Khai mạc trưng bày tranh sơn mài 'Con đường'
Chào mừng Kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022), chiều 7/10/2022, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khai mạc trưng bày tranh dân gian Việt Nam trên chất liệu sơn mài với chủ đề Con đường, mang đến một góc nhìn mới, đầy sáng tạo về dòng tranh truyền thống của dân tộc.
Các tác phẩm đều là đề tài tranh dân gian quen thuộc như: Tranh Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng, nhưng được làm mới hoàn toàn trên chất liệu sơn mài khắc (kết hợp giữa sơn mài và khắc). Với cách thể hiện đặc biệt mới mẻ này, triển lãm "Con đường" mang đến cho những người yêu nghệ thuật một góc nhìn thú vị, đầy sáng tạo về dòng tranh truyền thống của dân tộc, đồng thời góp phần phát triển một nét văn hóa xưa lên tầm mới, hòa quyện giữa dân gian bình dị trong dòng chảy hiện đại. Đây cũng là hoạt động nhằm phục hồi và bảo tồn những giá trị nghệ thuật dân gian xưa cũ, tạo nên dòng sản phẩm mới ấn tượng.
Triển lãm giới thiệu 3 nhóm tranh chính: Tranh dân gian, tranh danh nhân Nguyễn Trãi và tranh Phật giáo. Với tranh dân gian, các đề tài được ứng dụng, sáng tác với các màu sắc phong phú. Bức tranh Thần Kê, làng tranh Kim Hoàng là một trong những tranh nổi tiếng đã được phục dựng, với ý nghĩa mang lại may mắn và có tác dụng trấn cửa xua đuổi ma quỷ. Trong mỗi bức tranh gà, người ta khắc lên đó bài thơ mang tính chất bùa chú. Bức tranh Ngũ Hổ - tranh Hàng Trống được người xưa ghép quy luật ngũ hành vào năm Ông Hổ, chính là mong ước gửi gắm con người nơi ngũ phương, trấn yểm khỏi những thế lực xấu. Tranh Ngũ Hổ - Hàng Trống thậm chí còn đạt cảnh giới cao hơn khi mượn năm Ông Hổ để đại diện cho ngũ hành, tức vũ trụ tương sinh, tương khắc, tạo ra không gian sinh tồn của vạn vật, trong đó có con người.
Các bức tranh sơn mài với đề tài tranh dân gian đã giữ nguyên được các nét, hồn cốt của tranh dân gian, nhưng tạo được cho tranh những sắc thái mới bằng các kỹ thuật chạm khắc, dát vàng, bạc. Những bức tranh sơn mài dát vàng, dát bạc, tạo được các mảng màu đối lập và bắt sáng, làm cho các bức tranh dân gian mang một hình ảnh mới sang trọng và giá trị hơn. Đây thực sự là một dự án bảo tồn và phát huy tranh dân gian có ý nghĩa, cần được nhân rộng, phát triển.
Tại triển lãm, bức tranh chân dung Nguyễn Trãi sang chất liệu sơn mài khắc, kích thước 106 cm x 106cm đưa ra trưng bày. Đây là bức tranh chân dung Nguyễn Trãi của Bảo tàng Hà Nội được vẽ bột màu trên nền vải vào năm 1917, đề ký tên tác giả là: P.D.TUE, 1/1/1917. Bức tranh gốc có kích thước dài 220 cm, rộng 200 cm. Ngoài ra, triển lãm giới thiệu tới công chúng những bức tranh có cảm hứng từ Phật giáo.
Thông qua Triển lãm, Ban Tổ chức mong muốn bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp giá trị, văn hóa lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa các dòng tranh dân gian nói riêng, tạo cho Bảo tàng Hà Nội thành một điểm đến của công chúng yêu nghệ thuật truyền thống, muốn tìm hiểu về tranh dân gian.
Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội chia sẻ: "Đây là một sự kiện rất ý nghĩa góp phần quan trọng trong dự án Bảo tồn tranh dân gian Việt Nam. Bảo tàng Hà Nội và Công ty cổ phần Latoa Indochine mong muốn đưa công chúng đi đến tận cùng của truyền thống, trở về những ngày của hội họa dân gian xưa để ngắm nhìn, cảm nhận và trân quý một nét đẹp vang bóng một thời. Từ đó, mọi người cùng nhau gìn giữ, lan tỏa trên chặng đường phát triển mạnh mẽ của thời cuộc". Triển lãm diễn ra đến ngày 31/12.
Đinh Thuận. Ảnh: Thanh Tùng/ TTXVN