Khi các bậc phụ huynh góp phần cứu vãn cả 1 cuộc hôn nhân của con cái, lời dạy thấm từng chữ
Có thể thấy, tình yêu, hôn nhân trong từng phim đều mang màu sắc khác nhau, những vết nứt và cách giải quyết cũng khác nhau.
Những bộ phim Việt chiếu khung giờ vàng gần đây chiếm được tình cảm của rất nhiều khán giả. Nội dung nhân văn, những câu chuyện rất đời cùng cách truyền tải đầy cảm xúc của dàn diễn viên gạo cội khiến người ta như được thấy chính mình trong đó.
Dưới bóng cây hạnh phúc, Đừng nói khi yêu, Gia đình mình vui bất thình lình là những bộ phim đạt rating cao trong thời gian gần đây. Có thể thấy, tình yêu, hôn nhân trong từng phim đều mang màu sắc khác nhau, những vết nứt và cách giải quyết cũng khác nhau. Song chúng đều có 1 điểm chung là cái kết đoàn tụ, viên mãn nhờ tình yêu và sự bao dung.
Lành làm gáo, vỡ làm muôi, lôi thôi ly dị
Trong Dưới bóng cây hạnh phúc, có lẽ khán giả ấn tượng sâu sắc với nhân vật bố đẻ Son. Tuy ông xuất hiện không nhiều nhưng mỗi câu ông dạy con lại là điểm nhấn, thấm thía và rất thực tế.
Son làm dâu trong một gia đình toàn đàn ông: bố chồng khó tính, xét nét, chồng gia trưởng, em chồng thì bất tài vô dụng lại sĩ diện hão. Mọi việc đổ hết lên đầu cô nhưng không ai công nhận sự cố gắng của Son. Nhiều lần bị mắng chửi, bị tổn thương Son muốn buông bỏ thì lại được mẹ đẻ động viên hàn gắn.
Cho đến khi bố Son lên tiếng: “Cả nhà nó phải xin lỗi con gái tôi. Con cứ ở đây với bố mẹ, chừng nào mà nhà họ chưa xin lỗi, không về. Lành làm gáo, vỡ làm muôi, lôi thôi ly dị”.
Không ngoa khi nói bố Son có công rất lớn cứu vãn cuộc hôn nhân của con gái theo 1 quy trình chuẩn xác đến từng chi tiết.
Đầu tiên ông “dằn mặt” con rể: “Anh dám đánh con gái tôi à, giờ này anh xuất hiện trước mặt tôi thì anh nhừ đòn… Anh có còn là người nữa không? Anh nghĩ anh muốn gì được nấy à, không có đâu”.
Sau khi thấy con rể đã thật tâm muốn sửa đổi, ông khuyên bảo: “Bố xin lỗi anh, bố có to tiếng quát mắng anh. Nếu không sống được với nhau nữa để bố đón cái Son về… Bố mà là cái Son bố sẽ bỏ anh nhưng rất tiếc bố không phải là nó. Thực ra nếu bố là mẹ cái Son bố cũng không chọn 1 người chồng như bố đâu… Tại sao cứ phải lấy chồng mang nợ vào thân nhỉ? Đừng ngọt ngào tử tế với người ngoài rồi để người thương yêu mình phải tủi thân”.
Lời nói ngắn gọn, vừa mềm vừa rắn, vừa mở đường lại vừa cảnh cáo nhẹ nhàng, ông bố vợ này thực sự khiến chàng rể tâm phục khẩu phục.
Yêu nhau không khó, yêu bao lâu, bao xa mới là điều cần nỗ lực cả đời
Trong Đừng nói khi yêu, chuyện tình cảm của Ly – Quy sóng gió do mẹ Quy cho rằng nhà Ly không môn đăng hộ đối. Sau khi Ly bị sỉ nhục, bà Phượng đã đích thân đến gặp thông gia tương lai để đòi lại công bằng cho con mình. Nhưng về thấy bản thân có chút nóng vội, khiến con gái càng thêm mệt mỏi bà không ngần ngại xuống nước: “Tại mẹ, mẹ thiển cận, ngu dốt cứ mong con yên ổn nên đẩy con đến với nó”.
Sau đó bà vẫn răn dạy con 1 cách cương quyết: “Lần sau làm cái gì thì nghĩ cho kĩ. Việc của con mẹ không quyết định thay con được. Mẹ đã gặp mẹ nó, người không biết lý lẽ như thế con làm dâu cũng không sống được đâu, nên dứt khoát sớm đi. Con phải biết là nếu con đau 1 thì không phải bố mẹ chỉ đau 1 nửa thôi đâu”.
Còn ông Long - bố Ly lại cho con lời khuyên 1 cách nhẹ nhàng hơn: “Tự trọng và tự ái là một ranh giới rất mong manh. Tự trọng thì cần thiết còn tự ái chỉ khiến người ta thụt lùi. Bố mẹ đã sống với nhau 30 năm, để có được như hôm nay bố mẹ đã cãi nhau như mổ trâu mổ bò, đến khi qua cơn nóng giận mới thấy ân hận vì đã làm tổn thương người mình yêu nhất từ tính ích kỷ nhỏ nhoi của bản thân mình. Cho nên nếu các con yêu nhau, có gì khúc mắc gặp nhau thẳng thắn trao đổi cùng nhau gỡ rối… Yêu nhau không khó, nhưng yêu nhau bao lâu đi với nhau bao xa là điều cần nỗ lực phấn đấu cả đời đấy con ạ”.
Con gái phải có giá trong mắt đàn ông
Cùng chung hoàn cảnh là sự khác biệt gia thế, bà Ngọc (mẹ Trâm Anh) trong Gia đình mình vui bất thình lình không dùng cách tiêu cực, độc đoán như bà Thảo (Đừng nói lời yêu). Sau khi thấy nhà thông gia hơi phức tạp, bà chỉ khuyên: “Có yêu thì để trong lòng không được nói ra. Với đàn ông ấy phải giơ thật cao và đánh thật đau. Trong lòng con có tha thứ cho nó rồi cũng phải để nó biết ‘việc này tôi không thể cho qua đâu’. Con buồn 1 thì phải tỏ cho nó mình buồn 10”.
Thấy con rể thành tâm thành ý, bà Ngọc dạy các con: “2 đứa hãy nhớ những lời nói hôm nay. Hôn nhân là thứ bước vào là niềm vui và bước ra bằng đau khổ. Nếu đã cương quyết bước vào rồi thì hãy cố mà thương yêu nhau”.
Dù mỗi ông bố bà mẹ sẽ có những quan điểm riêng nhưng đều xuất phát từ lòng yêu thương con vô bờ bến. Đừng nghĩ thế hệ trước họ cổ hủ, chọn nhún nhường và cam chịu, chỉ thích “sửa” chứ không bao giờ nghĩ đến “vứt đi”.
Cả tình yêu và hôn nhân đều cần trách nhiệm và sự kiên nhẫn, không chỉ “nhẫn” với đối phương mà học cách nhẫn trong chính lòng mình. Hãy cố gắng sửa chữa khi còn có thể và cũng dứt khoát buông bỏ nếu nó thật sự không còn xứng đáng.