Kết thúc thương vụ tàu Mistral: Nga cười, Pháp 'mếu'
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 6/8, Tổng thống Pháp Francois Hollande tự tin tuyên bố rằng sẽ "chẳng có khó khăn gì" trong việc tìm kiếm người mua mới cho hai tàu đổ bộ chở trực thăng loại Mistral, mà Paris đã định bán cho Nga, trước khi đột ngột hủy hợp đồng. Tuy nhiên, mọi việc không dễ như thế...
Theo kế hoạch ban đầu, 2 chiếc tàu đổ bộ dài 200 mét sẽ được Pháp bàn giao cho Nga vào cuối năm nay, trong thương vụ trị giá 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD). Nhưng cuối cùng Paris từ chối chuyển cho Moskva hai con tàu, với lý do Nga đã can thiệp sâu vào tình hình nội bộ Ukraine.
Cú điện thoại khai thông bế tắc
Sau thời gian dài đàm phán, đôi bên nhận ra rằng họ không thể cứu vãn được hợp đồng. Vì thế, trong ngày 5/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi điện cho ông Hollande để gỡ bỏ các trở ngại cuối cùng.
"Tổng thống và ông Putin hoan nghênh bầu không khí hữu nghị và cởi mở, đã để lại dấu ấn trong các cuộc đàm phán" - thông báo từ văn phòng ông Hollande cho biết - "Họ đồng tình với thực tế rằng nay thương vụ đã khép lại."
Theo sau đó, báo chí loan tin Pháp đồng ý trả lại Nga mọi khoản chi trả mà Moskva đã thực hiện (chưa tới 1,2 tỷ euro).
Ngoài ra, các thiết bị Nga gắn trên 2 con tàu sẽ được tháo dỡ và trả lại. Đổi lại, Pháp sẽ không bị phạt vì đơn phương hủy hợp đồng. Nước này cũng có toàn quyền quyết định số phận của hai con tàu.
Đây là cơ sở để Hollande đưa ra tuyên bố gây chú ý trước các phóng viên tại thành phố cảng Ismailiya của Ai Cập, nơi ông tham dự một buổi lễ khai trương kênh đào Suez mới mở rộng: "Sẽ chẳng có khó khăn gì trong việc tìm người mua".
Trước đó một hôm, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng nói rằng vài quốc gia đã quan tâm muốn mua hai con tàu.
"Các con tàu đó đã kích thích nhu cầu từ nhiều nước. Sẽ chẳng có khó khăn gì trong việc tìm người mua cả" - ông Le Drian đưa ra cùng một quan điểm, đồng thời thừa nhận rằng Pháp muốn bán cả hai tàu Mistral thật nhanh.
Không khó để thấy vì sao Pháp lại muốn "tống khứ"gấp các tàu này. Hiện mỗi tháng, hoạt động bảo dưỡng chúng đã khiến Pháp tốn kém hơn 5 triệu USD. Do đã có 3 tàu Mistral trong trang bị, Pháp không có nhu cầu vàcũng chẳng có đủ tiền để bổ sung thêm hai tàu nữa vào lực lượng vũ trang.
Pháp có thể tống khứ tàu Mistral đi đâu?
Tuy nhiên Pháp sẽ không thể bán nhanh các tàu Mistral, vì đây chẳng phải công việc dễ dàng, ít nhất là theo ý kiến của các chuyên gia.
"Bán tàu là chuyện đặc biệt khó khăn trong những ngày này" - Ben Moores, một nhà phân tích quốc phòng của công ty tin tức quân sựIHS Jane's ở London, cho biết - "Họ phải cắt giảm thật mạnh giá cả, để khiến các con tàu này trở nên hấp dẫn". Ông cảnh báo việc bán tàu sẽ phải mất nhiều năm trời.
Theo IHS Jane's, rất nhiều quân đội trên thế giới đang cần các tàu chiến mới. Trong vòng thập kỷ tiếp theo, sẽ có 13 quốc gia cần tới 26 tàu đổ bộ tấn công. Các nước này gồm Australia, Bỉ, Brazil, Canada, Chile, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Hà Lan, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela.
Trong đó, chỉ Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cần tàu trong 4 năm tới và New Delhi gần đây tuyên bố sẽ ngừng nhập khẩu tàu chiến để tự đóng. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đặt mục tiêu thành quốc gia xuất khẩu tàu chiến.
Moore chỉ ra rằng trên lý thuyết, các tàu Mistral rất dễ bán, bởi trở ngại lớn nhất là Nga đã đặt các hệ thống liên lạc riêng trên tàu và những thứ này dễ tháo bỏ.Nhưng trên thực tế, các nước có tiền, có nhu cầu mua tàu với kích cỡ lớn đều đã có ngành đóng tàu riêng.
"Vấn đề Pháp phải vượt qua là hoạt động vận động hành lang của các công ty đóng tàu nội địa. Nếu một nước như Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua các tàu này, sự kiện cũng đồng nghĩa với việc hàng ngàn người lao động thuộc một xưởng đóng tàu nội địa sẽ mất việc" - Moore nói, và cho biết thêm vấn đề tự hào quốc gia cũng là yếu tố quan trọng. Theo ông, nếu có khả năng, một quốc gia sẽ muốn tự đóng tàu hơn là đi mua.
Ngoài ra, cũng chỉ một số ít quốc gia có thể sử dụng hữu ích những con tàu này, theo nhận xét của Đô đốc Alain Coldefy, một cựu quan chức trong quân đội Pháp. "Chúng ta sẽ cần tới các quốc gia muốn can thiệp vào nơi khác trên thế giới... và có nguồn tiền để mua những con tàu phức tạp như thế này. Họ cũng cần phải có thủy thủ đoàn được huấn luyện tốt" - ông nói.
Trong khi Pháp loay hoay xử lý tàu Mistral, Nga lại không gặp khó khăn nào cả. Một nguồn tin cho hãng tin Ria Novosti biết rằng toàn bộ các hệ thống liên lạc do Nga sản xuất, được gỡ khỏi tàu Mistral, sẽ tái sử dụng trong các tàu chiến khác của quân đội.
Các máy bay trực thăng vũ trang Kamov Ka-52K (Katran), từng được lên kế hoạch hoạt động trên các tàu Mistral, cũngsẽ được triển khai trên các tàu chiến Nga.
Sau khi thừa nhận thỏa thuận mua tàu Mistral đã đổ bể, có tin nói Nga muốn tự đóng tàu đổ bộ còn tốt hơn cả các tàu do Pháp sản xuất.
Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa