Kết thúc Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: Những viên ngọc kiến trúc ẩn tàng trong lòng Hà Nội
Kể từ khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vào năm 2019, Hà Nội đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc thực hiện các cam kết xây dựng Thành phố sáng tạo hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, việc đưa di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản kiến trúc tham gia tích cực vào các hoạt động sáng tạo của thành phố ngày càng được quan tâm.
Tuy nhiên, về lâu dài, các di sản kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội cần được ứng xử như thế nào để trở thành những không gian sáng tạo đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo? Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm bàn luận tại tọa đàm Di sản kiến trúc trong Thành phố sáng tạo vừa diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.
Từ những "viên ngọc quý" bị che lấp…
Theo các chuyên gia, Hà Nội với vị thế trung tâm của cả nước trải qua thời gian đã có được một tập hợp các dấu tích vật chất muôn vẻ. Trong đó, những công trình kiến trúc đã tạo ra một khối di sản quý giá làm nên diện mạo hấp dẫn của đô thị Hà Nội. Đặc biệt, các công trình trên trục phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông - Tràng Tiền có ý nghĩa đặt nền móng cho một Hà Nội mang hình thái hiện đại từ cuối thế kỷ 19 đến nửa sau thế kỷ 20.
Tuy nhiên, trong bối cảnh sự phát triển đương thời của thành phố, các di tích kiến trúc này không tránh khỏi tình trạng "trơ gan cùng tuế nguyệt", thậm chí có những lúc bị che lấp, quên lãng đầy đáng tiếc.
Trước thực tế này, GS-KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng: "Sống lâu với thành phố này, có lẽ chúng ta đã quá quen, đã "chai lì" với những gì Hà Nội đang có. Chúng ta nhiều khi không nhận ra những công trình kiến trúc, không gian đẹp của thành phố. Nhưng thực tế, Hà Nội là thành phố mang trong mình nhiều đặc sắc bởi sự kết hợp nhuần nhị vẻ đẹp của các thời đại, các nền văn hóa, văn minh. Diện mạo Hà Nội đang có hôm nay với những công trình kiến trúc "vô song" làm nên vẻ đẹp của một thành phố không tráng lộng nhưng lại rất gần gũi, thân thiết và rất có duyên".
GS Kính cũng bày tỏ thêm, bản thân ông tuy có nhiều năm làm công tác bảo tồn di sản văn hóa, di tích kiến trúc, nhưng có nhiều khi ông cũng "không để ý hết" được những vốn quý di sản kiến trúc mà Hà Nội đang có.
Ông kể: "Cách đây hơn 1 năm, khi tham gia tư vấn cho dự án tu bổ đài phun nước Con Cóc (vườn hoa Diên Hồng), tôi mới nhận ra Hà Nội có một công trình tuy nho nhỏ nhưng lại là một sáng tạo "vô song" về kiến trúc và mỹ thuật. Công trình này là một đài tưởng niệm được người Pháp xây dựng ở Hà Nội vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 để tưởng nhớ phó Toàn quyền Đông Dương Léon Jean Laurent Chavassieux. Một đài tưởng niệm mang kiến trúc thuần túy châu Âu lại có sự kết hợp dấu ấn Á Đông ở phần bệ dưới cho thấy sự gặp gỡ Đông - Tây".
Theo GS Kính, từ đài phun nước Con Cóc có thể nhìn ra được vấn đề kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, kết hợp Đông - Tây trong kiến trúc đang được quan tâm hiện nay đã được người Pháp đặt ra cách đây hơn 120 năm ở Hà Nội. Đến nay, công trình này đã trở thành một thành phần của không gian Hà Nội, "nho nhỏ nhưng không thể thiếu". Nó lồng ghép chuẩn xác vào không gian uyển chuyển, tinh tế của Hà Nội vốn không có những công trình quá đồ sộ. Song, không phải ai ở Hà Nội cũng nhận ra giá trị "có một không hai" của công trình này.
Một thực tế đáng buồn khác cũng được KTS Nguyễn Hồng Quang đưa ra từ quá trình khảo sát địa điểm chuẩn bị cho Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. Anh cho biết, Ban tổ chức đã trải qua giai đoạn khoảng 4 tháng tìm hiểu những địa điểm tiềm năng xung quanh Hà Nội để có thể tạo ra một tuyến lễ hội trong năm nay. Trong quá trình này, có nhiều địa điểm đã được cân nhắc, từ khu vực Cao Xà Lá, Bảo tàng Hà Nội đến Hoàng thành Thăng Long…
"Và, chúng tôi nhận ra có một khu vực mà hằng ngày nhiều người vẫn đi qua, nhưng có lẽ không phải ai cũng thực sự nhìn thấy những viên ngọc quý nằm lẫn trong không gian này. Đó là tuyến các công trình di sản nằm trên trục phố Lý Thái Tổ và Lê Thánh Tông" - ông Quang cho biết - "Ở khu phố này, các công trình di sản kiến trúc sẽ thường trong tình trạng đóng cửa, các vườn hoa và ven đường đa số trở thành khu vực đỗ xe. Trong khi khu vực Bờ Hồ đã được UBND quận Hoàn Kiếm khai thác tốt để trở thành phố đi bộ. Thế nhưng, phố đi bộ cũng phát sinh một hệ quả đáng lưu ý, đó là một quãng khá rộng và dài dành cho bãi gửi xe được tạo ra. Và, các khu vực này đang che lấp đi những vẻ đẹp rất đặc trưng của Hà Nội".
