Khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội: 'Đại tiệc' điện ảnh mang tên Hà Nội
Trải qua 5 lần tổ chức, LHP Quốc tế Hà Nội đã từng bước gây được tiếng vang trong mắt khán giả trong nước và quốc tế. Và hôm nay 8/11, lần tổ chức thứ 6 của sự kiện này sẽ chính thức bắt đầu.
Với khẩu hiệu "Điện ảnh - Nhân văn, Thích ứng và Phát triển", Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI diễn ra từ ngày 8 đến 12/1, quy tụ 123 bộ phim đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Mỹ, Phần Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc.
Nỗ lực "hậu Covid-19"
Trong buổi họp báo giới thiệu Liên hoan vào 7/11, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL - Trưởng Ban chỉ đạo - đã nhấn mạnh tầm quan trọng và những kỳ vọng đối với LHP Quốc tế Hà Nội sau hai năm vắng mặt vì đại dịch Covid-19.
Tại Liên hoan phim năm nay, lần đầu tiên có giải thưởng cho tác phẩm lấy đề tài về Hà Nội do UBND Thành phố Hà Nội trao thưởng. Ông Tạ Quang Đông cho biết: "Giải thưởng phim lấy đề tài về Hà Nội là điểm thú vị của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội và sẽ được giữ bí mật đến phút cuối. Qua giải thưởng này, hình ảnh về con người, phong cảnh Hà Nội sẽ được quảng bá nhiều hơn tới với bạn bè quốc tế".
Cũng theo Thứ trưởng Đông, sau đại dịch, nguồn kinh phí tài trợ cho Liên hoan phim năm nay không được như các năm trước, nên số lượng khách mời vì thế có phần hạn chế hơn. Dù vậy, Ban tổ chức luôn cố gắng để đưa đến một chương trình chỉn chu và giàu tính chuyên môn.
"Chúng tôi không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng. Các bộ phim được lựa chọn tham gia tranh giải và những bộ phim trình chiếu đều là các tác phẩm nổi tiếng của những nền điện ảnh trên khắp thế giới như Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…" - ông nói - "Bên cạnh đó, những hội thảo chuyên sâu, mang tính thiết thực như Tiêu điểm về điện ảnh Hàn Quốcsẽ giúp các nhà làm phim Việt Nam học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm trong thời kỳ hội nhập".
Từ ý thức để làm mới chương trình bằng việc cho ra đời một giải thưởng mới, từ cách quan tâm tiếp cận những nền điện ảnh phát triển trên thế giới hay cách chú trọng xác định tọa độ của điện ảnh nước nhà trên bản đồ quốc tế, dường như Liên hoan phim năm nay được trông đợi là "ngọn lửa" để thắp lên những ngọn nến rực rỡ cho ngành điện ảnh nước nhà sau đại dịch.
Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội
Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, (tiền thân là Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam) được giới thiệu lần đầu vào năm 2010 và tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần tại Hà Nội. Qua 5 lần tổ chức, với số lượng lớn tác phẩm và khách mời quốc tế, Liên hoan đã thực sự được giới chuyên môn đánh giá cao và là thương hiệu uy tín, nơi tôn vinh những giá trị nghệ thuật đích thực.
Lần tổ chức gần nhất (trước khi bị gián đoạn vì bệnh dịch) của Liên hoan là năm 2018 với khẩu hiệu "Điện ảnh - Hội nhập và phát triển bền vững".
7 ngày sôi nổi các hoạt động điện ảnh
Trong số các phim dự thi có 11 phim dài, 20 phim ngắn dự thi; 7 phim trong chương trình Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc, 63 phim trong chương trình Toàn cảnh điện ảnh thế giới (Panorama) và 22 phim Việt Nam đương đại. Đáng nói, nhiều bộ phim quốc tế lần này đã từng "làm mưa làm gió" tại các liên hoan phim khác nhau.
Chẳng hạn, đó là phim Vợ của người du mục (Australia) được Giải thưởng Lớn của Ban giám khảo Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương; Tình bạn (Bỉ) được giải Grand Prix, Liên hoan phim Cannes 2022;107 bà mẹ (Slovakia) được giải thưởng Horizons - Kịch bản xuất sắc, Liên hoan phim Venice 2021;Hiện tượng John Denver (Philippines): giải Phim hay nhất, giải NETPAC, giải Nam chính xuất sắc, giải Biên tập xuất sắc và giải Âm nhạc xuất sắc, Liên hoan phim Độc lập Cinemalaya.
Không chỉ vậy, các suất chiếu phim ngoài trời cùng chương trình giao lưu với những ngôi sao điện ảnh được diễn ra tại Tượng đài Quyết tử bên hồ Hoàn Kiếm trong 3 ngày 9 - 11/11 được kỳ vọng lan tỏa không khí điện ảnh đến người dân Thủ đô và các du khách.
Ngoài ra, LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ VI cũng có các hoạt động như các hội thảo về điện ảnh, chợ dự án phim, triển lãm. Bối cảnh quay phim là các di tích, di sản văn hóa của Hà Nội…
"Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội là một trong những liên hoan phim uy tín mà tôi được tham dự, đây đã là lần thứ 2 tôi có vinh dự được đồng hành cùng chương trình và tôi cũng rất yêu Hà Nội" - ông Max Tessier, Thành viên Ban Giám khảo hạng mục Mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á (NETPAC) - chia sẻ.
Trải qua một thời gian dài không được tổ chức, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội được trông đợi là "đòn bẩy" để đánh thức những giá trị và khai phá thêm những tiềm năng của điện ảnh nước nhà. Liên hoan sẽ được khai mạc vào 8h tối nay tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô.
Trông đợi vào "Hoa nhài"
Tác phẩm Hoa nhàicủa NSND Đặng Nhật Minh là đại diện Việt Nam duy nhất tham gia tranh tài ở hạng mục phim dài xuất sắc nhất. Bộ phim sẽcạnh tranh với 10 đối thủ "đáng gờm" đến từ các nước Tây Ban Nha, Iran, Nga, Pháp… Trước đó, trong lần tổ chức năm 2018, bộ phim dài xuất sắc nhất đã thuộc về đại diện đến từ Iran với tác phẩm The Dark Room (Buồng tối).
Ngoài Hoa nhài, một số bộ phim Việt Nam dự thi ở hạng mục phim ngắn có Những người kể chuyện phố cổ Hà Nội, Suối nhạc giữa đại ngàn Tây Nguyên, Nỗi đau da cam…