'Khi ta 25' - Bộ phim bất ổn với dàn sao 'cưa sừng làm nghé'
'Khi ta 25' giống như thước xuân phim thanh xuân - trong trẻo nhưng nhiều vấp váp - thuật lại hành trình lập thân, lập nghiệp của một nữ quản lý cùng nhóm nhạc thần tượng.
Khi ta 25 đánh dấu lần thứ ba Luk Vân và Midu hợp tác trong một dự án điện ảnh sau chùm phim thuộc thể loại tình cảm, lãng mạn Bốn năm hai chàng một tình yêu (2016) và Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp (2019). Bộ phim giống như một cuốn hồi ký dành tri ân tuổi trẻ của chính nữ đạo diễn với rất nhiều tình tiết được lấy từ trải nghiệm có thật của cô. Ở trung tâm của bộ phim, Midu trong vai Tuệ Lâm chính là phiên bản hư cấu qua lăng kính mơ mộng, lãng mạn của chính Luk Vân.
Câu chuyện người trẻ theo đuổi giấc mơ chưa bao giờ cũ
Lâm (Midu) là một cô gái trẻ đầy tham vọng. Thế nhưng, món quà mà số phận dành cho cô trong ngày sinh nhật tuổi 25 lại chẳng ngọt ngào. Giọng ca chính của nhóm nhạc The Air do Lâm quản lý đã gặp tai nạn ngay trên sân khấu debut và qua đời. Sau vụ việc, Lâm được công ty cử sang Hàn Quốc làm việc trong hai năm. Tuy nhiên, thời gian công tác chưa kết thúc, cô đã phải tất tả trở về Việt Nam khi hay tin công ty quyết định giải thể nhóm The Air.
Bất lực khi không thể tìm được tiếng nói chung với tay giám đốc mưu mô (Huy Khánh), Lâm quyết định nghỉ việc, tự mình thành lập công ty mới để vực dậy The Air một lần nữa. Bạn đồng hành của cô trên hành trình này là hai người đồng nghiệp (lần lượt do Lê Dương Bảo Lâm và Tiko Tiến Công thủ vai) bị cô vừa lừa vừa lôi kéo vào tròng.
Họ đã cùng nhau tìm gặp những thành viên của The Air - giờ đang tứ tán, phải mưu sinh bằng đủ thứ nghề trong thời gian nhóm bị đóng băng. Đội hình cũ của The Air đã quy tụ đủ, giờ là lúc Lâm cùng ê-kíp phải đối mặt thử thách cam go nhất - tìm ra người có thể thay thế chàng ca sĩ yểu mệnh năm xưa.
Chọn hậu trường showbiz làm bối cảnh, xoay quanh câu chuyện theo đuổi đam mê của các thanh niên mới chập chững trên con đường lập thân, lập nghiệp bằng âm nhạc, Khi ta 25 bước đầu đã thành công khi tạo dựng được một không khí trẻ trung, năng động. Diễn biến chuyến hành trình trở lại showbiz của Lâm và nhóm The Air trên màn ảnh cũng ít nhiều thuyết phục được khán giả do nhiều phần được xây dựng dựa trên chính những trải nghiệm của đạo diễn.
Phim tuân thủ rất sát công thức của một sản phẩm giải trí hợp lòng đối tượng khán giả ở độ tuổi mới lớn: diễn viên ưa nhìn theo tiêu chuẩn idol Hàn Quốc, thông điệp tích cực kiểu chỉ cần ta đoàn kết một lòng thì khó khăn nào cũng qua lồng ghép trong một kịch bản từ rất sớm đã phân định người tốt kẻ xấu rạch ròi. Khi ta 25 nhẹ nhàng, dễ xem, và vì thế cũng nhàn nhạt, không có gì đọng lại ngoài ấn tượng chung chung là vui mắt, vui tai.
Khoảng cách quá lớn trong dàn diễn viên
Khi ta 25 đánh dấu sự tái xuất của Midu với màn ảnh rộng sau 3 năm vắng bóng. Màn hóa thân của cô vào vai Tuệ Lâm nhìn chung đã khắc họa được sự liều lĩnh của một người trẻ tuổi dám tất tay để theo đuổi đến cùng mục tiêu hòa trộn cùng vẻ trưởng thành của một người chị, một đầu tàu phải gồng mình để vừa dẫn dắt vừa che chở cho đàn em.
Cùng với Midu, dàn diễn viên mà khán giả đã quen mặt gồm Lê Dương Bảo Lâm, Tiko Tiến Công, Huy Khánh hay Lãnh Thanh đều làm tròn nhiệm vụ mà kịch bản giao phó, tạo ra một “bệ đỡ” khá ổn định hỗ trợ cho dàn sao trẻ gồm Phú Thịnh, Him Phạm, Đỗ Nhật Trường và Long Hoàng. Họ đảm nhận các vai phụ với tính cách được khắc họa khá rõ ràng, đủ để khán giả nhận diện chỉ sau một lần được giới thiệu.
Ngoại trừ Lãnh Thanh, thủ vai các thành viên của The Air là những cái tên mới toanh trên màn ảnh rộng. Bước từ các nền tảng mạng xã hội lên màn ảnh rộng, dàn diễn viên trẻ này không tránh khỏi sự chuệch choạc, non yếu trong diễn xuất. Nhưng thiếu sót này chưa đến mức hủy hoại cả bộ phim - phần vì thời lượng xuất hiện của The Air không nhiều, phần vì tiêu chuẩn của khán giả với các "thần tượng đóng phim" chưa bao giờ cao.
