Khi nghệ sĩ xiếc bỏ tiền tỷ làm live show
(Thethaovanhoa.vn) - Tối 3/11, live show xiếc Anh Em – Sức mạnh đôi tay của 2 nghệ sĩ Giang Quốc Cơ – Giang Quốc Nghiệp đã ghi vào lịch sử của ngành xiếc Việt Nam một dấu ấn: Lần đầu tiên có một show xiếc do chính nghệ sĩ tổ chức cho riêng mình.
Với 2 người nghệ sĩ mà việc biểu diễn trên sân khấu quốc tế chiếm đa số thời gian như Cơ và Nghiệp, việc làm live show lại để… tìm kiếm cơ hội ở chính quê hương mình.Ai có 2 tỷ để làm show xiếc?
Nếu như live show đã trở thành cơm bữa của các ngôi sao ca nhạc thì với nghệ sĩ xiếc, đó là một khái niệm còn quá xa lạ và cả xa xỉ. Và xin khẳng định luôn, nếu không phải là Quốc Cơ – Quốc Nghiệp, những nghệ sĩ có tiếng tăm, thành tựu đủ để kiếm tiền từ việc biểu diễn ở khắp 5 châu với những hợp đồng dài hạn, thì chẳng nghệ sĩ xiếc nào tự bỏ tiền làm show riêng như vậy.
Con số 2 tỷ không là gì với một show ca nhạc thì với show xiếc, giá trị của 2 tỷ cũng như vậy. Live show Anh em – Sức mạnh đôi tay phải chi các khoản tiền thế này: thuê một phòng tập rộng hơn 100m2 trong vòng 6 tháng (mỗi ngày chỉ được sử dụng 2 tiếng); cát sê luyện tập và biểu diễn cho 20 diễn viên múa trong gần 1 tháng; tiền lương cho hơn 20 nhân viên hậu đài; tiền làm đạo cụ là những giá sắt được thiết kế riêng cho các tiết mục, đóng bàn gỗ…; tiền may trang phục cho tất cả các diễn viên; tiền thuê nhà hát, âm thanh, ánh sáng; tiền thuê đạo diễn; tiền thuê làm nhạc; tiền truyền thông quảng cáo…
Quốc Cơ – Quốc Nghiệp và động tác “đinh” trong tiết mục "Sức mạnh đôi tay"
Cơ và Nghiệp đã huy động hết sức từ gia đình, vợ con, bạn bè cho show diễn này. Ngoài việc vét sạch số vốn liếng 2 anh em dành dụm được sau mười mấy năm biểu diễn ở nước ngoài, họ còn phải bán chiếc moto Shadow 750cm3 yêu quý – kỷ vật 2 anh em chắt chiu sắm được sau nhiều năm mơ ước. Dù rằng, Cơ và Nghiệp cũng có thêm một số tiền tài trợ nhỏ của một công ty bất động sản.
Nhà hát TP.HCM có chưa đầy 500 ghế, thì gần 300 vé Cơ – Nghiệp dùng để… tặng. Còn lại xấp xỉ 200 vé, dù họ có bán cả số đó với mệnh giá cao nhất là 3 triệu (hạng đắt nhất) thì cũng chỉ thu về giỏi lắm là 600 triệu đồng.Nhưng thực tế là vé tặng toàn là vé hạng cao. Vé bán chỉ có mệnh giá 500 ngàn đến 1,5 triệu đồng.
Cơ - Nghiệp đã rất tâm huyết với show diễn này. Cao hơn mục đích kỷ niệm 20 năm làm nghề, 10 năm thành công với tiết mục Sức mạnh đôi tay, họ đang muốn tìm cơ hội cho chính mình trên sân nhà. Họ muốn có nhà đầu tư để xây dựng nhiều vở xiếc dựa trên những tiết mục đinh của anh em họ và biểu diễn ở Việt Nam. Giống như xiếc Làng tôi, À ố show – những vở xiếc hấp dẫn nhưng với họ thì kỹ thuật xiếc không phải là “nhân vật chính”.
Cơ - Nghiệp là để… “xuất khẩu”
Ngành xiếc Việt Nam dù có lịch sử gần một thế kỷ, kể từ khi NSND Tạ Duy Hiển thành lập gánh xiếc đầu tiên vào năm 1922, thì cũng vẫn non trẻ so với thế giới. Nhưng, không phải xiếc Việt thiếu những tiết mục mà thế giới có. Trái lại, chúng ta có đầy đủ các chi, nhánh của xiếc – những thứ nghệ thuật đang được trình diễn khắp thế giới hiện nay. Trình độ, kỹ thuật của nghệ sĩ xiếc Việt Nam cũng có bản sắc đủ để họ được mời lưu diễn ở nhiều nước.
Dù vậy, các buổi biểu diễn xiếc Việt dường như chỉ hấp dẫn ở mức độ rất vừa phải với khán giả ở độ tuổi nhi đồng. Hoạt động của các đoàn xiếc nếu không cầm chừng thì cũng rất úi xùi trên những sân khấu sơ sài, lạc hậu, không có một chút gì thuộc về “công nghệ biểu diễn” để thu hút người xem.
Và một điều ít ai ngờ, hoạt động quan trọng của các đoàn xiếc lại là… ký hợp đồng để diễn viên của mình đi biểu diễn ở nước ngoài và ăn chia phần trăm theo thu nhập của các diễn viên từ những hợp đồng đó! Và Việt Nam đang là nguồn “xuất khẩu” các nghệ sĩ xiếc đi khắp năm châu.
Giang Quốc Cơ – Giang Quốc Nghiệp là hai trong số hàng trăm nghệ sĩ xiếc Việt thường xuyên biểu diễn ở nước ngoài kể từ khi họ bước chân vào nghề đến nay. Nằm trong quân số của Đoàn Xiếc TP.HCM 20 năm, từ năm 1996, nhưng số lượng buổi diễn mà hai anh em họ thực hiện cùng Đoàn tại Việt Nam chỉ chiếm số lượng rất nhỏ. Họ chủ yếu hành nghề ở nước ngoài, thậm chí mỗi năm họ chỉ có mặt ở Việt Nam nhiều nhất là 2 tháng.
Chỉ riêng với tiết mục Sức mạnh đôi tay, Quốc Cơ – Quốc Nghiệp đã chinh chiến khắp thế giới trong 10 năm trở lại đây, giành được 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và rất nhiều giải thưởng tại các kỳ liên hoan xiếc quốc tế. Họ có đơn vị đại diện (agency) ở khắp nơi và các hợp đồng biểu diễn cứ xếp hàng quanh năm ngày tháng.
Như trên đã nói, Cơ – Nghiệp làm live show với mong muốn được biểu diễn trên sân khấu trong nước nhiều hơn, dù họ thừa khả năng bán cả vở xiếc cho các agency nước ngoài. Và hơn thế nữa, họ mong rằng xiếc Việt Nam sẽ thoát khỏi sự chán chường, tẻ nhạt lâu nay.
Nhưng chỉ với một show diễn, với chỉ cá nhân anh em Cơ – Nghiệp, liệu xiếc Việt có thay đổi?
Nghe đâu, trong một thời gian dài, Cơ – Nghiệp phải trích 40% tổng số tiền của mỗi hợp đồng “xuất khẩu lao động” của họ cho Đoàn Xiếc TP.HCM. Sau đó họ đấu tranh để được giảm số tiền phải nộp xuống cho phù hợp với công sức lao động của mình. Con số 20% là thoả thuận cuối cùng họ đạt được với Đoàn Xiếc TP.HCM sau khi… đệ đơn xin thôi việc! |
Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa