Khám phá lại Kim Dung (kỳ 3): Khi người hùng đi tìm chính mình
(Thethaovanhoa.vn) – Không có lý do tiên quyết nào để môn phái này thắng môn phái khác và, như một quả dĩ nhiên, cũng không thể có môn phái nào có một võ công vô địch.
- Khám phá lại Kim Dung (kỳ 2): Triết lý về tinh hoa võ học
- Khám phá lại Kim Dung (kỳ 1): Kim Dung và giấc mộng thái bình
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin trích giới thiệu một đoạn bình trong cuốn Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung của Đỗ Long Vân, NXB Đà Nẵng sắp phát hành. Các tiểu dẫn và xuống đoạn trong bài do chúng tôi đặt.
Tương đối hóa võ công
Sự tương đối hóa những võ công, người ta thấy đã xô những môn phái vào trong cảnh bất phân thắng phụ. Và tình trạng ấy cũng làm mờ dần ý nghĩa nguyên thủy của sự xung đột giữa họ. Còn lại một thế giới của bạo động thuần túy.
Truyện võ hiệp cổ điển không kể gì hơn những cuộc thắng trận kế tiếp nhau của chính nghĩa trên tà đạo. Nhưng khi giữa tà và chính sự phân biệt đã trở nên mơ hồ thì diễn tiến của truyện cũng mất sự tất yếu ấy đi.
Không có lý do tiên quyết nào để môn phái này thắng môn phái khác và, như một quả dĩ nhiên, cũng không thể có môn phái nào có một võ công vô địch. Sự tương đối hóa những võ công đã dẫn tới sự tương đối hóa những giá trị đạo lý, thì ngược lại, sự tương đối hóa những giá trị đạo lý lại đưa tới sự tương đối hóa những võ công.
Ai sẽ thắng? Câu hỏi ấy giờ được đặt ra. Và truyện võ hiệp thêm một yếu tố mới là sự bất trắc. Tiểu thuyết bắt đầu. Nghĩa là truyện không còn là một cơ hội để chiêm ngưỡng, như một nghi lễ đề cao những giá trị đạo lý, những chiến công của người anh hùng nữa, mà để tìm, một cách sơ đẳng hơn, cái hồi hộp của sự trông chờ. Ai sẽ thắng? Nhưng không ai biết những gì sẽ xảy ra.
Tại cái đang xảy ra người ta cũng chưa biết là cái gì. Mọi vật trong một thế giới của vật lực đã mất đi ý nghĩa cố định của chúng. Và tất cả đều trở thành nghi vấn.
Cái bí mật của con đao Đồ Long như thế nào mà làm người ta giết nhau? Ai đã xuống tay giết một lúc mấy mươi mạng người của Long Môn tiêu cục? Không lẽ kẻ đã dùng Kim cương chỉ để tra khảo Dư Đại Nham lại là người của Thiếu Lâm Tự? Nhân vật tài hoa, uyên bác, phóng khoáng ấy sao có thể giết người như không để cả võ lâm nguyền rủa? Nhưng có gì trong lúc này không là một câu hỏi! Và chúng theo nhau đến dồn dập và nhức nhối.
Người ta nóng ruột chờ đáp thuyết ở những sự đến sau. Cái tài của Kim Dung tuy nhiên sẽ dẫn người ta từ thắc mắc này đến thắc mắc khác. Nghi vấn này chưa được giải quyết thì nghi vấn khác đã được tung ra.
“Ai là Âu Dương Phong?” và “Ta là ai?”
Gay cấn hơn nữa là người anh hùng không biết mình phải làm gì và sẽ trở nên cái gì. Người anh hùng võ lâm cổ điển vào đời với một ý chí cố định, và những giai đoạn trên con đường thẳng dẫn chàng đến sự thực hiện của ý chí ấy. Những biến cố trong Kim Dung trái lại là ngần ấy chỗ quẹo tách chàng xa cái hướng đi thứ nhất của chàng.
Và đôi khi như Đoàn Dự, chàng cũng không có ý định nào khác hơn là đi chơi, nhưng tình cờ hết bị lôi vào chuyện lôi thôi này lại bị kéo sang chuyện rắc rối khác, để sau cùng sửng sốt thấy mình trở thành một cái gì mà mình cũng không bao giờ nghĩ tới. Người ta theo chàng vào một Bát quái trận đồ và con đường bách thắng đã trở thành một cuộc thất lạc trong mê cung.
Ở chỗ nào cũng xuất hiện những biến cố lạ và những sự kiện khả nghi. Xưa tất cả có một ý nghĩa cố định. Thế giới sáng sủa. Không phải không có nguy hiểm nào đe dọa người anh hùng. Nhưng những nguy hiểm nào cũng có thể bị gọi tên, nghĩa là giới định và chỉ có ở ngoài. Mỗi sự kiện giờ trái lại là một sự ngỏ dẫn người ta vào một bí mật không thể nào lường.
Ấy là một thế giới đầy ban đêm, đầy bất trắc và những quanh co như mắc cửi. Sau cái mặt nạ hàm hồ của mọi vật tất cả đều có thể xảy ra. Không biết chỗ quẹo này sẽ dẫn người ta tới đâu và cái gì chờ người ta ở cuối con đường kia. Sự nguy hiểm, cảnh nhá nhem ấy, như rình rập khắp nơi. Cái nguy hiểm đích thực tuy nhiên vẫn không phải là cái nguy hiểm sờ thấy được mà chính là sự ngờ vực ấy, như một bóng tối, không những trùng điệp trước mặt, mà càng ngày càng lớn trong lòng người anh hùng.
Thế giới ngoại tại đã khả nghi. Nhưng có khi ngay cả thân phận chàng ra sao người anh hùng cũng không chắc chắn.
Không phải ngẫu nhiên mà chuyện võ hiệp mới là chuyện của người anh hùng đi tìm mình, khi thì nôm na như một thiếu niên một hôm nào đó biết mình chỉ là một đứa trẻ mồ côi và những người nuôi nó không phải là cha mẹ thực của nó, khi thì thống thiết như Kiều Phong chợt có người tố cáo rằng chàng không phải là người Hán, mà lại mang dòng máu Khiết Đan, nghĩa là của một dân tộc chàng luôn coi như tử thù, và cả sự nghiệp chàng như thế đã dựng trên một điêu trác khi thì khôi hài như Thạch Phá Thiên từ nhỏ mang tên Chó Lộn Giòng, để lớn lên ra đời ai cũng nhận là người của mình, trong khi ngay chàng cũng không biết chàng thực là ai.
Lẽ dĩ nhiên, người ta cũng không thể nào quên Âu Dương Phong luyện võ bị tẩu hỏa nhập ma đến nỗi vừa nghe nói có một tên Âu Dương Phong còn giỏi võ hơn mình vội đâm bổ đi tìm và gặp ai cũng hỏi “Ai là Âu Dương Phong?” và “Ta là ai?”.
Câu hỏi của ông già lộn đầu ấy tất nhiên người anh hùng nào không có lần đặt ra? Không phải họ đều là những người không cha không mẹ. Nhưng tất cả họ cùng có một cảnh ngộ: là bị ném vào một thế giới mà họ không hiểu trong đó họ phải tự chọn. Mà chọn gì khi tà không là tà, chính không ra chính, và cả thế giới, sa đọa trong một tình trạng bạo động thường trực, không để lại gì hơn là những nghi vấn chập trùng.
(Còn nữa)
Đỗ Long Vân