Khi CLB Việt Nam là... 'khách quen' của FIFA!
Ngày 10/8, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã gửi công văn đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thông báo về lệnh cấm đăng ký cầu thủ mới ở CLB Khánh Hòa, liên quan đến vụ việc tranh chấp tài chính với ngoại binh Mamadou Guirassy. Theo thông báo của FIFA, CLB Khánh Hòa có nghĩa vụ thanh toán cho Guirassy 26.000 USD (khoảng 650 triệu đồng) tiền bồi thường phá vỡ hợp đồng được xác định không có lý do chính đáng (kèm lãi suất 5%). Theo yêu cầu của FIFA, VFF cùng CLB Khánh Hòa buộc phải thực hiện nội dung thông báo này.
Thực ra thì CLB Khánh Hòa không phải đội bóng Việt Nam đầu tiên bị FIFA xử thua khi một cầu thủ hoặc HLV ngoại khởi kiện. Lịch sử bóng đá Việt Nam khoảng 25 năm qua, không hề thiếu những viện dẫn về việc kiện tụng và rất thường xuyên, người sử dụng lao động (tức CLB) thường thua kiện.
Giữa năm 2020, HLV Fabio Lopez khởi kiện CLB Thanh Hóa lên FIFA, sau khi HLV người Italy bị đơn phương chấm dứt hợp đồng và không được trả đầy đủ tiền đền bù. HLV Lopez dẫn dắt Thanh Hóa 3 trận ở V-League và 1 trận ở Cúp quốc gia 2020, nhưng không giành được chiến thắng nào và bị sa thải. Sau khi về nước, ông Lopez kiện CLB Thanh Hóa và được FIFA xử thắng. HLV Lopez được đền bù 200.000 USD (khoảng 4,8 tỉ đồng).
Nhìn rộng ra, CLB Thanh Hóa từng trải qua 4 lần bị FIFA xử thua kiện liên quan đến tranh chấp hợp đồng với các cầu thủ, HLV ngoại, phải nộp phạt số tiền 11 tỉ đồng. Hay trước đây, CLB Hải Phòng từng thua kiện tiền đạo Errol Stevens, phải đền bù hàng trăm nghìn USD vì nợ lương. Thống kê cho thấy các cầu thủ ngoại có tỷ lệ thắng kiện rất cao khi khiếu nại vấn đề hợp đồng liên quan đến CLB Việt Nam lên FIFA.
Như vậy, rất nhiều năm qua, bóng đá Việt Nam đã phải mất tiền tỉ trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng và đền bù hợp đồng sau thanh lý. Nhưng dường như, những bài học nhãn tiền vẫn không khiến các CLB sau đó tránh khỏi vết xe đổ. Các đội bóng thường được quản lý, điều hành và xử lý các vấn đề theo kiểu "ao làng" chứ không theo quy chuẩn của FIFA nên mỗi khi bị kiện tụng là y như rằng bóng đá Việt Nam đều bị xử thua.
Sau gần 25 năm tiến lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. VFF, VPF cũng có những thay đổi để dần bắt kịp xu thế chung của thế giới. Các CLB Việt Nam cũng từng bước hội nhập, có mặt, thậm chí chơi tốt ở các giải khu vực và châu lục. Song, từng đó là chưa đủ khi nhiều CLB vẫn phải trả giá trong các cuộc chiến pháp lý. Điều đáng quan tâm nhất qua những vụ việc như thế đã phản ánh rõ nét rằng tính chuyên nghiệp của các CLB ở Việt Nam không tăng lên theo thời gian, nếu không nói là ngày càng xa với tiêu chuẩn quốc tế.
Mong rằng các CLB bóng đá Việt Nam phải nhanh chóng tiếp cận, cập nhật, nắm bắt luật thế giới và nên có công ty tư vấn luật riêng, để không phải trở thành "khách quen" trong những vụ kiện tụng lên FIFA như đã từng có.