Khi bánh Trung thu được 'tô màu' văn hóa Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Rằm tháng 8 năm nay, thị trường đang xuất hiện những chiếc bánh Trung thu độc đáo gắn với hình dạng của những bức tranh dân gian Đông Hồ như Đám cưới chuột, Đánh ghen, Hứng dừa... và cả những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Thanh Bình, Mai Trung Thứ...
Dù được họa lại trên bánh, nhưng màu sắc và đường nét của những bức tranh chép lại rất chân thực, có hồn. Đến mức, ít ai ngờ, chủ nhân của nó không hề được đào tạo về mỹ thuật.
Cho bánh Trung thu “mặc áo mới”
Nguyễn Thị Thùy Dương (sinh năm 1995, quê gốc Tuyên Quang) từng theo học và làm việc trong lĩnh vực ngân hàng trong 3 năm với mức lương 11 triệu đồng/tháng. Có thể đối với một số người, đây được xem là công việc đáng mơ ước, thu nhập ổn. Nhưng đến năm 2020, Dương khiến bố mẹ lo lắng khi bất ngờ “rẽ ngang”, đi theo “tình yêu” bánh trái mà cô đam mê từ thời sinh viên. Với số vốn 20 triệu đồng, Dương khởi nghiệp với một tiệm bánh nhỏ mang tên Dê Xinh cake, ban đầu chuyên làm bánh kem nghệ thuật.
Thùy Dương thường sống ở TP.HCM cùng gia đình. Từ ngày mở tiệm bánh, Dương đi đi về về giữa Hà Nội và TP.HCM, tùy theo từng đơn hàng hoặc học viên đăng ký học lớp làm bánh nghệ thuật. Năm nay, Dương ra Hà Nội vào tháng 7, đúng đợt thành phố đang giãn cách vì Covid-19. Những ngày tự cách ly tại nhà, có nhiều thời gian rảnh hơn, Thùy Dương mày mò thay đổi diện mạo cho loại bánh truyền thống này.
Vốn yêu thích văn hóa cổ truyền, Dương đã nảy ra ý tưởng độc đáo đưa tranh Đông Hồ, tranh dân gian lên bánh Trung thu. Như lời cô, nếu bánh Trung thu có thể kết hợp với điều gì đó gợi nhớ hoài niệm và nét văn hóa cổ thì món quà sẽ có ý nghĩa hơn.
Với ý tưởng này, kèm tay nghề làm bánh và khả năng vẽ, những mẫu bánh Trung thu của Dương ngay khi đưa lên nhóm Yêu bếp trên Facebook (gồm gần 300 nghìn thành viên) đã lập tức “gây bão”. Điển hình, một Facebooker nhận xét: “Thay đổi nguyên liệu, hình thức thể hiện bánh Trung thu thì mấy năm nay nhiều người làm. Nhưng chiếc bánh Trung thu được “khoác chiếc áo” của những tác phẩm nghệ thuật dân gian, đương đại mới thật là đặc biệt! Chiếc bánh tinh tế và được nâng tầm giá trị!”.
Những chiếc bánh hoài cổ
Theo Dương, có 3 bước chính để sáng tạo hoàn chỉnh một chiếc bánh Trung thu như vậy: Nướng bánh, tạo lớp nền và vẽ tranh. Chiếc bánh có trọng lượng 150 gram, được cô làm thủ công với các nhân quen thuộc như thập cẩm, đậu xanh, hạt sen hoặc kết hợp tùy thích. Nền mặt bánh thông thường có màu vàng, rất khó để tạo các đường nét, Dương phát hiện ra đậu xanh và đậu trắng có thể cho ra một lớp nền hoàn hảo, giữ được màu vẽ khi trang trí.
Vẽ trên bánh mềm khó hơn vẽ trên giấy, nên Dương phải căn chỉnh bố cục cẩn thận và hạn chế lỗi. Thùy Dương cho biết, một chiếc bánh đơn giản, ít chi tiết sẽ mất từ 5 - 10 phút để trang trí. Tuy nhiên, đối với những chiếc bánh vẽ lại các bức họa cầu kỳ như tranh Đông Hồ có khi mất cả giờ đồng hồ.
