Khảo cổ dưới nước không chỉ là “vớt của”
(TT&VH) - Dư luận quá để tâm vào việc trục vớt những kho cổ vật từ lòng biển mà không hiểu đúng những chức năng rất quan trọng của khảo cổ học dưới nước! Đó là ý kiến chung của nhiều chuyên gia khảo cổ khi nhắc tới việc Việt Nam chuẩn bị thành lập bộ môn này.
Bản thân PGS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam, cũng khá dè dặt khi nhắc tới việc đơn vị của ông đang viết đề án xây dựng phòng khảo cổ học dưới nước: “Lộ trình để chúng ta có một chuyên ngành khảo cổ học dưới nước đúng nghĩa sẽ còn dài, rất dài. Trước mắt, nếu được thành lập, phòng nghiệp vụ này cũng chỉ tạm giữ vai trò theo dõi và quản lý các thông tin, tư liệu, dự án… về khảo cổ dưới nước”.Trước khảo cổ “biển” là... khảo cổ “sông”!
“Nghe được tin, có trang web vội vã khẳng định: khảo cổ học Việt Nam năm tới sẽ... tiến ra nghiên cứu biển Đông”. Câu chuyện mà PGS Tống Trung Tín kể tại Hội nghị khảo cổ toàn quốc vừa qua khiến nhiều nhà khoa học phải bật cười. Thực tế cho thấy, ở vào thời điểm này, không chỉ ở biển mà ngay những trường hợp cần khảo sát dưới... lòng sông cũng đặt ra nhiều khó khăn với giới khảo cổ Việt Nam.
Tàu cổ được trục vớt dưới lòng sông Hồng tại Hưng Yên năm 2009
Là một trong những chuyên gia giàu kinh nghiệm về khảo cổ học dưới nước, TS Nguyễn Đình Chiến, Phó GĐ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, đã tham dự hầu hết những cuộc khai quật tàu chở cổ vật tại các vùng biển Hòn Cau, Hòn Dầm, Cù Lao Chàm... trong 20 năm qua. Tuy nhiên, theo phân tích của ông, chưa kể kho cổ vật biển, bản thân hệ thống sông ngòi chằng chịt của Việt Nam đã là một tiềm năng vô tận của ngành khảo cổ dưới nước.
“Không nói đâu xa, các bảo tàng lâu nay vẫn ao ước tìm được vết tích, hiện vật của những trận thủy chiến lớn trong lịch sử. Đó là 3 trận chiến Bạch Đằng, Rạch Gầm – Xoài Mút ở Nam bộ và trận phục kích ở cửa Vân Đồn, nơi Trần Khánh Dư nhấn chìm đoàn thuyền chở lương của Nguyên Mông...
Nhưng đến giờ, ngoài bãi cọc trận Bạch Đằng 1288, chúng ta gần như chưa có một thành quả gì” - TS Nguyễn Đình Chiến nhận định.
Bản thân, bãi cọc Bạch Đằng mà ông Chiến nhắc tới (nằm tại cửa sông Chanh, Quảng Ninh) cũng gây nhiều tranh luận tại Hội nghị khảo cổ học toàn quốc vừa qua. Bên cạnh việc xin xếp hạng Di tích Quốc gia cấp đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh cũng lên kế hoạch tôn tạo bãi cọc này theo mô hình của một điểm thăm quan lịch sử, thậm chí trở thành phần “mở rộng” của quần thể di tích nhà Trần đang nằm rải rác tại Yên Tử, Đông Triều.
Tuy nhiên, qua nhiều lần khảo sát kể từ khi được phát hiện di tích vào năm 1953, giới nghiên cứu vẫn chưa dựng được sa bàn trận đánh, hoặc ít ra là tìm được các vết tích thuyền bè cháy, mảnh vũ khí... để “đánh tan” hẳn các hồ nghi rằng bãi cọc trên là sản phẩm của một công trình lấn biển trong lịch sử.
Lần gần nhất vào năm 2011, chuyến khảo sát do Viện Khảo cổ tổ chức tại đây cũng gặp rất nhiều khó khăn do sự phức tạp của vùng sình lầy dưới đáy sông, cũng như các hạn chế về thiết bị chuyên dụng...
Khi di tích không... nằm trên bờ
Rất nhiều con số được đưa ra để nhắc tới nguồn kinh phí khổng lồ mà khảo cổ dưới nước đòi hỏi. Đơn cử: 6 triệu USD cho lần khai quật kho cổ vật tại tàu Cù Lao Chàm năm 1999, 1 triệu USD cho lần khai quật còn tàu cổ Cà Mau năm 1998. Rồi, nếu phục dựng và bảo tồn 1 con tàu nhỏ xíu được vớt từ đáy sông cũng tốn cỡ... 1 triệu USD nữa.
TS Nguyễn Đình Chiến so sánh vui: “Mỗi lần thợ lặn hít một hơi từ bình ôxy, mình quy ra tiền là mất 5 USD rồi”. Đòi hỏi kinh phí cao, thiết bị chuyên dụng đặc biệt, rồi cả những nhà khảo cổ có thể lặn sâu dưới nước – đó là hàng loạt lý do khiến ngành khảo cổ Việt Nam luôn lúng túng mỗi khi bắt gặp những di tích không... nằm trên bờ.
“Chúng ta đang tiến hành khảo cổ dưới nước một cách bị động, đặc biệt là với những tàu chở cổ vật được đối tác đề nghị liên kết trục vớt. Muốn thay đổi phải có sự đầu tư chiến lược trong một thời gian dài” - ông Chiến nhận xét. Câu hỏi đặt ra: trong lúc chờ ngành khảo cổ dưới nước đủ... lớn, tình trạng khai quật cổ vật dưới nước một cách bị động và đầy lãng phí sẽ còn diễn ra trong bao lâu?
“Một số chuyên gia nước ngoài từng gợi ý: trước mắt, chúng ta nên có một đợt khảo sát để xác định tổng thể vị trí của các con tàu cổ tại Việt Nam. Sau đó, lần lượt liên kết trục vớt những con tàu có giá trị nhất để thu nguồn lợi từ cổ vật. Tôi thì không tán thành cách làm theo kiểu... hớt váng như vậy” - TS Nguyễn Đình Chiến cho biết.
Với phân tích của ông, việc xây dựng “bản đồ tàu đắm” này sẽ ngốn một khoản kinh phí khổng lồ và rất khó tính toán được tiềm năng để thu hút kinh phí của đối tác. Thậm chí, trong trường hợp xác định được các vị trí tàu đắm này, việc “căng sức” ra bảo vệ hàng loạt kho cổ vật dưới đáy biển trong lúc chờ khai quật cũng là một thách thức cực lớn với địa phương.
Những trường hợp khai quật thành công tàu cổ trước đây, việc xử lý số hiện vật thu được cũng gặp nhiều hạn chế do năng lực của những người trong cuộc. Điển hình: trong số hơn 7 vạn cổ vật nhận được từ tàu Cù Lao Chàm (nhà đầu tư chia cho Việt Nam theo tỷ lệ 30%), 4 vạn cổ vật đã được xuất sang thị trường Mỹ để rao bán nhưng gặp rất nhiều khó khăn do bị ép giá. Đối với tàu cổ dưới lòng sông Hồng năm 2009, được Bảo tàng tỉnh Hưng Yên chi hơn 300 triệu đồng để trục vớt và vận chuyển. Khi trục vớt, tàu bị gãy làm 2 mảnh, rồi phần đuôi tàu lại phải cưa đôi để có thể vận chuyển qua cửa đê Đại Tập. Kết quả: việc trưng bày con tàu tại Bảo tàng Hưng Yên chỉ có thể tiến hành tương đối, bởi việc phục dựng tàu như nguyên bản cần một nguồn kinh phí khổng lồ, kèm theo đó là rất nhiều nghiên cứu để xác định được hình dạng ban đầu của tàu. |
Chiêu Minh