịu đau đớn, mức độ nghiêm trọng của hành vi này cần được gắn "cờ đỏ", báo hiệu rằng tâm lý trẻ nhỏ cần có sự can thiệp của chuyên gia. Điều này đặc biệt quan trọng khi trẻ đã có nhận thức trưởng thành và hiểu rằng những gì mình đang làm là sai và vẫn lặp đi lặp lại hành vi đó.
Nguồn: Psycho Today, Discover Magazine