'Khát vọng Việt Nam': Top 7 tranh Việt đắt giá nhất 2018
(Thethaovanhoa.vn) - Đỉnh điểm của thị trường mỹ thuật là các phiên đấu giá xa xỉ. Trong năm 2018, tại các phiên đấu giá uy tín trên thế giới, tranh Việt đang ấm dần trở lại, với một số tác phẩm tạo được điểm nhấn, lọt Top 5 về giá bán của phiên. Tranh Việt tiếp tục chinh phục các sàn đấu giá quốc tế, trở thành niềm kiêu hãnh của mỹ thuật Việt Nam.
Ngày 25 và tối 26/5/2018 tại nhà Christie’s Hong Kong (Trung Quốc), tranh lụa của danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) tái xuất, tạo sức hút đáng kể. Bức Enfant à l’oiseau (Em bé cho chim ăn, mực và bột màu trên lụa, 65cm x 50cm, 1931 - với khung gốc của Gadin) bán hơn 853.000 USD (khoảng 19 tỷ VNĐ). Đây là bức trang cao giá nhất của Nguyễn Phan Chánh trên thị trường quốc tế.
Tại phiên đấu giá Modern Art Evening Sale ngày 30/9/2018 của nhà Sotheby’s Hong Kong (Trung Quốc), bức bình phong sơn mài Les Villageois (Dân làng, 6 tấm, 99cm x 198cm, 1939) được cho là của Nguyễn Gia Trí đã bán 782.381 USD (khoảng 17 tỷ VNĐ). Đây cũng là 1 trong 5 bức tranh cao giá nhất của Nguyễn Gia Trí trên thị trường công khai.
Cũng cùng phiên đấu tháng 5 của nhà Christie’s Hong Kong (Trung Quốc), kiệt tác La Marchande de Ôc (Người bán ốc, mực và bột màu trên lụa bồi giấy, 88cm x 65,5cm, 1929) của Nguyễn Phan Chánh bán gần 600.000 USD (khoảng 13 tỷ VNĐ).
Tại nhà đấu giá Aguttes (Pháp) hôm 22/10/2018), bức Tonkinoise à l’éventail (Người Bắc kỳ và quạt, mực nho với màu nước trên lụa, 61,5cm x 43cm, vẽ khoảng 1935-1936) đã tăng giá hơn 550%, bán 440.000 euro (gần 12 tỷ đồng), chưa tính phí gần 30% mà người mua phải chi trả thêm. Đây là tác phẩm cao giá nhất của Nguyễn Nam Sơn trên thị trường giao dịch công khai, cũng là một trong vài tác phẩm đắt giá nhất của tranh Việt trong lịch sử đấu giá quốc tế.
Ngày 26/3/2018 tại nhà đấu giá Aguttes (Pháp), bức tranh lụa Thôn nữ Bắc kỳ (mực nho và màu nước trên lụa, 65cm x 52,5cm, 1935) của Nguyễn Nam Sơn có giá khởi điểm là 35 ngàn euro, kết quả bán 205.000 euro (hơn 5,7 tỷ đồng), tăng gần 600%. Nam Sơn là đồng sáng lập Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhiều thập niên qua tranh của ông khá lặng lẽ trên thị trường, do người sở hữu không giao dịch.
Tại phiên đấu tháng 5 của nhà Christie’s Hong Kong (Trung Quốc), tác phẩm 165° W (vàng lá trên thùng giấy, 91 x 173 cm, 2011) một lần nữa gây choáng váng, khi bán 1.625.000 HKD, tương đương hơn 207 ngàn USD (khoảng 4,5 tỷ VNĐ). Vì sao miếng thùng giấy đơn giản lại đắt giá như thế? Nếu đọc hành trình nghệ thuật của Danh Võ (sinh 1975), một nghệ sĩ sinh ra tại Bà Rịa, lớn lên tại Đan Mạch, thì sẽ hiểu được.
Ngày 9/4/2018, tại nhà đấu giá Art-Valorem (Pháp), bức sơn mài mỹ nghệ Le Bananier (Buồng chuối, 83cm x 122 cm, 1953) của Nguyễn Văn Rô (1921-1997) đã tạo một bất ngờ lớn trong năm 2018. Với mức dự kiến 4.000 đến 6.000 euro, kết quả bán 45.000 euro (khoảng 1,2 tỷ VNĐ).
Vì sao sốc? Hãy nghe nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cắt nghĩa: “Đối với tôi, điều kỳ thú nhất trong thị trường tranh Việt trên sàn quốc tế là sự lên ngôi của tranh sơn mài mỹ nghệ. Các chuyên gia trong nước không thể nào ngờ việc này. Từ trước, họ luôn cho rằng mỹ nghệ và mỹ thuật là hai điều hoàn toàn khác nhau, nên giá trị mỹ nghệ không thể nào đứng ngang hàng với giá trị nghệ thuật được.
Tuy nhiên, từ nhiều cuộc đấu giá lớn tại Pháp vào năm 2018, phải chăng chúng ta nên xét lại vị trí tranh sơn mài mỹ nghệ, dành cho nó một chỗ đứng riêng biệt?”.
Văn Bảy (lược thuật)
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi