Khi bom nguyên tử xới tung văn hóa đại chúng
(Thethaovanhoa.vn) - Khi sáng tạo và sử dụng bom nguyên tử, con người đã không chỉ thay đổi cách thức chúng ta tiến hành chiến tranh. Thứ vũ khí chết chóc ấy còn gây ảnh hưởng khổng lồ tới phim ảnh, truyền hình, âm nhạc và văn chương, khi các nghệ sĩ dùng nhiều phương thức sáng tạo khác nhau, để thể hiện phản ứng của họ với khả năng của vũ khí nguyên tử.
Nhà văn Anh H.G. Wells là người đầu tiên thai nghén ý tưởng về bom nguyên tử và thậm chí còn đặt cho nó cái tên "vũ khí nguyên tử", trong cuốn tiểu thuyết The World Set Free (1914).
Cảm hứng từ sức mạnh khủng khiếp
Wells hình dung ra một quả lựu đạn có nguyên liệu uranium, với khả "nổ mãi không ngừng". Ông có thể đã hình dung sai về kích cỡ và hình dáng vũ khí nguyên tử. Nhưng chỉ hơn 30 năm sau, thứ vũ khí này đã trở thành hiện thực, khi ông vẫn còn sống.
Văn hóa đại chúng lập tức bị thu hút bởi sức mạnh khủng khiếp của bom nguyên tử. Tại Nhật Bản, nơi Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki hồi cuối Thế chiến 2, năng lượng hạt nhân được cho là đã tạo ra, hoặc đánh thức, nhiều con quái vật.
Phim Godzilla (1954) còn liên hệ tới một sự kiện thực tế, khi các thủy thủ trên một tàu đánh cá Nhật Bản bị nhiễm phóng xạ, hình thành sau một vụ thử vũ khí hạt nhân trên Thái Bình Dương. Cơn bão lửa đàn phá Tokyo trong bộ phim đó trông giống như hình ảnh trích ra từ phim tài liệu, thay vì là một sản phẩm tưởng tượng.
Hoạt động biến dị do phóng xạ tác động đã nhanh chóng ngấm sâu vào sự tưởng tượng của công chúng và giới nghệ sĩ. Trong tiểu thuyết The Shrinking Man của Richard Matheson, sự đột biến hình thành sau khi nhân vật tiếp xúc với một làn sương phóng xạ trên biển. Biến cố làm nhân vật phải trải qua cuộc sống sợ hãi, khổ sở.
Không giống Nhật Bản, ở nước Mỹ, phóng xạ lại được cho là nguyên nhân giúp tạo ra các siêu anh hùng, thay vì quái vật. Một số chịu tác động rõ ràng, như nhân vật Hulk trong bộ truyện Incredible Hulk (1962), đã thành siêu nhân vì tiếp xúc với tia gamma, hình thành từ một vụ nổ hạt nhân. Ngoài ra còn phải kể tới Người Nhện, đã thành siêu nhân nhờ bị một con nhện nhiễm xạ cắn (trong bộ truyện cùng tên ra mắt năm 1962).
Với bộ truyện The Fantastic Four (1961) 4 nhân vật đã thành siêu nhân nhờ tiếp xúc với tia vũ trụ. Còn truyện X-Men (1963) lại tôn vinh ý tưởng về dị nhân, xem đây là một dạng phong trào cổ súy tự do của thanh niên.
Góc nhìn ảm đạm đan xen với tô hồng
Trong văn chương khoa học viễn tưởng, đặc biệt là ở nước Anh, nơi quả bom nguyên tử thành hình đầu tiên trong sách của Wells, hình ảnh về thứ vũ khí này đã tăm tối ngay từ đầu. Cuốn The Chrysalids (1955) của John Wyndham đã tưởng tượng về sự trở lại của niềm tin mê tín thời trung cổ, sau một cuộc chiến tranh hạt nhân, và một cuộc săn lùng người biến dị, coi họ như phù thủy.
Điện ảnh của Anh cũng nhanh chóng bàn về khía cạnh đạo đức của vũ khí hạt nhân. Trong Seven Days to Noon (1950) một nhà khoa học vũ khí hạt nhân của Anh, do kinh hoảng trước thứ vũ khí khủng khiếp mà anh giúp tạo ra, đã dọa cho nổ một quả bom ở giữa London, nếu chính quyền không ngừng chương trình vũ khí này lại.
Phim The Day The Earth Caught Fire (1954) của Val Guest lại đề cập tới sự đổ vỡ của xã hội và môi trường, khi các cuộc thử nghiệm hạt nhân làm thay đổi trục Trái đất, đẩy con người đối mặt với tình trạng thay đổi khí hậu nhanh chóng.
Cùng thời điểm, quan điểm tích cực về vũ khí hạt nhân cũng tồn tại bên cạnh nỗi sợ. Một số cuốn sách dành cho trẻ em hoặc truyện tranh như Eagle ở Anh, đã ca ngợi tiềm năng công nghệ của vũ khí nguyên tử. Người ta tưởng tượng sức mạnh từ bom nguyên tử có thể được khai thác để giúp xe hơi, tàu vũ trụ hoạt động, thể hiện qua các phim hoạt hình Jetsons hay truyện tranh Dan Dare.
Ngay cả các món đồ phục vụ sinh hoạt hay giải trí cũng nhắc nhở người ta nhớ tới vũ khí hạt nhân. Như các quả bóng hạt nhân màu sáng đã xuất hiện trên rất nhiều thiết kế nội thất hồi giữa thế kỷ 20, gồm móc treo quần áo, đồng hồ, giường, tủ... Rồi còn phải kể tới bikini, bộ đồ tắm hai mảnh với tên được đặt theo một đảo san hô ở Thái Bình Dương, nơi Mỹ thử vũ khí hạt nhân.
Nếu có một hình ảnh quan trọng đã in sâu vào trí tưởng tượng của nhân loại sau khi vũ khí hạt nhân xuất hiện thì đó chính là đám mây hình nấm đặc trưng. Đám mây này đã có mặt trên bìa album The Atomic Count Basie (1958), trở thành một hình ảnh ác mộng đầy ám ảnh, đầy "chất Mỹ" như các biểu tượng Marilyn Monroe hay chai nước ngọt Coca-Cola.
Quả bom đã truyền cảm hứng cho cả một phong trào nghệ thuật ra đời, như nghệ thuật tự hủy của Gustav Metzger, người dùng axít để sáng tạo nghệ thuật. Về phần mình, Jackson Pollock từng nói rằng các bức tranh của ông lấy cảm hứng từ vụ nổ hạt nhân.
Cuối những năm 1960, Tony Price thu gom vật liệu bị vứt bỏ từ phòng nghiên cứu hạt nhân ở Los Alamos để tạo các tác phẩm nghệ thuật của mình. “Phế liệu từ Los Alamos bản thân nó đã là một dạng nghệ thuật thuần khiết, do bạn đang được tiếp xúc với một nguyên tắc hài hòa của vật lý hạt nhân” - ông tuyên bố.
Chỉ bớt sợ từ những năm 1990
Nhiều bộ phim và cuốn sách đã bàn về một thế giới thời hậu tận thế do chiến tranh hạt nhân, đôi khi sạch sẽ và trật tự hơn hẳn thế giới cũ. Có lẽ H.G. Wells phải chịu trách nhiệm vì điều này. Cuốn sách và bộ phim Things To Come của ông đã thiết lập góc nhìn tươi sáng đó. Các tác phẩm khác tập trung nhiều vào nỗ lực sinh tồn trong điều kiện sống khủng khiếp, như trong Mad Max.
Những năm 1970 và 1980, sự lạc quan hình thành vào đầu những năm 1950 đã biến mất. Nỗi sợ về tai nạn hạt nhân và hoạt động che đậy thông tin đã cho ra đời các tác phẩm như The China Syndrome (1979) và Silkwood (1983).
Khi cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô tăng lên, các cơn ác mộng hạt nhân thậm chí còn tiến vào cả hoạt động giải trí của trẻ em. Ví dụ như phim When The Wind Blows nói về một cặp vợ chồng rụng hết răng tóc, sau các vụ nổ bom nguyên tử.
Phải tới năm 1994, nỗi sợ vũ khí hạt nhân mới thực sự giảm xuống. 4 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, James Cameron đã cho nổ một quả bom hạt nhân trong phim True Lies. Lúc ánh chớp của quả bom xuất hiện, Arnold Schwarzenegger và Jamie Lee Curtis vẫn hôn nhau say đắm, như vụ nổ ấy chẳng phải là điều gì đáng bận tâm.
Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa