Khám phá “Quê hương” các loài hoa
Và hình ảnh anh kỹ sư nông nghiệp cũng để lại ấn tượng đẹp với những người đã từng ngồi trên ghế nhà trường. Lên Sa Pa lần này tôi đã tìm gặp những kỹ sư nông nghiệp của thời kỳ đổi mới. Họ là những cán bộ đang công tác tại Trại nhân giống hoa thuộc Viện di truyền Nông nghiệp - Bộ NN&PTNT. Và những câu chuyện về hoa giữa chúng tôi cứ dài ra mãi trong đêm vùng cao sương lạnh...
Kỳ 1: Khám phá “Quê hương” các loài hoa
Thế giới của kỳ hoa dị thảo
Với gần 40 giống hoa thảm, 20 giống phong lan, 10 giống hoa lily, 5 giống hoa hồng, và bạt ngàn hoa layơn, cả khuôn viên 2ha của Trại nhân giống hoa Sa Pa tràn ngập mầu sắc. Tuy không phải vào mùa thu hoạch nhưng khi đến Trại chúng tôi vẫn như lạc vào mê cung hoa ngút ngàn trong thế giới của sắc và hương ngây ngất.
Lạc trong vườn lily được ươm trồng trong nhà kính tôi thấy có một số cây cao bất thường, phải ngước mắt lên mới ngắm được hoa. KS Lê Quang Thái giải thích, bằng phương pháp xử lý phóng xạ, các anh đã gây đột biến tạo ra những dòng lily khác nhau trong đó có những cây cao tới hơn 2m. Loài hoa thảm Pentumnia thì lại chỉ cao chừng 20 cm, lá và hoa đan xen hòa quyện, hoa có tới 5 màu khác nhau trồng xen kẽ càng tăng màu sắc rực rỡ. Loài hoa này mới được du nhập vào Việt Nam và đang tỏ rõ ưu thế khi trồng trang trí từng thảm tại các công viên, các khu du lịch và trồng trong từng âu nhựa nhỏ xinh xắn bán trong dịp tết để đặt trên những khung cửa sổ hoặc bàn trà nhỏ.
Trong nhà kính tôi bắt gặp một luống “bắp cải” màu tím liền buột miệng hỏi Thái, sao lại trồng lẫn cả rau trong này. Thái bật cười bảo không phải rau mà đó cũng là một loài hoa cho thứ hoa rất ấn tượng. Tôi không có may mắn được ngắm loài hoa lạ này bởi những cây cải bắp còn non chưa đến kỳ kết nụ.
Đặc biệt, đập vào mắt tôi từ xa là một vùng hoa đủ màu nổi bật giữa muôn hoa ngàn tía. Kỹ sư Thái cho biết đó là hoa bibi, gần đây Trại đã trồng thử nghiệm loài hoa này, màu sắc đẹp, sức sống tốt, điều khác biệt là hình thức của nó lại giống hệt... hoa thuốc phiện. Những luống hoa bibi nhìn rất hấp dẫn với 3 màu đỏ, vàng nhạt, tím than như một điểm nhấn của cả khu vực trồng hoa rộng lớn.
Nhọc nhằn với hoa
Trại nhân giống hoa Sa Pa nằm bên đường 4D từ Sa Pa đi Lai Châu ở độ cao 1600m, từ trung tâm thị trấn Sa Pa phải đi lên khoảng 5 km nữa mới đến đại bản doanh. Đó là một căn nhà hai tầng với hình dáng khá đặc biệt được thiết kế chuyên dụng. Tầng 1 được giữ trống một nửa dùng làm diện tích phơi hạt giống, nửa kia là công trình phụ và kho lạnh xử lý hạt giống. Còn tầng 2 là nơi làm việc, ăn ở sinh hoạt của hai kỹ sư trẻ.
Người ta thường dùng cụm từ “Lặng lẽ tỏa hương cho đời” để nói về công việc thầm lặng mà cao quý nào đó, thế nhưng cụm từ này có lẽ áp dụng cho các kỹ sư nghiên cứu hoa là đúng nhất. Nếu như theo đúng quy trình kỹ thuật thì hàng tuần các kỹ sư của trại nhân giống sẽ phải làm các công việc như đo chiều cao cây, tốc độ, tỷ lệ nảy mầm, số lá, màu sắc hoa... Các số liệu này hàng tháng được gửi về Viện di truyền Nông nghiệp đóng tại Hà Nội để tổng hợp về Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam phục vụ công tác nghiên cứu.
KS Thái dẫn tôi đi thăm các nhà kính trong khuôn viên của Trại. Bắt gặp những luống hoa còi cọc, se sắt khác hẳn với những luống hoa tươi non mơn mởn thường thấy tại các trang trại hoa, tôi tỏ ý thắc mắc. Thái giải thích, những luống hoa này trồng với mục đích phục vụ việc nghiên cứu, khảo nghiệm để chọn ra dòng hoa hội tụ những điểm mạnh, không phải trồng để lấy hoa thương phẩm như thông thường. Mỗi luống hoa được treo bảng riêng để phục vụ việc theo dõi, nghiên cứu. Còn lại hoa trồng làm giống thì quy trình chăm sóc cũng khác với hoa trồng lấy hoa. Loài hoa lily là khó khăn nhất trong việc tạo giống, chỉ cần sai một trong rất nhiều khâu trong quy trình xử lý là có thể dẫn đến việc hỏng toàn bộ lứa hoa giống, khó mà cho củ đạt tiêu chuẩn. Cúc hoa lily hàm lượng nước nhiều, rất dễ thối, chính vì thế mà giống hoa này là đắt nhất nhưng lại đang rất được thị trường ưa chuộng bởi sắc và hương đều rất đặc biệt.
Trong khoảng 20 dòng lily đang được nghiên cứu tại đây, các kỹ sư sẽ lựa chọn một số dòng hội tụ đủ các yếu tố vượt trội sẽ được giữ giống gửi về Viện trung tâm để nhân giống theo phương pháp nuôi cấy mô, sau đó những mô này lại tiếp tục được gửi lên Sa Pa để trồng nhân rộng phục vụ việc tạo giống. Với lily trồng lấy củ, nhìn cây còi cọc đã đành, mà chúng có tòi ra cái nụ nào thì cũng sẽ bị vặt sạch để tập trung cho củ giống nằm dưới đất. Vì vậy đã có khách du lịch đến thăm cơ sở của Trại nhân giống đã hồn nhiên phát biểu, hoa của Kỹ sư trồng không đẹp bằng hoa của... nông dân. Thái bảo tôi vậy và cười thành tiếng.
Đất Sa Pa với độ ẩm cao, mưa nhiều, hoa lên nhanh nhưng đồng thời cỏ cũng lên nhanh, làm hết đầu này, đầu kia cỏ đã lên lại. Để phục vụ cho việc lai tạo, các cán bộ của Trại nhiều buổi phải lặn lội lên rừng Hoàng Liên lấy giống hoa Bách hợp (một giống lily hoang dại có sức sống, chống trọi với thiên nhiên rất tốt) về để lai tạo với các giống lily khác để tạo ra các giống lily đông phương có hương và không hương phục vụ các nhu cầu khác nhau của thị trường hoa trong nước. Để có được một củ lily thương phẩm họ phải làm trong 2 năm, qua 3 vụ mới thành.
Gắn bó với hoa ai bảo không có những nhọc nhằn!
“Cái nôi” của cái đẹp
Một số giống hoa hiện nay Việt Nam vẫn phải nhập của Trung Quốc, Thái Lan, thậm chí tận Hà Lan như Lily, Layơn đang là hướng ưu tiên nghiên cứu của Viện di truyền Nông nghiệp thực hiện tại Trại nhân giống Sa Pa đã bước đầu thành công. Kỹ sư Hồ Khắc Tráng cho biết, giống một củ hoa lily nhập khẩu có giá khoảng 10 nghìn đồng, còn nếu sản xuất tại chỗ thì giá thành cũng chỉ khoảng 4-5 ngàn đồng mà vẫn đáp ứng được chất lượng cũng như thị hiếu của người tiêu dùng.
Hiện nay, một số giống hoa nghiên cứu, chọn lọc thành công tại Trại đã được chuyển giao công nghệ cho một số cơ sở tại Hải Phòng. Tại Sa Pa, trại cũng đã tiến hành chuyển giao công nghệ phi lợi nhuận cho địa phương một sô giống hoa. Tại khu du lịch Hàm Rồng, giống hoa thảm viola được nhân giống tại Viện đã cho những sản phẩm chất lượng cao, nhìn những luống hoa với đủ màu sắc rực rỡ thu hút bao ống kính của du khách gần xa mới cảm nhận hết hạnh phúc trước thành quả lao động của những người ươm trồng. Kỹ sư Thái dẫn chúng tôi đến thăm HTX hoa hồng Sa Pa - nơi chuyển giao công nghệ của Trại.
Từng vạt hoa hồng phủ kín những triền núi khiến tôi có một cảm giác ngợp trong hoa, chưa bao giờ được đứng trước môt diện tích hoa, một không gian hoa hồng lớn đến thế. Còn phía trong các nhà kính là vườn lan, layơn, lily từng cánh căng tràn viên mãn. Liên tục các ngày, từ Sa Pa đều có xe chuyên dụng chở hoa về Hà Nội. Đây cũng là thời điểm mà hoa từ vùng Mê Linh và khu vực xung quanh Hà Nội còn chưa vào mùa nên thị trường hoa lớn nhất phía Bắc này đang bị bỏ ngỏ cần sự lấp đầy của hoa Sa Pa. Mỗi chuyến xe như vậy thường chuyên chở cỡ 10 vạn bông hồng về với Thủ đô. Buổi sáng công nhân cắt và bó hoa, chiều chuyển lên xe, chỉ sáng hôm sau thôi, chúng đã có thể xuất hiện tại các shop hoa đất Hà Thành. Như vậy, Sa Pa đã trở thành “đô thị vệ tinh” về hoa của Thủ đô Hà Nội.
Rất nhiều các giống hoa khác đã được nghiên cứu, lai tạo tại Trại nhân giống hoa Sa Pa. Một số loài hoa thảm đã cho những kết quả khả quan và được nhân rộng như Pentumnia, Vola, Violet, hướng dương lùn, hoa bắp cải, phong lữ thảo. Những công trình đang nghiên cứu thực nghiệm tại Trại cũng đã cho những kết quả bước đầu, hiện nay Trại đã lai tạo được 5 giống cẩm chướng được đánh giá là thành công; lily TR, một trong 20 giống lily lai tạo tại Trại cũng đang trong giai đoạn kết thúc và được công nhận với nhiều kết quả khả quan.
Từ nơi đây, các giống hoa sẽ được đưa về xuôi, tỏa đi muôn nơi về các trang trại, dưới bàn tay ươm trồng của những người nông dân, chúng sẽ vươn mầm, nảy lộc, cho nụ đơm hoa, mang đến cái đẹp cho đời.
(Đón đọc Kỳ sau: Chuyện về hai nhà “hoa học” trẻ)