Khi nào Việt Nam mới vô địch Đông Nam Á?
(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá Việt Nam đang ở đâu trong một thế giới thay đổi mạnh mẽ mà sự thu hẹp khoảng cách về trình độ xảy ra ở từng trận đấu.
Brazil thua đau trước Colombia. Argentina chật vật thắng Uruguay. Các trận đấu của hai đội bóng lừng dành này với các đối thủ Nam Mĩ khác giờ thường chỉ chênh lệch 1 bàn, hoặc là hòa.
Nhưng Nam Mĩ không phải là khu vực nóng nhất của sự dịch chuyển. Mà là Đông Nam Á và châu Á, nơi đang thi đấu vòng loại World Cup 2018 cũng đồng thời là vòng loại Asian Cup 2019.
Philippines sau khi hạ đo ván Bahrain trên sân nhà đã quật ngã Yemen trên sân đối phương, cùng được 6 điểm và chỉ đứng sau Triều Tiên do kém hơn hiệu số ở một bảng đấu còn có cả Uzbekistan.
Singapore đã cầm hòa Nhật Bản 0-0 ngay ở Tokyo, trở thành đội bóng Đông Nam Á đầu tiên cưa điểm được với đại gia châu Á này trên sân của họ.
Bóng đá Thái Lan (trái) vẫn trên bóng đá Việt Nam một bậc?
Timor Leste sau khi cầm hòa Malaysia đã chỉ thua trước UAE, quốc gia có đội Olympic từng thắng Olympic Việt Nam 3-1 ở Asian Games 2014.
Guam, đội bóng từng thua Việt Nam 0-11, nay đã thắng Ấn Độ và Turkmenistan, một đội bóng Trung Á và từng là khách mời thường xuyên của bóng đá Việt Nam ở những giải tứ hùng.
Còn Việt Nam, chúng ta đã có một Asian Games 2014 đầy bất ngờ khi đánh bại Olympic Iran, rồi mới đây qua hai trận giao hữu đều hòa với U23 Hàn Quốc và tuyển quốc gia Triều Tiên.
Nhưng Việt Nam gần nhất đã thua Thái Lan 0-1 ở vòng loại World Cup và thất bại ở bán kết SEA Games trước U23 Myanmar.
Lý do để tạo nên sự thay đổi của các đội bóng chiếu dưới ở Đông Nam Á và châu Á có thể là chính sách nhập tịch, thu hút kiều bào. Philippines giờ như một đội tuyển tập hợp các cầu thủ gốc Brazil, Tây Ban Nha và Hà Lan. Guam là một đội bóng nói tiếng Bồ Đào Nha là chủ yếu (vì trở về từ Brazil). Nhưng Singapore đã không còn cần các cầu thủ nhập tịch nữa. Họ chỉ có một đặc điểm nổi bật, là không có các cầu thủ gốc Hoa mà chủ yếu là người Singapore gốc Ấn và Mã.
Nếu như có một quy luật tiềm năng phát triển thành tài năng và kết quả ở đội trẻ dự báo tương đối chính xác cho đội tuyển lớn thì có thể chúng ta sẽ không thể vô địch AFF cho tới ít nhất năm 2022.
Vì Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 là một lứa cầu thủ gồm nhiều người trong số họ đã cho thấy những tiềm năng lớn ở SEA Games 2003, đã lọt vào tới chung kết, đã đấu với U23 Thái Lan hai trận (hòa 1-1 vòng bảng, thua 1-2 chung kết). Sự chênh lệch của thế hệ ấy với thế hệ cùng thời của Thái Lan là rất ít.
Còn lứa cầu thủ U23 Việt Nam ở SEA Games 2015 này cũng không đến nỗi nào, nhưng rõ ràng có một khoảng cách nhất định với U23 Thái Lan cả về kỹ lẫn chiến thuật.
Sẽ có những yếu tố mới xuất hiện, kiểu như Tấn Tài, Quang Thanh hay bổ sung từ các lứa trẻ xuất hiện sau đây kiểu Vũ Phong, Thành Lương năm 2008, nhưng nòng cốt vẫn là Như Thành, Hồng Sơn, Tài Em, Minh Phương, Công Vinh.
Không lẽ đội tuyển Việt Nam trong tương lai chỉ biết trông đợi vào điều thần kỳ?
Quý vị độc giả có thể chia sẻ, tranh luận cùng nhà báo Phạm Tấn ở phần comment (bình luận) dưới đây. Bài tranh luận này sẽ được đăng tải trên TT&VH thứ Hai tới, ngày 22/6. |
Phạm Tấn