Khám phá Tết Việt: Người giữ lửa cho quan họ Bắc Giang
(Thethaovanhoa.vn) - Thật đặc biệt khi nghe đến làn điệu dân ca quan họ người ta sẽ nghĩ ngay đến Bắc Ninh mà ít ai biết rằng tại vùng đất Bắc Giang xưa là nguồn cội của quan họ, nơi đây đang có những người vẫn đang tiếp tục truyền nghề qua các thế hệ.
Dân ca quan họ là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam. Nó được hình thành và phát triển ở vùng văn hóa Kinh Bắc xưa, đặc biệt là khu vực ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay với dòng sông Cầu chảy qua, hay còn được gọi là “dòng sông quan họ”.
Và Thổ Hà chính là một trong những làng quan họ gốc của tỉnh Bắc Giang còn lưu giữ được nhiều nét độc đáo của quan họ cổ."Liền anh, liền chị" Thổ Hà lại thể hiện rất xứng đáng với khả năng và truyền thống vốn có của mình.
Trong buổi giao lưu văn nghệ đặc biệt lần này với nghệ nhân ưu tú được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực quan họ: Phú Hiệp- Chủ nhiệm CLB quan họ Thổ Hà được xem là người có giọng ca "vang, rền, nền, nảy" vào bậc nhất vùng Kinh Bắc đã mang đến nhiều cái nhìn mới và thú vị về quan họ.
Bén duyên của nghệ sĩ nổi danh với quan họ Thổ Hà
Đối với nghệ sĩ Phú Hiệp đến với quan họ được xem như định mệnh: “Nói một cách hoài cổ thì tôi đến với quan họ như định mệnh. Ngày trước quá trình tham gia quân ngũ vốn mang trong mình tình yêu văn nghệ với một chút năng khiếu thì tôi có tham gia làm công tác văn nghệ trong quân đội.
Khi trở về quê hương thì lúc đó quan họ còn chìm lắng. Lúc đó tôi có đi vận động mọi người nhưng lại không nhận được sự tin tưởng và ủng hộ, có người còn nghĩ tôi ngớ ngẩn. Và thật may mắn để tháo gỡ vấn đề này thì thôi đã phải nhờ đến hội người cao tuổi. Với tiếng nói của các cụ thì mọi người đã tin hơn và cũng từ đó câu lạc bộ đã được thành lập.”
Gìn giữ nét văn hóa quan họ
Xuất phát điểm đơn giản là sự đam mê, yêu thích và tự tìm tòi học hỏi, năm 1989 nghệ nhân Phú Hiệp cùng bạn bè trong làng thành lập câu lạc bộ văn hóa Thổ Hà. Trong câu lạc bộ có nhiều thế hệ nối tiếp nhau tham gia sinh hoạt, đến bây giờ cũng có đến bốn thế hệ. Bây giờ người ta quen gọi câu lạc bộ quan họ, nhưng theo nghệ nhân Phú Hiệp, đúng chất cổ xưa thì phải là "bọn quan họ" dù rằng từ "bọn" bây giờ nghe không được lịch sự lắm”.
“Những ngày đầu còn nhiều khó khăn, kinh phí hồi đó chưa có, ngay cả bản thân tôi lúc đó cũng đi làm lao động vất vả nhưng song song văn hóa mạch nguồn của dân tộc đã tạo tinh thần cho bản thân cố gắng hơn nữa, hoàn thành những công việc của bản thân và trau dồi, học hỏi để xây dựng nền quan họ Thổ Hà” - nghệ nhân Phú Hiệp nói.
- Bảo tàng Dân tộc học VN: Hơn 3,2 triệu du khách ghé thăm
- Festival 'Về miền Quan họ - 2019' diễn ra từ ngày 13-28/2
“Tôi luôn định hình rằng, câu lạc bộ là nơi giao lưu gặp gỡ, tạo cơ hội ôn luyện và trao đổi với nhau quan niệm người quan họ nói chung vẫn duy trì. Quan họ là giống nhau, trọng nhau về nghĩa, tất cả là tình nghĩa sống với nhau, câu hát chỉ là cùng đam mê, người đi trước bảo người đi sau, chúng tôi không có khái niệm là thầy. Tôi đi dạy người ta vẫn gọi là thầy nhưng tôi bảo tôi chỉ may mắn hơn mọi người tôi có vốn trau dồi và truyền lại chứ tôi cũng không khái niệm làm thầy.”
Là một trong những liền anh sống tại một nơi được coi là cái nôi của văn hóa xứ Bắc với nhiều giá trị bản sắc quý còn lưu lại. Nghệ sỹ Phú Hiệp luôn mong muốn: "Văn hóa của cha ông ta được gìn giữ là một phần, bên cạnh đó cố gắng có một cách nào đó đươc liên tục truyền bá đến mọi người có thể tiếp cận đến với làn điệu quan họ truyền thống. Chúng ta không thể trách hay đổ lỗi cho bất kì ai được vì người ta chưa biết đến thì làm sao hiểu để mà bảo tồn gìn giữ và truyền nối những giá trị truyền thống.”
"Để phát triển quan họ, điều quan trọng nhất vẫn chính là sự chung tay, góp sức không chỉ của quần chúng nhân dân mà còn là những chính sách và sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng đối với loại hình văn hóa nghệ thuật cổ truyền của dân tộc".
"Về Thổ Hà mới ra quan họ" - Một lần nữa khẳng định nôi văn hóa hát quan họ Bắc Giang. Và hơn hết những nghệ sĩ ở đây đã đang và tiếp tục truyền giữ những giá trị văn hóa cuội nguồn.
Minh Thư