Khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Sáng 12/9, Lễ khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APGN) đã diễn ra tại thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng).
Tham dự có: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; đại diện một số bộ, ngành, địa phương, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cùng hơn 800 đại biểu trong nước và quốc tế…
Phát biểu chào mừng, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh, Trưởng ban Tổ chức Hội nghị cho biết, Hội nghị APGN lần thứ 8 với chủ đề: “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất” cùng nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, thiết thực; tin tưởng Hội nghị sẽ tìm ra nhiều giải pháp hữu ích trong việc xây dựng và phát triển danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu giữa các thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương; qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản hướng tới phát triển bền vững.
Non nước Cao Bằng vinh dự là địa phương thứ hai tại Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và Mạng lưới khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ tháng 4/2018. Từ đó đến nay, Cao Bằng luôn tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động của Mạng lưới. Việc đăng cai Hội nghị khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng nói riêng, Mạng lưới Công viên địa chất Việt Nam nói chung trong các hoạt động của Mạng lưới Công viên địa chất khu vực và toàn cầu; đồng thời, khẳng định quyết tâm của địa phương trong việc phát triển danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng luôn kiên định mục tiêu phát triển Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng gắn với bảo tồn các giá trị di sản, tài nguyên môi trường, bảo tồn nghề truyền thống, phát triển du lịch bền vững và giáo dục thế hệ tương lai, phát triển mạng lưới đối tác, chung tay vì cộng đồng phát triển vững mạnh.
Ông Jin Xiaochi, Phó Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, Điều phối viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ông Nickolas Zouros, Chủ tịch Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cùng có chung cảm nhận Ban Tổ chức Hội nghị đã rất nỗ lực để tổ chức tốt Hội nghị trong bối cảnh địa phương đang phải ứng phó với hậu quả của cơn bão số 3.
Bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên bày tỏ chia sẻ với nhân dân Việt Nam đã bị tác động rất lớn của cơn bão Yagi, chia buồn với thân nhân của những người đã mất. “Qua đó cho thấy, biến đổi khí hậu không chừa ai và chỉ có những nỗ lực chung để chúng ta có thể ứng phó với thảm họa của thiên tai”, bà Lidia Brito nói.
Theo bà, Cao Bằng cũng như nhiều địa phương miền Bắc nước ta đã trải qua những tổn hại nghiêm trọng do bão và lãnh đạo Trung ương cũng như các tỉnh đã có nỗ lực không ngừng nghỉ để sơ tán người dân, đảm bảo dịch vụ sống còn, căn bản thiết yếu. Bất chấp những khó khăn, thách thức, Cao Bằng đã nỗ lực để đảm bảo các sự kiện của Hội nghị diễn ra theo đúng kế hoạch.
Chúc mừng Việt Nam có thêm công viên địa chất mới là Công viên địa chất Lạng Sơn, bảo tồn những câu chuyện cổ của trái đất, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên cũng nhấn mạnh, những hậu quả lũ lụt, sạt lở đất mà Cao Bằng đang gánh chịu cho thấy những tác động của thiên tai, đòi hỏi những nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các nước trong bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Trong phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, vốn là một vùng đất tươi đẹp, hùng vĩ, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, song những ngày qua, Cao Bằng cùng các tỉnh khu vực Bắc Bộ đang phải hứng chịu thiệt hại to lớn về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân do ảnh hưởng của siêu bão Yagi và hoàn lưu sau bão. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng chia sẻ những khó khăn, mất mát về người và của mà nhân dân Cao Bằng và các địa phương đang phải đối mặt; đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân Cao Bằng khắc phục thiên tai, sớm ổn định sản xuất, cuộc sống của người dân, tổ chức thành công Hội nghị quan trọng này.
Là tổ chức duy nhất của Liên hợp quốc trong lĩnh vực khoa học trái đất, UNESCO hơn 50 năm qua đã phát huy vai trò tiên phong đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao nhận thức và hành động xử lý hài hòa, bền vững mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.
“Đặc biệt, chúng ta có thể tự hào vì những đóng góp thiết thực của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu trong việc tăng cường gắn kết, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản đặc biệt – di sản địa chất gắn với đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, vì phát triển của cộng đồng, sinh kế của người dân và phát triển bền vững ở khu vực và toàn cầu trong suốt hai thập kỷ qua”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, hợp tác chặt chẽ và thực chất hơn nữa trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đẩy mạnh triển khai Chương trình nghị sự 2030 khi mà tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đang ngày càng chậm lại, thậm chí thụt lùi. Theo Báo cáo của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững năm 2024 tháng 6 vừa qua, chỉ 17% mục tiêu là đang đi đúng hướng. Riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nếu giữ nguyên tiến độ triển khai như hiện nay, phải đến năm 2062 mới có thể đạt được các cam kết đặt ra cho năm 2030.
Nỗ lực xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và hướng đến tương lai thịnh vượng đang gặp nhiều khó khăn. Khủng hoảng về biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học trở thành thách thức lớn nhất của thời đại, đe dọa nghiêm trọng mọi mặt đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển và an ninh của từng quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Hệ lụy tàn khốc của những thảm họa siêu thiên tai như động đất, bão lụt, sạt lở, nắng nóng, hạn hán với tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng chưa từng có, do tác động của biến đổi khí hậu như siêu bão Ampil ở Nhật Bản, cách đây mấy ngày là siêu bão Yagi tàn phá Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, đang cản trở các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bao trùm. Nếu không tìm ra lời giải để ứng phó hiệu quả với các thách thức đó, những thành quả phát triển của nhân loại chắc chắn sẽ bị kéo lùi.
Nhấn mạnh, Công viên địa chất toàn cầu chính là một “lời giải” cho vấn đề toàn cầu này, Phó Thủ tướng chia sẻ thông điệp của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhân Ngày quốc tế về đa dạng địa chất: “Hiểu biết về địa chất giúp chúng ta khám phá quá khứ, sẵn sàng cho tương lai bất định và quản lý bền vững đất đai, sông ngòi, đại dương để ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời di sản địa chất và đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng và là nền tảng cho quá trình chuyển đổi xanh, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo vừa giảm thiểu thiên tai”.
Theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, thế giới đang ở thời điểm hết sức then chốt. Chỉ còn 10 ngày nữa là đến Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai tại New York để biến lời nói và những cam kết thành hành động cụ thể định hình tương lai bền vững và bao trùm hơn. Đây chính là lúc châu Á – Thái Bình Dương, với vai trò động lực quan trọng, trung tâm phát triển năng động và tự cường của thế giới, cùng chung tay đóng góp vào việc ứng phó với các thách thức của thời đại, hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho mọi thành viên, người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị Hội nghị xác định cách tiếp cận tổng thể để thống nhất trong nhận thức và hành động về bảo tồn và phát huy giá trị công viên địa chất vì phát triển bền vững. Cần lồng ghép các nguyên tắc phát triển bền vững vào chính sách bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường tự nhiên và bản sắc văn hóa của cộng đồng; đồng thời gắn bảo tồn, quản lý công viên địa chất với chính sách phát triển bền vững, bao trùm ở cộng đồng, địa phương, quốc gia. Điều này đòi hỏi phải xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường; giữa giá trị truyền thống và hiện đại; giữa phát triển nội tại và hợp tác quốc tế… Việc gắn kết các danh hiệu, di sản UNESCO phục vụ phát triển bền vững như Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững (Ninh Bình, 7/2023) do UNESCO bảo trợ là một hướng đi hiệu quả, cần nhân rộng.
Đồng thời, tăng cường trao đổi kinh nghiệm hay, điển hình tốt, đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp về quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững công viên địa chất toàn cầu. Thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên và hợp tác quốc tế phát triển công viên địa chất toàn cầu gắn với phát triển bền vững…