Khi Nike bỏ Golf
- Tay golf Argentina có thể lỡ Olympic 2016 vì thiếu... gậy
- 7 golf thủ Việt Nam sẽ tranh tài tại vòng chung kết Mercedes Trophy Châu Á
- Đánh golf tối cùng BRG Ruby Tree Golf Resort
- Giải golf trẻ VĐQG mở rộng 2016: Chủ nhà mất Cúp vào tay cô gái 14 tuổi
Hôm 3/8, Nike tuyên bố sẽ ngừng kinh doanh gậy chơi golf, túi xách golf, cũng như bán bóng cho loại hình thể thao này. Quyết định đến không lâu sau khi Nike công bố tình hình tài chính của năm tài khóa trước.
Doanh số ở mảng golf của Nike trong năm tài khóa 2016 đã giảm 8,2% xuống còn 706 triệu USD. Kết quả kinh doanh này là tệ nhất của Nike kể từ năm 2011, thời điểm golf mang về cho hãng 623 triệu USD doanh thu. Nó cũng thấp hơn nhiều nếu đem so sánh với mảng kinh doanh đồ thể thao cho môn chạy bộ với khoảng 5 tỷ USD doanh số.
Vì đâu kinh doanh của Nike sụt giảm đến vậy?
Đã có viện dẫn về phong độ sa sút của những gương mặt đại diện thương hiệu. Hai trong số những nhân tố nổi trội nhất chính là Tiger Woods và Rory McIlroy.
Logo Nike sẽ không còn xuất hiện trên những thiết bị golf
Gần như cả năm qua, Woods vắng bóng khỏi các giải golf để tập trung phẫu thuật điều trị chấn thương. Trong tương lai, liệu Woods có tìm lại được vị thế hay không vẫn là câu hỏi rất khó trả lời. Với McIlroy, sự nghiệp của anh dường như chững lại sau chiến thắng major năm 2011. Năm 2013, McIlroy thậm chí còn trải qua mùa giải tồi tệ nhất trong sự nghiệp. Ở hai mùa sau đó, tay golf Bắc Ireland chật vật trên con đường kiếm tìm vinh quang.
Nhưng chẳng thể đổ lỗi hoàn toàn cho Woods và McIlroy cho thất bại trong kinh doanh của Nike. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ xu thế chung của môn thể thao này trong giới trẻ ngày nay đang dần suy giảm.
Hiện Mỹ là thị trường lớn nhất của golf nhưng tỷ lệ giới trẻ Mỹ tham gia chơi golf lại đang suy giảm dần qua từng thập niên. Năm 2015, Hiệp hội Golf Mỹ (NGF) công bố báo cáo cho thấy tỷ lệ chơi golf tại đây đã giảm mạnh trong suốt 20 năm qua, đặc biệt là ở giới trẻ có độ tuổi 18-23.
Ông Greg Nathan, Phó chủ tịch cấp cao của NGF, cho biết: “Đây là mối quan tâm đặc biệt vì lịch sử cho thấy ở thời điểm hoàng kim của golf, lứa tuổi này là khách hàng chính”. Một trong những nguyên nhân chính mà NGF liệt kê là chi phí chơi golf quá đắt so với thu nhập ngày nay của giới trẻ Mỹ.
Sự thoái trào này chẳng chừa bất cứ một thương hiệu thể thao nào. Tổng kết kinh doanh quý 1 năm nay, Adidas cũng tuyên bố sẽ tập trung vào thế mạnh và tìm đối tác để bán mảng kinh doanh thiết bị golf. Các hãng như Taylormade (thuộc Adidas), Under Armour hay Acushnet cũng không tránh được khỏi xu thế.
Tiger Woods & Rory McIlroy sẽ ra sao?
Woods ký hợp đồng với Nike kể từ khi anh trở thành golf thủ chuyên nghiệp năm 1996. Hợp đồng đầu tiên được cho có giá trị lên tới 40 triệu USD trong 5 năm. Những năm sau đó, thành công của Woods đẩy Nike lên dẫn đầu trong số các hãng kinh doanh thiết bị golf. Năm 2013, hai bên ký tiếp thỏa thuận mới với điều khoản không được tiết lộ. Trong khi đó McIlroy hợp tác với Nike năm 2012 sau khi chia tay hãng Titleist. Thỏa thuận giữa hai bên được cho có giá trị lên tới 250 triệu USD trong 5 năm.
McIlroy và Tiger Woods là hai biểu tượng lớn của golf cũng không cứu được Nike ở lĩnh vực này
Những giao kèo nặng về giá trị kinh tế này không thể bị gạt bỏ chỉ sau tuyên bố của Nike. Trước mắt, chắc chắn Woods và McIlroy vẫn là đại diện cho Nike ở mảng kinh doanh giày và áo đấu sân golf. Chính người đại diện Mark Steinberg của Woods cũng thừa nhận: “Woods là đại sứ trung thành và lâu đời nhất của Nike Golf, điều đó sẽ không thay đổi”.
Chỉ có điều Woods và McIlroy sẽ phải tìm kiếm cho mình đối tác cung cấp gậy chơi golf, bóng chơi golf và túi xách golf. Trong thời gian tới, nếu Woods trở lại, người hâm mộ sẽ thấy anh mặc đồ, đi giày Nike nhưng sử dụng dụng cụ một hãng khác. Với McIlroy, điều tương tự cũng sẽ diễn ra.
Thêm nữa, với việc ngưng một mảng lớn trong kinh doanh, Nike chắc chắn sẽ thương thảo để “thu hẹp” giá trị trong những bản hợp đồng khổng lồ đã ký với Woods và McIlroy.
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần