Khán giả VCS tố Optimus tiêu cực chuyện nghỉ ngơi của tuyển thủ nhưng đã hiểu đúng về 'nghỉ ngơi' và 'kỳ nghỉ'?
Dòng trạng thái của Optimus đã khiến cộng đồng LMHT Việt "dậy sóng" và kéo theo rất nhiều tranh cãi.
Trong buổi sáng ngày 25/04, cộng đồng VCS đã được một phen xôn xao. Sau khi kết thúc giải Mùa Xuân 2023 cũng như nhà vô địch đã được xác định, Optimus - cựu sao GAM Esports và là một trong những nhân vật tiếng tăm nhất làng LMHT Việt, đã đăng một bài khá dài trên trang cá nhân. Nội dung bài đăng xoay quanh những vấn đề bất cập trong công tác truyền thông của các đội tuyển và VCS, cũng như những khuyết điểm của các tuyển thủ.
Một trong những điểm đáng chú ý chính là phần đề cập đến giai đoạn nghỉ ngơi của các tuyển thủ. Chính phần này đã khiến Optimus nhận không ít ý kiến trái chiều. Theo lập luận của nhiều người, Optimus đã quá cực đoan và chuyện nghỉ ngơi về quê của các tuyển thủ là chuyện tự do cá nhân. Có ý kiến còn cho rằng, đổi lại là GAM Esports (đội tuyển được Optimus đưa ra ví dụ) thì có lẽ họ cũng sẽ nghỉ ngơi như vậy.
Dòng trạng thái của Optimus cũng đã lôi kéo một số nhân vật thuộc các đội tuyển vào tranh luận. Và một trong số đó, chính là câu hỏi: Đâu là sự khác nhau giữa "nghỉ ngơi" và "kỳ nghỉ"?
Đối với làng LMHT, những sự "nghỉ ngơi" không còn quá xa lạ. Thông thường, mỗi khi một tuyển thủ thông báo "nghỉ ngơi", tức là họ sẽ tạm rời khỏi thế giới LMHT chuyên nghiệp một thời gian. Hiện tại, trường hợp nổi tiếng nhất gắn liền với khái niệm này chính là Doinb. Hành động này không nằm ngoài mục đích để các tuyển thủ thực sự gác lại những áp lực, dành thời gian để thư giãn và sạc lại năng lượng. Trong một số trường hợp, nguyên nhân có thể đến từ việc các tuyển thủ chấn thương. Ví dụ như Uzi khi anh đã trở lại ở Mùa Xuân 2022 trong màu áo Bilibili Gaming.
Mặt tiêu cực là có không ít tuyển thủ không thể lấy lại được phong độ tốt nhất sau khi nghỉ ngơi vì họ đã đến giới hạn, như trường hợp của Nuguri hay chính Uzi. Quãng thời gian này cũng giúp các tuyển thủ nhìn lại hành trình đã qua của họ và có hướng đi mới cho tương lai. Nuguri cũng đã quyết định giải nghệ sau khi nghỉ ngơi 1 mùa giải và trở lại nhưng không hiệu quả trong màu áo DWG KIA.
Còn kỳ nghỉ, đó là giai đoạn ngắn ngủi hơn và thường được quy định cho các tuyển thủ theo hợp đồng hoặc vào những thời điểm đặc biệt trong năm. Kỳ nghỉ dài hay ngắn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tần suất các giải đấu, mục tiêu của đội trong mùa giải đó... Ngoài ra, đối với một số khu vực, các tuyển thủ đôi khi sẽ tranh thủ "chạy show" quảng cáo hoặc thực hiện các chương trình truyền thông của công ty chủ quản trong kỳ nghỉ. Ví dụ như T1 thường có các hoạt động quảng cáo sau khi CKTG kết thúc hoặc trước thềm các mùa giải mới bên cạnh những hợp đồng quảng cáo trong mùa giải.
Quay lại bài đăng của Optimus, anh không hề cấm cản các tuyển thủ nghỉ ngơi. Nhưng có một sự thật: các tuyển thủ nếu nghỉ ngơi quá nhiều, sẽ dễ bị bỏ lại khi những đối thủ đã bắt đầu chạy nước rút. Khuyến cáo của Optimus chắc chắn cũng không nằm ngoài mục đích muốn các tuyển thủ nghiêm khắc với bản thân hơn, để phát triển bản thân họ cũng như chính giải đấu VCS.