Bộ tranh Dương tâm đắc nhất khi vẽ lên bánh Trung thu là Đám cưới chuột. Ban đầu, cô không biết làm thế nào để khắc họa đầy đủ đám cưới lên mặt chiếc bánh bé xíu. Sau đó, Dương nghĩ ra ý tưởng chia bức tranh thành nhiều phần, thể hiện từng phần nội dung được rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, việc sử dụng màu thực phẩm an toàn được nhập khẩu từ nước ngoài và bí quyết pha màu là những điều quan trọng trong quá trình vẽ lên bánh. Cô gái 9x thiên về sử dụng những màu trầm, hoặc pha thêm màu nâu, màu đen để cho màu sắc được thể hiện “cũ đi một chút”, khiến người nhìn cảm nhận đây là bức tranh cổ, không có cảm giác hiện đại.
Theo Dương, cách lựa chọn các bức tranh mình truyền tải lên bánh do “gu” của mỗi người. Mới đầu, cô cũng lựa chọn những tranh dễ, đơn giản như là tranh hoạt hình, sau đó thử sức với những bức tranh khó hơn. Dương cho biết, cô lựa chọn tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống hay các tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng vì cô mong muốn “đưa được nét vẽ đó lên một dòng bánh truyền thống như là bánh Trung thu thì sẽ đem lại giá trị lớn về văn hóa nghệ thuật Việt Nam”.
Cùng với đó, loạt bánh vẽ về hoạt động của người nông dân, với hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” cũng là những “tác phẩm” Dương yêu thích, vì nó gợi bao kỷ niệm về quê nhà của cô. Thậm chí, Dương còn có biệt tài thể hiện tranh chân dung khá giống tùy theo yêu cầu của khách hàng.
- Mùa Trung Thu đặc biệt
- Hà Nội trưng bày trực tuyến 'Trung thu sum vầy' tại Hoàng thành Thăng Long
- Tết Trung thu ở Việt Nam: Nguồn gốc lịch sử và phong tục truyền thống
Ước mơ “bước ra thế giới”
Thời gian qua, Thùy Dương đã vẽ được khoảng 200 chiếc bánh phiên bản khác nhau. Gây ấn tượng mạnh, những chiếc bánh mang nét “handmade” độc đáo này đang được tiệm bán với giá 250 - 300 ngàn đồng. Dù dịch bệnh khiến việc bán hàng không thuận lợi, nhưng có thời điểm, doanh thu từ bán bánh, dạy làm bánh online giúp cô chủ tiệm có thu nhập 70 triệu đến 80 triệu đồng/tháng.
Nhưng đó không phải là tất cả những gì mà cô gái 9x này nhận về. Tranh dân gian kết hợp cùng bánh Trung thu, 2 yếu tố truyền thống, đậm chất Việt được kết hợp hài hòa, tạo nên sự độc đáo đã nhận được nhiều lời khen, sự ủng hộ. Không chỉ nhiều cơ quan truyền thông trong nước quan tâm đến sản phẩm của Dương, mới đây, một kênh truyền hình Thái Lan (Thai PBS) trong chuyên mục ASEAN connect cũng giới thiệu về những chiếc bánh nghệ thuật của cô.
Và Thùy Dương mơ ước, trong mùa bánh năm sau “tôi mong muốn có thể đưa dòng bánh truyền thống của Việt Nam đến gần hơn với bạn bè châu Á và bạn bè thế giới”.
“Một chiếc bánh không chỉ cần ngon, hợp khẩu vị của người ăn mà còn phải đẹp, mang giá trị thẩm mỹ cao. Các tác phẩm tranh dân gian, tranh nghệ thuật trang trí bánh Trung thu đang đi đúng theo nhu cầu đó”- Thùy Dương chia sẻ. |
Ngân Lượng