Khi cải lương ra… sân vận động
Trong tháng 8 này, Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đã lưu diễn liên tục qua nhiều tỉnh miền Trung.
Địa điểm trình diễn không phải là nhà hát mà là sân vận động, với nhiều suất diễn thu hút hàng chục ngàn khán giả. Nhìn qua số lượng khán giả đến ủng hộ đông đảo ngoài sức tưởng tượng ấy, nhiều người cho rằng đây là một thị trường vô cùng hấp dẫn của bộ môn nghệ thuật dân tộc.
Thế nhưng, người trong cuộc vẫn cho rằng không biết bao lâu nữa các đoàn cải lương mới có thể bán vé tại thị phần tỉnh lẻ. Đơn giản, chuyến lưu diễn của đoàn Huỳnh Long là… hoàn toàn miễn phí.
Chuyến lưu diễn “có một không hai”
Được biết, chuyến lưu diễn của Đoàn Nghệ thuật Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đợt này có sự tham gia của một lực lượng nghệ sĩ hùng hậu gồm NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Hoài Linh, NSƯT Hữu Quốc, Bình Tinh, danh ca Ngọc Sơn và nhiều ngôi sao trẻ khác.
Nhìn vào đội hình nghệ sĩ này, tính riêng tiền lương đã là con số mà trong bối cảnh hiện tại khó bầu show nào trả nổi với một chuyến lưu diễn dài ngày. Kế đến là chi phí đi lại, ăn ở, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng.
Sở dĩ Huỳnh Long có thể thực hiện chuyến lưu diễn “có một không hai” này là nhờ một nguồn tài trợ dồi dào của một Mạnh Thường Quân xin được giấu danh tính. Được biết, sau chuyến lưu diễn miền Trung, đoàn sẽ tiếp nối bằng chuyến lưu diễn miền Tây vào dịp cuối năm.
Nghệ sĩ Bình Tinh chia sẻ: “Đã lâu rồi chúng tôi mới có dịp được diễn lại tại tỉnh lẻ ở sàn diễn là sân vận động với số lượng khán giả đông đúc đến vậy. Có những hôm trời mưa, khán giả vẫn ở lại xem chúng tôi diễn tới cuối cùng. Đêm diễn kết thúc, khán giả vây quanh chúng tôi hỏi thăm và xin chữ ký. Rất hạnh phúc. Tôi nhận ra rằng khán giả ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam còn rất yêu cải lương, và chúng tôi rất muốn được tiếp tục sống trong bầu không khí ấm áp như thế”.
“Tôi biết ơn nhà tài trợ đã cho chúng tôi cơ hội này. Nếu không, chẳng biết đến bao giờ chúng tôi mới có thể gặp gỡ, và diễn phục vụ bà con khán giả ở tỉnh nhỏ. Bởi vì, như mọi người đều biết, ngay tại TP.HCM,nơi có mức sống cao nhất nước, các đoàn cải lương đang gặp khó khăn, bán vé trầy trật từng suất diễn”- anh nói thêm - “Riêng đoàn Huỳnh Long nhờ Tổ thương nên gần đây suất nào cũng đầy rạp. Nhưng dù vậy, chúng tôi cũng vừa mức thu bù chi chứ chưa có lãi nhiều. Bởi thế, chúng tôi không đủ kinh phí để tổ chức lưu diễn về các tỉnh nhỏ trong điều kiện rất ít bà con có khả năng mua vé”.
Thời lưu diễn đã xa
Theo soạn giả Hoàng Song Việt, thời các đoàn cải lương Sài Gòn đi lưu diễn dài ngày ở miền Trung, miền Bắc hay miền Tây đã qua rất lâu rồi. Thậm chí các đoàn ca nhạc tạp kỹ cũng đã không còn thực hiện lưu diễn. Lý do, ngày xưa điều kiện giải trí còn ít ỏi, khán giả hiếm khi được gặp nghệ sĩ trực tiếp tại sân khấu lẫn gián tiếp qua truyền hình, thế nên mỗi lần đoàn cải lương về đến một xã, một huyện nào đó là một sự kiện gây háo hức trong công chúng. Người ta có thể trích ra một phần tiền dành dụm để mua vé xem như kiểu tranh thủ một lần hiếm hoi trong đời được chiêm ngưỡng thần tượng.
Ngày ấy, có đoàn tổ chức diễn một tuồngtrong một đêm, ở hai địa điểm cách nhau tầm 20 km. Ví dụ như ở phần 1, danh ca Lệ Thủy hát ở địa điểm A, thì sau khi hết vai bà sẽ được đưa qua địa điểm B hát phần hai ở tuồng khác. Các bầu show sắp xếp lịch diễn dày đặcnhưng hợp lý để có thể diễn nhiều suất liên tục qua các tỉnh lân cận nhau. Chỉ có như thế, tiền bán vé mới có thể bù vào chi phí.
Còn ngày nay, với người dân miền quê đa phần có thu nhập thấp, rất khó thuyết phục họ mua vé ra rạp xem cải lương. Bởi họ có thể nằm nhà mở YouTube, truyền hình xem rất nhiều chương trình giải trí khác nhau, với nhiều diễn viên tên tuổi họ yêu thích. Nếu hy vọng vào tỷ lệ nhỏ những người dân tỉnh lẻ có khả năng mua vé, thì các đoàn sẽ lỗ nặng.
- Sân khấu đình thần ở TP.HCM: Bất ngờ với cải lương tuồng cổ ở nơi 'đất thánh'
- Lay lắt nghề may phục trang cải lương tuồng cổ
- Cuộc trùng phùng của đại gia đình cải lương tuồng cổ
Thực tế, xuyên suốt nhiều năm nay, việc phục vụ bà con vùng sâu vùng xa do các đoàn cải lương công lập thực hiện. Đoàn của tỉnh nào diễn cho tỉnh đó xem. Tất cả đều là diễn miễn phí, nhưng không phải lúc nào khán giả cũng đông, bởi vì, tuồng tích không hợp gu thưởng thức và không có nhiều ngôi sao thần tượng. Ngay cả những đoàn tư nhân như Đại Việt với dàn diễn viên đông người hâm mộ, thỉnh thoảng, vẫn được mời đi hát trong một lễ hội nghệ thuật nào đó tại các tỉnh miền Bắc. Tại đó, họ cũng được khán giả ủng hộ. Nhưng các cơ hội ấy vô cùng hiếm hoi.
Và vì thế, cuối cùng họ vẫn trở lại với mảnh đất Sài Gòn, trăn trở và sáng tạo, và lao động bền bỉ để hy vọng mỗi suất diễn sẽ đầy rạp. Chỉ cần như vậy, họ đã có chút động lực bước tiếp. Còn những nghệ sĩ rành công nghệ có thể thu video clip phát trên kênh YouTube cá nhân, hoặc được mời tham gia các chương trình cải lương truyền hình. Đó là cách khả thi nhất họ tiếp cận được khán giả tỉnh lẻ. Còn việc mang bầu đoàn với nguyên vẹn ý nghĩa cơm ghe bè bạn, đi hát rày đây mai đó như ngày xưa, chắc chẳng mấy chốc sẽ rã gánh vì cơm áo.
Niềm vui của Hoài Linh Xem ra, cái được lớn nhất của chuyến lưu diễn miền Trung vừa qua của đoàn Huỳnh Long là tình cảm khán giả dành cho NSƯT Hoài Linh. Sau những biến cố vừa qua, nhiều khán giả tại miền Trung quê hương anh vẫn dành cho Hoài Linh tình cảm ấm áp. Và sắp tới sẽ là thước đo tình cảm khán giả miền Tây. Dường như Hoài Linh vẫn còn nặng nợ với nghề, với tổ nghiệp, bởi anh vẫn còn khát khao được hát, hát trong niềm vui sướng ngay khi không còn vị trí là ngôi sao hàng đầu. |
Nguyễn Huy