Khi Cò 'thả câu'
(Thethaovanhoa.vn) - Hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang vào mùa chuyển nhượng giữa mùa. Đây là giai đoạn nhạy cảm, trong việc giữ quân và tuyển quân. Vẫn có câu "đục nước, béo cò" từ không ít thành phần liên quan.
Quế Ngọc Hải vẫn còn hợp đồng với Viettel, Nguyên Mạnh cũng vậy, đấy là chưa kể Xuân Mạnh, Phan Văn Đức ở SLNA, nhưng gần như chắc chắn (dù là tin đồn), hết thảy sẽ là người của CLB TP.HCM ở mùa giải năm sau.
Thực ra về điều khoản hợp đồng và hợp đồng ghi nhớ, người ngoài không thể biết được, đó là đương nhiên. Hợp đồng ghi nhớ vốn không có giá trị pháp lý, nên không tính, dù nó quy định phần lớn giá trị thật liên quan đến lót tay - phí ký hợp đồng, nó không liên quan đến thuế thu nhập cá nhân. Cũng giống như buôn bán nhà - đất vậy. Nhưng với hợp đồng lao động dành cho cầu thủ chuyên nghiệp, thì phải tuân thủ về luật, trong đó có Luật lao động.
Rafaelson đã và đang chơi rất hay ở SHB Đà Nẵng, nhưng chính vì những nhũng nhiễu không theo luật, mà tiền đạo người Brazil xao nhãng, dẫn đến mất tập trung và phong độ không đảm bảo. Cựu HLV Lê Huỳnh Đức đã rất không hài lòng về điều này. Song, ngay cả ông Đức cũng không làm gì được. Những người đã và đang làm việc với CLB TP.HCM, ra sản phẩm, chính là đã tác động tới Rafaelson.
Để người viết kể cho bạn đọc nghe về những câu chuyện trong quá khứ. Năm 2007, bộ tứ cầu thủ người Khánh Hòa "vượt" ra Ninh Bình, hoàn toàn hợp lệ. Nó tựa như Bosman của bóng đá thế giới vậy. Nhưng, cuộc đào thoát sẽ không bao giờ thành, nếu không có bàn tay của "cò" Đại, tức ông Trần Tiến Đại.
Đó là một cuộc cách mạng cho chuyển nhượng cầu thủ chuyên nghiệp ở Việt Nam. Mặc dù vậy, cò Đại đã mang rất nhiều điều tiếng sau đó.
Khánh Hòa tiếp tục bị chảy máu nhân tài các năm sau đó, bởi lối tư duy cũ, không theo kịp thời đại. Đội trưởng Duy Nam ra Hà Nội T&T, Quang Hải vào Navibank Sài Gòn, Tấn Tài sau năm 2012 thì không nói làm gì, khi đội bóng đã mất tên. Cùng với Khánh Hòa, các địa phương giàu truyền thống bóng đá như Đồng Tháp, Nghệ An, Nam Định cũng chịu chung cái kết, bao lần trải qua các cuộc tháo chạy của những trụ cột. Sự nghiệp cầu thủ ngắn lắm luôn, theo suy nghĩ của họ, nên phải kiếm càng nhiều càng tốt.
Nam Định từng rớt xuống giải hạng Nhì, điều tương tự như Đồng Tháp lúc này. Còn SLNA đang đội sổ ở LS V-League 1 năm nay, là vì lý do gì?!
Bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, cứ phải nước đến chân mới nhảy. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Lối quản lý và làm bóng đá kiểu cũ, thực là không hợp thời nữa.
Trên thực tế, môi giới, đại diện hay nói thẳng ra là cò, là một phần không thể thiếu của cơ chế bóng đá chuyên nghiệp. Nó cũng giống như các Hiệp hội cầu thủ hay HLV chuyên nghiệp vậy, nhằm đảm bảo một cuộc chơi công bằng hơn trong bóng đá. Nhưng ở Việt Nam, vốn dĩ người ta thích làm những chuyện ngược đời, bao gồm cả địa hạt bóng đá. Đội ngũ này hay bị khinh thường, và vì bị khinh thường, nên họ phải tìm cách lách luật.
Tại Việt Nam, không một nhà môi giới nào có chứng chỉ FIFA Agent, từ nhiều năm qua. Đó cũng là một bất cập.
Đi đêm hay tiếp xúc với cầu thủ sai luật, là chuyện rất thường xuyên, chính thức hoặc không chính thức. Nó diễn ra nhiều hơn ở các kỳ chuyển nhượng trước và giữa mùa giải. Ai cũng có thể "vào việc", miễn có lợi. Họ không tuân thủ luật, không tuân thủ cuộc chơi. Cần phải có bộ phận quản lý giới cò, bằng không sẽ loạn.
Rút ruột một đội bóng, bằng việc lôi kéo các trụ cột - ngôi sao, để làm lợi cho mình bằng mấy đồng môi giới, đấy là một việc làm thiếu nhân tính. Đừng nghĩ rằng người khác không biết, và cũng đừng nghĩ rằng, tiền phế cho các bên là tất cả.
CCKM