Lãnh Thanh là một nam diễn viên có thực tài của màn ảnh Việt. Anh cũng diễn không tệ vai một con cừu đen chuyên khơi lên bất hòa trong Khi ta 25. Nhưng khi Lãnh Thanh vào vai idol của The Air, đứng chung hàng với nam chính Phú Thịnh và dàn diễn viên trẻ, khó có thể nói anh hòa nhập vào khung cảnh. Cách biệt về tuổi tác và cả diễn xuất khiến anh lúc thì như đang lạc ở một cõi khác, lúc lại chẳng khác gì kẻ bắt nạt ỷ lớn hiếp nhỏ trên màn ảnh.
Ở tuổi 33, Lãnh Thanh rõ ràng đang phải "cưa sừng làm nghé" để vào vai một thần tượng tuổi mười tám đôi mươi - tức trẻ hơn mình ít nhất 10 tuổi. Bởi công bằng mà nói, chẳng có công ty quản lý nào lại liều lĩnh ra mắt một nhóm nhạc thần tượng với độ tuổi thành viên lên tới 25 (hoặc tiệm cận 25). Anh cũng lớn hơn dàn diễn viên thủ vai các thành viên còn lại của The Air ít nhất 5 tuổi.
Trong phim, The Air debut năm Tuệ Lâm 25 tuổi và tái xuất hai năm sau đó khi cô 27. Một cách miễn cưỡng, Midu vẫn đủ trẻ trung để vào vai một nhân vật trẻ hơn mình 7 tuổi. Thế nhưng, Lê Dương Bảo Lâm 34 tuổi rõ ràng đã quá già để thủ vai một anh chàng 27 tuổi ôm mối tình thơ với cô bạn phổ thông. Lê Dương Bảo Lâm là cây hài của Khi ta 25. Các miếng hài của anh nhìn chung dễ chịu, là tiếng cười duy nhất của phim. Nhưng không biết vô tình hay hữu ý mà yếu tố bất ngờ, tạo tiếng cười của Lê Dương Bảo Lâm luôn là đừng khinh anh già, chống mắt lên mà xem anh thể hiện.
Và nhiều bất ổn khác
Khi ta 25 xoay quanh một nhóm nhạc. Do đó, các ca khúc là yếu tố cực kỳ quan trọng với bộ phim, nếu không muốn nói là đóng vai trò tương đương một trong các nhân vật nhân vật chính. Thế nhưng, phần âm nhạc của Khi ta 25 khá nhạt nhòa với số lượng ca khúc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giai điệu các bài hát cũng na ná nhau khiến đôi khi khán giả không biết mình đang được nghe bài nào. Trong số ca khúc được sử dụng cho phim lại có cả hai bài vô thưởng vô phạt do Lê Dương Bảo Lâm thể hiện.
Cuối cùng, cũng là điểm yếu chí mạng của phim chính là kịch bản lỏng lẻo. Cực kỳ lỏng lẻo. Phim đặt ra nhiều vấn đề: cuộc cạnh tranh cá lớn nuốt cá bé giữa hai công ty quản lý nghệ sĩ, tình cha con rạn nứt đẩy Kim (Lãnh Thanh) tới chỗ nhúng chàm, ước mơ ca hát của nam chính bị mẹ ngăn cản… nhưng chỉ có một vài trong số các câu chuyện này được giải quyết tới nơi tới chốn.
Nhiều tuyến truyện phụ bị bỏ quên, bị cố tình dàn xếp êm đẹp một cách vội vã - tới độ người xem có thể lập tức vẽ ra kế hoạch trả đũa hộ nhân-vật-vô-cùng-gian-ác đã sớm bỏ cuộc ngay khi âm mưu thâm độc bị vỡ lở. Vụ tai nạn ở mở đầu phim ngỡ là một sự kiện quan trọng cũng nhanh chóng bị đẩy vào quên lãng. Chỉ sau chưa đầy hai năm, vụ tai nạn trên sân khấu ấy đã hoàn toàn vô hình với nam chính (Phú Thịnh) lẫn truyền thông khi The Air thông báo kế hoạch comeback.
Với một kịch bản lỏng lẻo, cũng không quá bất ngờ khi phim trình làng hệ thống nhân vật một màu: ai tốt thì sẽ cực tốt, ai xấu sẽ trở thành phản diện. Vai trò này được gán cho từng người ngay từ đầu phim và không thay đổi suốt cả tác phẩm. Kim là nhân vật duy nhất có sự “đổi phe”, nhưng sau cùng cũng không phải chịu bất cứ sự trả giá nào. Bài học đạo đức thiếu mất một nửa khi người tốt được hạnh phúc, còn kẻ xấu? Khán giả buộc lòng phải động não tưởng tượng điều gì sẽ xảy đến với họ.
Chấm điểm: 2,5/5
Phù hợp với khán giả tuổi mới lớn, quy tụ dàn nhân vật trai xinh gái đẹp nhưng diễn xuất không quá ấn tượng, xoay quanh câu chuyện về những người trẻ theo đuổi niềm đam mê âm nhạc, nhân vật trải qua biết bao thăng trầm để thấm thía những bài học quý giá trước khi chạm tới cái kết có hậu. Mô tả này đúng với Khi ta 25, và đúng với rất nhiều tác phẩm Trung, Hàn, Nhật khai thác đề tài thanh xuân, tuổi trẻ. Bộ phim của đạo diễn Luk Vân sẽ nhanh chóng bị lãng quên khi mới chỉ giống như một web drama tầm trung được thu gọn để phù hợp đem chiếu rạp - đèm đẹp, nhàn nhạt, dễ quên.