Khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão số 2
Ngày 23/7, ảnh hưởng của bão số 2 đã gây mưa lớn và thiệt hại tại một số địa phương trong đó có Bắc Giang và Quảng Ninh.
Tập trung khắc phục hậu quả và đề phòng hoàn lưu bão
Ngày 23/7, bão số 2 (Prapiroon) sau khi đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo, ảnh hưởng của hoàn lưu bão sẽ gây ra mưa lớn kéo dài, cảnh báo có thể xảy ra ngập lụt cục bộ, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống. Hiện các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực, khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Thành phố Hạ Long và huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) là 2 địa phương chịu ảnh hưởng nhiều của bão số 2. Tại thành phố Hạ Long xuất hiện 3 điểm sạt lở; lũ tại 3 ngầm tràn. Thiệt hại rõ nhất sau bão số 2 là hàng loạt cây xanh bị ngã đổ, bật gốc. Bão cũng gây hư hỏng một số cây trồng, hoa màu; làm bung hàng rào tôn ở một số công trình xây dựng; làm nghiêng, gãy nhiều biển báo giao thông, 5 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Trên địa bàn huyện Cô Tô có 1 tàu xi măng (trong âu cảng, thuộc địa bàn thị trấn Cô Tô) và 1 xuồng cao tốc nhỏ đậu gần bến khu 1, thị trấn Cô Tô, bị đắm; 50 cây xanh ven đường bị đổ, gãy; một số lều lá, quán lá tại các bãi biển bị gió thổi xiêu vẹo, tốc bay.
Ngay sau khi bão tan, người dân huyện Cô Tô khẩn trương bắt tay vào khắc phục hậu quả của bão số 2. Tại bãi biển Hồng Vàn, lực lượng công an huyện đã hỗ trợ các hộ kinh doanh du lịch dọn dẹp và khắc phục lại lều quán bị hư hỏng do bão.
Để phòng tránh sạt lở do sóng to, các hộ kinh doanh du lịch tại bãi biển Tình yêu cũng khẩn trương sử dụng bao cát bảo vệ mặt bằng quán. Hiện chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang và người dân huyện đảo vẫn đang nỗ lực dọn vệ sinh môi trường, nhanh chóng khôi phục lại cảnh quan cho các tuyến đường và bãi biển du lịch, nhanh chóng ổn định để tiếp tục đón khách du lịch.
Anh Bùi Tích Tiến, Chủ cơ sở du lịch bãi biển Hồng Vàn, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô chia sẻ: "Sau cơn bão số 2, gia đình tôi thiệt hại 1 căn chòi và các dụng cụ bán hàng khác. Hiện chúng tôi đang cố gắng khắc phục và sửa sang lại để tiếp tục đón khách ra tham quan".
Cũng theo anh Phạm Văn Đoàn, người dân huyện Cô Tô, do ảnh hưởng sau bão, các thành viên trong gia đình anh dùng bao cát chặn để sóng đỡ xói mòn, bảo vệ tài sản, giảm thiểu ảnh hưởng đến kinh tế. Gia đình anh cũng nhận được sự hỗ trợ của lực lượng Công an huyện, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn huyện, Dân quân, các lực lượng khác hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa bão.
Tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, với phương châm "3 trước, 4 tại chỗ", các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó với hoàn lưu sau bão, nhất là các địa phương miền núi, ven biển và khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản, khai thác than, các mỏ đất, dự án, công trình...; trong đó, tập trung phòng, chống mưa lớn sau bão trong điều kiện đất đã bão hòa nước, rất dễ gây sạt trượt, lở đất; sẵn sàng phương án phòng chống ngập lụt, sạt lở trên địa bàn, nơi sản xuất.
Cùng với đó, chủ động bố trí người trực 24/24 giờ tại các vị trí ngập sâu, nguy cơ lũ quét, sạt lở..., kiên quyết không cho người, phương tiện qua lại, bảo đảm nhân lực, thiết bị xử lý hiệu quả các tình huống nảy sinh. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ những vị trí xung yếu, nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, kiên quyết di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực không đảm bảo an toàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị theo dõi diễn biến hoàn lưu sau bão, thông tin đến các địa phương, đơn vị để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa chủ động theo dõi mực nước hồ, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa trong tình huống mưa lớn sau bão. Các đơn vị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, triển khai hỗ trợ các địa phương, đơn vị khi có yêu cầu... đảm bảo ứng phó kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, Nhà nước.
Mưa lớn làm gần 2.300 ha lúa tại tỉnh Bắc Giang ngập trắng
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang, do ảnh hưởng của bão số 2 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn, gây một số thiệt hại. Tính đến 16 giờ ngày 23/7, tổng diện tích lúa bị ngập trắng 2.273 ha; tổng diện tích hoa màu ngập úng là 5,5 ha.
Trên địa bàn huyện Sơn Động, tuyến đường tỉnh 293 đoạn từ xã Thanh Luận đi xã Long Sơn bị sạt lở; một số tuyến đường liên xã bị sạt lở nhẹ (Tuấn Đạo đi Long Sơn, An Bá đi Tuấn Đạo); một số ngầm tràn có nguy cơ bị đứt gãy, xói lở (nước vẫn ngập chưa đánh giá được thiệt hại). Tại các khu vực bị xói lở, hư hỏng nhẹ, các địa phương đã chủ động khắc phục sửa chữa để phục vụ nhân dân đi lại đảm bảo an toàn.
Trên địa bàn huyện Lục Nam, sạt lở 2 điểm khối lượng sạt khoảng 60 m3 thuộc xã Vô Tranh (1 điểm tại đường nhánh 293 đi Quảng Ninh thuộc thôn Đồng Quần và 1 điểm sạt lở taluy âm công trình cải tạo nâng cấp tuyến huyện từ UBND xã Trường Sơn đi Vua Bà); ngập úng chia cắt 5 vị trí (Km18+30 QL37 ngập khoảng 0,8m xã Vũ Xá; đường vào thôn Nghè Mản xã Bình Sơn; chia cắt 2 hộ thôn Đồng Quần xã Vô Tranh; giao thông tại khu Hồ Đình thôn Liên Khuyên ngập dài 60m xã Huyền Sơn và đoạn từ cổng làng thôn Am Sơn đến Nhà văn hóa ngập dài 200m xã Huyền Sơn); sạt lở đất làm đổ công trình phụ của hộ ông Nguyễn Đức Mạnh, thôn An Sơn, xã Huyền Sơn.
Do mưa lớn, một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Bắc Giang (Hoàng Văn Thụ, Ngô Văn Cảnh, Nguyễn Thị Minh Khai, Ngã tư Bách hóa tổng hợp, Quang Trung, Vi Đức Thăng và một số tuyến phố Khu dân cư số 3, Lê Hồng Phong, Hoàng Quốc Việt...) xảy ra ngập úng; 1 cây đổ (phường Trần Phú), 2 cây nghiêng (Lê Lợi).
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang đề nghị các cơ quan đơn vị thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tại Văn bản số 3972/UBND-KTN ngày 22/7/2024 tiếp tục tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, triển khai các phương án ứng phó, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.