Cũng theo kiến trúc sư này, Hà Nội có một nhận diện rất riêng bởi các công trình di sản kiến trúc đô thị. Đó là những ngôi nhà Pháp cổ, công trình Indochine (kiến trúc Đông Dương) được để lại bởi các kiến trúc sư người Pháp từ thời kỳ thuộc địa. Với sự nhận diện rõ rệt này, Hà Nội đang có một quỹ tài nguyên di sản kiến trúc quý giá, đầy tiềm năng, để trở thành những không gian sáng tạo, thúc đẩy kinh tế sáng tạo phát triển trong Thành phố sáng tạo.
Đến tiềm năng trở thành không gian sáng tạo
Thực tế cho thấy, tiềm năng của những công trình di sản kiến trúc hướng tới trở thành những không gian sáng tạo, phục vụ kinh tế sáng tạo đã được chứng minh. Việc tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội ở cả 4 mùa đã qua đều diễn ra tại những không gian di sản kiến trúc tiêu biểu của thành phố. Nhiều công trình di sản của Hà Nội đã được "đánh thức" thông qua các hoạt động sáng tạo dày đặc, thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, trải nghiệm.
Đơn cử như Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 đã thu hút hơn 200.000 lượt khách tham quan Nhà máy xe lửa Gia Lâm, 26.000 vé tàu trong chuyến tàu Hành trình di sản, hơn 30.000 khách tham quan tháp nước Hàng Đậu.
Chỉ trong 2 ngày đầu tiên diễn ra, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm nay đã thu hút hơn 30.000 lượt khách tham quan tại các tuyến chính. Riêng ngày thứ 2 của lễ hội (10/11) đã có đến 25.000 lượt khách. Đây là những con số đầy ấn tượng cho thấy sức hút của những công trình di sản khi được đánh thức trở thành những không gian sáng tạo nghệ thuật.
Một ví dụ đáng kể khác đó là những công trình di sản từng được sử dụng làm địa điểm tổ chức những mùa Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đầu tiên (2021) giờ đây đã trở thành những không gian cố định, thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo. Đó chính là Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) vốn là công trình kiến trúc cổ Hội quán Quảng Đông khoảng 400 năm tuổi.
Cụ thể, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết, Hội quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm là không gian đầu tiên của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội. Tại không gian này, lần đầu tiên lễ hội được tổ chức với tên gọi là Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo diễn ra vào năm 2021.
"Khi tiếp cận không gian này, chúng tôi đã có những giải pháp đối thoại với những giá trị di sản kiến trúc Việt - Hoa - Pháp rất đặc trưng của công trình Hội quán Quảng Đông xưa" - ông Sơn cho biết - "Chúng tôi đã cố gắng thiết kế và xử lý không gian ở mức độ không can thiệp vào kiến trúc vốn có của di sản".
Các "phương pháp xanh" được sử dụng để xử lý và tạo ra những không gian phù hợp với tất cả các loại hình sáng tạo từ triển lãm mỹ thuật, kiến trúc, sắp đặt đến các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Không gian này gần như trở thành một "pavilion" (không gian triển lãm "mở" - PV) về nghệ thuật thực thụ của quận Hoàn Kiếm.
Đến các mùa Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội tiếp theo, tinh thần đối thoại với di sản tiếp tục được kế thừa và phát triển. Ví như tại lễ hội năm nay, một loạt các pavilion được xây dựng tại các di sản kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội như Hành lang thơ ngây tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, Rồng rắn lên mây tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Dòng tại khu vực Bắc bộ phủ (Nhà khách Chính phủ) và vườn hoa Diên Hồng.
Từ những pavilion này, KTS Nguyễn Hồng Quang (đồng thực hiện pavilion Dòng) cho rằng, trong bối cảnh cuộc sống mới, thành phố giống như một cơ thể sống cần có sự "giãn nở", thích ứng để phù hợp với sự phát triển hiện đại, con người hiện đại và những cơ chế hiện đại. Thực tế này đặt ra yêu cầu đối với việc tiếp cận những di sản kiến trúc đô thị cũng cần có những ứng xử phù hợp thông qua những công trình xây dựng mới.
"Các nhóm nghiên cứu, thiết kế của lễ hội đã dành thời gian rất dài tìm kiếm những khoảng không phù hợp để có thể hoàn toàn xây dựng những công trình mới lồng ghép với di sản mà không làm ảnh hưởng đến bộ mặt của thành phố. Đó là lý do mà tất cả những pavilion của lễ hội năm nay đều được sinh ra và đặt tại những vị trí thực sự tiết chế. Chúng tôi coi di sản là một viên ngọc quý. Và, thông qua các pavilion được xây dựng để nhìn vào những viên ngọc quý này một cách sáng rõ hơn" - ông Quang cho hay.
Từ những kết quả khả quan mà các mùa Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đã làm được, GS-KTS Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh, khi tiếp cận các công trình di sản kiến trúc phải vừa có tư duy bảo tồn, vừa có tư duy sáng tạo. "Chúng ta có thể bổ sung thêm những thành phần mới vào di tích nhưng phải làm trong sự tính toán kỹ lưỡng và phù hợp. Tuyệt đối không đồ sộ hóa, can thiệp thô bạo vào di tích, thay vào đó cần tạo ra những chuyển hóa tinh tế và mềm mại bằng những công trình nho nhỏ hợp với cảm thức không gian và cảnh sắc vốn có của Hà Nội".
"Tuyệt đối không đồ sộ hóa, can thiệp thô bạo vào di tích, thay vào đó cần tạo ra những chuyển hóa tinh tế và mềm mại bằng những công trình nho nhỏ hợp với cảm thức không gian và cảnh sắc vốn có của Hà Nội" - GS-KTS Hoàng Đạo Kính.