Khám phá Chùa Một Cột bằng công nghệ: 'Đi dạo' trong không gian lộng lẫy ngàn xưa
(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi mong rằng, một ngày nào đó, người Việt Nam của thế kỷ 21 có thể bước vào lịch sử, có thể đi dạo trong không gian lộng lẫy của nghệ thuật Phật giáo cung đình và đưa tay chạm vào hiện vật ngàn năm. Để từ đó hiểu được khối óc, bàn tay của cha ông ta vĩ đại và tài hoa đến nhường nào” - TS Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán Nôm) bày tỏ.
Cuộc triển lãm Khám phá di sản kiến trúc Một Cột - chùa Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo được tổ chức hồi cuối năm ngoái đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Nhưng ít tai biết rằng, để đi tới thành quả ngày hôm nay là hành trình 10 năm nghiên cứu, tổng hợp các giả thuyết của giới khoa học (khảo cổ học, mỹ thuật học lịch sử, văn hiến học, biểu tượng Phật giáo…) của tiến sĩ Trần Trọng Dương và những người bạn đồng hành.
Tái hiện di sản vàng son bằng công nghệ thực tế ảo
Công nghệ hiện đại khiến con người dần quên đi những giá trị cổ xưa, nhưng với dự án Sen Heritage hay cụ thể hơn là với TS Trần Trọng Dương, công nghệ lại là cầu nối đặc biệt đưa con người trở về với văn hóa truyền thống.
“Với dự án này, khán giả có thể đến thưởng thức, ngắm nhìn và quan trọng hơn là cảm nhận từng chi tiết một cách trực quan nhất, sống động nhất qua kính thực tế ảo VR3D. Hiểu rõ hơn về đặc điểm, đặc trưng trong kiến trúc và sẽ yêu hơn một nền văn hóa”.
Điểm quan trọng nhất trong vấn đề phục dựng kiến trúc Một Cột là phần cột đá. Những hình ảnh thân quen của chùa Một Cột mà người Việt và khách quốc tế biết đến lâu nay là bản phục dựng năm 1955 của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng với phong cách đời Nguyễn, sau khi chùa bị đánh mìn vào năm 1954. Kế thừa từ các học giả tiền bối và bắt đầu bằng hàng ngàn mảnh vỡ khảo cổ, nhóm nghiên cứu Sen Heritage đưa ra quan điểm hình dạng cột đá chùa Một Cột giống với cột đá chùa Dạm, Bắc Ninh.
“Dựa trên khảo sát hệ thống lỗ ngàm, rãnh dầm chịu lực của cột đá chùa Dạm, tôi cho rằng cột đá chùa Dạm là hiện vật duy nhất còn sót lại của phế tích kiến trúc một cột thời Lý – đồng dạng về kiến trúc với tháp một cột ở chùa Diên Hựu. Ngoài ra, kiến trúc một cột không phải là “chùa Một Cột” mà chỉ là một stupa – dạng tháp thờ Phật đời Lý (hoặc được gọi là Liên Hoa Đài như hoành phi và câu đối, hoặc Nhất Trụ tự, như bi ký đời sau ghi)…” - TS Trần Trọng Dương cho biết.
Kiến giải mới về kiến trúc “Một Cột”
Trong buổi tọa đàm về dự án này được tổ chức sau đó, TS Trần Trọng Dương đưa ra quan điểm của mình xoay quanh 3 vấn đề chính.
Thứ nhất, về tên gọi “chùa Một Cột, đây là cách gọi phổ biến, được nhiều người sử dụng từ xưa đến nay. Tuy nhiên khi đặt nó dưới góc độ kiến trúc để luận giải, gọi là “chùa Một Cột” thực sự chưa hợp lý.
“Theo hình thể trực quan, nếu nói ‘chùa Một Cột” sẽ là một ngôi chùa dựng trên một cái cột. Giả sử Việt Nam có một kiến trúc độc đáo như vậy chắc chắn là điều rất đáng tự hào. Nhưng kỳ thực, nếu nhìn bình đồ do Bezacier vẽ, ta có thể nhận thấy rõ ràng, kiến trúc một cột thuộc về mặt bằng của chùa Diên Hựu, điều này hoàn toàn trùng khít với các đoạn mô tả về chùa Diên Hựu và kiến trúc một cột trong Đại Việt sử ký toàn thư và văn bia Sùng Thiện Diên Linh tại chùa Đọi (bia Lý)”.
Thêm vào đó, khi gọi tên “chùa Một Cột” nhiều người còn liên tưởng tới Nhất Trụ tự (Hoa Lư, Ninh Bình). Thậm chí có nhiều giả thuyết Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư ra Đại La và mang cảm hứng Nhất Trụ tự gửi gắm vào ngôi chùa ở Thăng Long. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của GS Hà Văn Tấn, đơn giản gọi là Nhất Trụ tự vì chùa có một cái kinh tràng (cột đá). Cùng một tên gọi nhưng lại có hai cách tư duy khác nhau về kiến trúc.
Anh cho rằng toàn bộ di tích nên dùng tên chính thức là chùa Diên Hựu.
Thứ hai, trên cơ sở kế thừa thành tựu của PGS Ngô Văn Doanh và PGS Nguyễn Duy Hinh về chùa Diên Hựu qua khai thác sử liệu trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh khắc in năm 1121, TS Trần Trọng Dương mô tả lại cách phục dựng của mình:
“Có thể mô tả mặt bằng như sau: Liên hoa đài nằm ở trung tâm của danh thắng, bên trong là thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni dát vàng. Đài này là một dạng kiến trúc một cột - mô phỏng một bông hoa sen, nằm trong ao Linh Chiêu. Ngoài ao Linh Chiêu có hành lang bao quanh, hành lang này có mái và trên đó có vẽ các tích truyện và các vị thần Phật giáo, dùng để cho sư tăng chạy đàn nhiễu Phật xung quanh.
Ngoài hành lang là ao Bích Trì. Để đi qua hai vòng ao vào đến Thích Ca Liên hoa đài, người xưa có thể đã cho xây dựng tám chiếc cầu từ bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
Ở phía trước mỗi cầu ngoài lại có bốn sân rộng dùng để diễn xướng vũ đạo Phật giáo. Mỗi sân này lại có hai tháp báu lưu ly gần đầu cầu. Ngoài bốn sân, là hệ thống tường hoặc các nhà trai, điện vũ bao quanh; lại có bốn cửa thông ra ngoài, mỗi cửa đều thờ một vị Thiên Vương (Tứ Đại Thiên Vương).”
Cuối cùng, tác giả Trần Trọng Dương nhận định, kiến trúc chùa Diên Hựu thời Lý được xây dựng theo đồ hình Mandala của Phật giáo Mật tông. Hàng loạt công trình chùa tháp Phật giáo cùng thời kỳ như chùa Tang Da ở Tây Tạng, tháp Borobudur (Indonesia), Angkor Wat (Campuchia), các tháp Chăm, chùa Bách Môn (Việt Nam) đều có chung một dạng đồ án giống nhau.
- Hà Nội: Sẽ xây dựng mới nhà Tăng tại chùa Một Cột
- Tu bổ chùa Một Cột: 45 ngày nữa sẽ có... phương án 'chuẩn'!
- Tu bổ chùa Một Cột: Xây mới nhiều hạng mục
“Không nên “mặc định” thế nào là truyền thống”
TS Trần Trọng Dương và những người bạn đứng trước câu hỏi lớn “Liệu công trình này còn giữ nguyên tính thuần Việt của nó hay không?” Bởi có ý kiến cho rằng, sau khi phục dựng, kiến trúc chùa Diên Hựu quá hoành tráng, diêm dúa và trông có phần “lai căng” điện đền, chùa tháp Thái Lan. Sự bất hợp lý còn thể hiện ở chỗ, hệ đỡ mái chùa đã được phục dựng theo hình thái “đấu củng”.
Anh khẳng định: “Chúng ta không nên “mặc định” truyền thống của người Việt là thế này, thế kia. Cái nhiều người “mặc định” kiến trúc truyền thống thật ra là kiến trúc Lê Trung hưng và Nguyễn. Truyền thống không có nghĩa là bất biến. Mỗi thời đại sẽ có những đặc trưng khác nhau. Nhưng những đặc trưng đó đều trên cơ tầng của văn hóa Việt, do bàn tay người Việt tạo ra...”.
Anh lý giải: “Rất nhiều công trình khẳng định hệ mái đỡ của thời Lý là mái “đấu củng” thay vì có đầu đao cong vút, lợp ngói mũi hay vảy cá như thời Lê Trung Hưng. Dấu ấn mái “đấu củng” xuất hiện ở cả kiến trúc chùa Trần, tuy không nhiều nhưng là một minh chứng xác đáng”.
Hiền Lương
TT&VH Xuân Tân Sửu 2021